Cách làm không giống ai
Quả đồi hồi ấy mênh mông một màu trắng của đá trầm tích, không cây gì mọc được đã đành mà hạ tầng còn không đường, không điện, không nước nên chẳng ai muốn nhận ngoài ông bà Chu Trọng Nhung và Phùng Thị Thơ ở thôn Vật Lại, xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội).
Ông đọc sách thấy nông dân Nhật Bản chăm chỉ gùi đất để thay thế đất bị nhiễm phóng xạ do bom nguyên tử mà trồng cấy nên khi nhận quả đồi này cũng muốn thay lớp đất bạc màu đó. Đi xem những nơi khác người ta cải tạo đất bằng cách chở phù sa về đổ vào đồng thời bón thêm phân hữu cơ, ông thèm lắm nhưng không thể học theo được vì phải tốn đến hàng chục tỉ cho cả quả đồi ấy. Về than thở với bố thì ông nhận được lời khuyên: “Anh phải lấy mỡ nó rán nó, phải làm từ bé đến lớn, phải lấy ngắn nuôi dài để có cái ăn thì vợ con mới ủng hộ mình”.
Đấy là vào năm 2000. Trước đó, việc nông gia ông cũng quen tay khi 13 tuổi đã làm chủ hộ một gia đình nông dân với 4 người em và ông nội già bởi bố đi chiến trường còn mẹ thì ốm liệt giường. Học xong Đại học Giao thông ra trường ông về huyện công tác, những tưởng thoát ly được nghề nông nhưng do chán cảnh suốt ngày pha trà phục vụ lại bỏ đi làm công nhân quốc phòng, chuyên ngành cầu đường, xây dựng. Mãi về sau, khi địa phương phát động phủ xanh đất trống, đồi trọc ông mới nghĩ đến việc làm nông.
Ông nhận định, màu bạc trắng khô cằn này là lớp trầm tích của núi lửa gồm những hòn đá cuội to, bé và các hạt nhỏ li ti không khác gì lớp cấp phối của bê tông. Nó chắc nịch, không thấm nước, khi bị nắng chiếu vào sẽ sinh nhiệt làm rễ cây hễ ra là chết. Tất cả các tài liệu về nông nghiệp, khi canh tác trên đồi toàn bằng đánh băng đồng mức hết, rất tốn kém, nên ông áp dụng kiến thức của chính nghề xây dựng cầu đường. Bê tông nếu để vào chậu lắc lắc một chút là cứng ngắc luôn nhưng khi xới lên sẽ tơi xốp, bản chất của đất này cũng thế, phải phá vỡ kết cấu mới mong cải tạo được nó.
Thấy ông dùng máy để đào, móc đất lên 3 lần, lọc lấy đá to làm đường, tạo độ thông thoát nước, dân mới bảo: “Ông này rửa tiền!”. Ông chỉ cười rồi trả lời: “Tôi là công nhân lấy tiền đâu mà làm rửa?”. Đất mới móc lên không phải cày nữa mà trồng luôn dứa, cỏ cũng bị lật xuống sâu bên dưới, không phải làm, nước cũng thấm được luôn.
“Trận đánh” đầu tiên của vợ trồng ông là trồng dứa với ý định quả thu xong sẽ bán còn thân lá để lại tạo mùn, chống xói mòn cho đất. Chưa biết gì về loại cây trồng mới này nên cứ thứ bảy, chủ nhật hai vợ chồng ông lại đèo nhau sang nông trường dứa mang theo hai quyển sổ, một để ghi chép kỹ thuật, một để hoạch toán rồi thuê luôn công nhân ở đó về chuyển giao công nghệ. Thắng đậm ngay từ những vụ đầu, 10 quả dứa đã thừa trả được 1 công lao động, với 20 vạn gốc dứa, vợ chồng ông lãi tương đương vài chục cây vàng.
Nhân hiệu của hai vợ chồng
Trong khi xung quanh bà con dùng thuốc trừ cỏ thì ông bà lại kiên quyết không. Họ quyết định lái ra hết các nguồn nước chảy từ bên ngoài vào trong cũng như “nhốt” luôn nước từ trang trại không cho chảy ra ngoài. Nước giếng đào bơm lên dùng để tưới cây hay cho lợn, gà, bò uống sạch đến nỗi người làm cũng uống ngay tại đầu vòi. Trồng dứa chỉ được năm thứ nhất, thứ hai đến năm thứ ba đất bắt đầu quen, ra Tết mưa phùn cỏ mọc nhanh lấp hết cả thân, phải thuê tới 50-60 người làm cỏ từ 5/1 đến 1/6 mà vẫn không thể xuể.
