Bắc Giang đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng quy trình an toàn sinh học, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đến nay, toàn tỉnh có 695 trang trại chăn nuôi, trong đó 612 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại, gia trại và an toàn sinh học theo hướng VietGAHP đối với chăn nuôi lợn là 45% và chăn nuôi gà 50%. Đã xây dựng được thương hiệu cho gà đồi Yên Thế với quy mô đàn thường xuyên từ 3-4 triệu con, nhãn hiệu tập thể “Lợn sạch Tân Yên” có thị trường tiêu thụ khá ổn định tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.
Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cho biết: Kết quả chăn nuôi sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu, chất lượng đàn gia súc, gia cầm có chuyển biến, tỷ trọng đàn bò lai, đàn lợn nạc tăng, số vòng quay với lợn từ 2 lứa/năm lên 2,5 lứa/năm, gia cầm từ 2 lứa/năm lên 3-4 lứa/năm với gà thả vườn.
Cùng đó, Bắc Giang đã thực hiện tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển dịch mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại; chăn nuôi an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, gắn chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Trên địa bàn tỉnh đang có 3 phương thức liên kết trong chăn nuôi.
Đầu tiên là liên kết chăn nuôi trong các HTX, tổ hợp tác. Hiện tỉnh có 66 HTX hoạt động về lĩnh vực chăn nuôi lợn và gia cầm, hoạt động theo hình thức tập hợp thành nhóm chăn nuôi, cùng chung tiền mua thức ăn chăn nuôi từ nhà máy với giá thức ăn giảm 7-10% so với mua thức ăn từ các đại lý và thống nhất giá bán cho thương lái.
Việc liên kết chăn nuôi gia công với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng có nhiều chuyển biến. Bắc Giang hiện có hơn 40 cơ sở chăn nuôi lợn, gà với các công ty CP, Dabaco, Japfa, RTD, Austfeed... Trong liên kết này, doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật và thu lại sản phẩm theo định mức và yêu cầu đối với sản phẩm theo thỏa thuận; người sản xuất bố trí không gian, chuồng trại, nhân công, xử lý chất thải. Sau khi người sản xuất giao sản phẩm, doanh nghiệp chi kinh phí cho người sản xuất để trang trải các khoản đầu tư, chi phí theo thỏa thuận giữa hai bên.
Cũng theo ông Dương, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ cũng đang được tỉnh thúc đẩy. Đây là chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt lợn, thịt gà, sản phẩm có nhãn mác và truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị.
Phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi là một trong những cách làm được UBND tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo nhằm tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Mô hình này tạo ra sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng, tăng sức cạnh tranh, giúp người chăn nuôi yên tâm về đầu ra, hạn chế rủi ro.
Bắc Giang hiện có 6 chuỗi liên kết: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn hữu cơ Trường Thành, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lợn tại HTX chăn nuôi và dịch vụ Tín Nhiệm, chuỗi thực phẩm an toàn Hải Thịnh (lợn), chuỗi lợn sạch Tân Yên với nhãn hiệu tập thể “Lợn sạch Tân Yên”, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lợn tại HTX kinh doanh Thanh Thao, chuỗi liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ gà đồi tại Công ty TNHH Giang Sơn với nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Yên Thế”.