Nghe người ta mách đất đồi hợp với đậu nên quyết định trồng đậu đen vừa lấy thân phủ để cải tạo đất lại đỡ công làm cỏ. 1 kg đậu đem bán thừa trả 1 công lao động, thế mà mỗi vụ ông bà thu đến vài ba tấn. Hết tháng 5 thu hoạch xong đậu, tháng 6 ông bà lại trồng củ đậu, thu vài chục tấn, bán mỗi kg 6.000đ.
Bây giờ người ta hay nói đến khái niệm kinh tế tuần hoàn nhưng thực chất là tận dụng cái này để nuôi cái kia, những thứ mà ông bà đã làm từ ngày khởi nghiệp. Ví dụ như dùng cây dứa cho lợn ăn, dùng củ đậu loại, quả mít nứt, quả nhãn nứt ném xuống ao nuôi cá hay vứt vào chuồng bò, chuồng nhím, phân quay lại bón cho cây, không phun thuốc trừ cỏ để tận dụng làm thảm che phủ và lấy thức ăn cho gia súc…
Hiện để duy trì được trang trại lúc nào ông bà cũng phải có xấp xỉ 2 tỉ tiền mặt để chi thường xuyên nên phải lấy thứ này để nuôi thứ nọ. Làm ăn có lúc được lúc mất, phần do dịch bệnh, phần bởi thị trường nhưng sau đó đều phục hồi trở lại. Có mấy điều ông đúc kết từ chính kinh nghiệm của mình gồm: Luôn đi trước về tư duy sản xuất cũng như thị trường; Làm những thứ nông sản bản địa đặc trưng nhưng phải áp dụng khoa học kỹ thuật để đạt chất lượng tốt nhất và ổn định; Ngoài các điều kiện đất sạch, nước sạch, không khí sạch, canh tác sạch phải xây dựng được cả nhân hiệu của mình.
Những thứ cây ngắn ngày đó dần dần bị loại bỏ khi các cây ăn quả lâu năm như bưởi, nhãn khép tán. Lúc đó thì ông bà lại mở rộng chuyện chăn nuôi. Mỗi tháng họ vào 2.000 gà nên tổng đàn lúc nào cũng trên dưới 1 vạn. Gà khi bé vẫn cho ăn cám công nghiệp nhưng đến tháng tứ 4 trở đi thì ăn sắn, ăn ngô còn lợn thì nuôi dài tới 2 năm với chế độ gồm bã bia và bột sắn, không có đạm động vật nên thịt rất thơm ngon.
Những năm 2012-2013 họ thu lãi tiền tỉ từ gà quá đơn giản vì giá thành sản xuất chỉ 70.000đ/kg mà Tết đến bán cứ 130-140.000đ/kg nhưng hai năm vừa rồi giá kém phải trông vào thứ khác để bù như lợn ỉ, lợn rừng lai. Hay mặt hàng chủ lực khác là bưởi Diễn của vườn thì vừa rồi cũng mất giá phải trông vào nhãn, vào mít.
Trang trại có 4 nhà phân để ủ phân gà, phân bò, phân lợn, có hàng loạt thùng ủ cá tạp với men. Ngoài dùng phân hữu cơ ông bà vẫn phải dùng phân hóa học như lân nung chảy, NPK Lâm Thao, kali để nâng cao năng suất, chất lượng cho nông sản, tuy nhiên họ lại hạn chế trong việc dùng đạm. Ông cười và nói: “Bây giờ đôi lúc người ta cứ nói theo phong trào rằng tôi sản xuất sạch, không phun thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học nhưng phần lớn là vớ vẩn hết.
Cái gì cũng có hai mặt của nó, mình phải biết kết hợp hài hòa giữa hữu cơ và vô cơ, không được lạm dụng bất cứ yếu tố nào. Bưởi đang sâu vẽ bùa không phun thuốc sao diệt được? Lợn không đánh vắc xin, gà không đánh vắc xin thì vứt hết cả đàn. Rồi bảo có thể lấy kali từ thân cây chuối nhưng tôi trồng cả 12 ha thì chuối đâu ra cho xuể nên vẫn phải dùng phân kali, thêm vào đó là lân nung chảy, NPK Lâm Thao”.
Nhận xét về ông bà, chị Phan Thị Xuân Hương-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì nói: “Trang trại của ông bà Nhung Thơ là điển hình của Ba Vì, phát triển theo xu hướng bền vững với những sản phẩm đặc trưng như gà đồi, nhãn chín muộn, bưởi Diễn, lợn ỉ. Sắp tới ông bà còn có ý tưởng kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái trải nghiệm để có thể giới thiệu cho các khách hàng khắp nơi đến thưởng thức sản phẩm ngay tại chỗ”.