| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nghề nuôi ong trên cao nguyên đá

Thứ Hai 22/07/2019 , 09:10 (GMT+7)

Trên vùng cao nguyên đá Hà Giang, cây bạc hà có sức sống mãnh liệt đến lạ kỳ. Người dân nơi đây đã mở rộng diện tích trồng bạc hà để phát triển nghề nuôi ong.

10-54-14_1
Đến nay tỉnh Hà Giang có 32.300 tổ ong.

Đến nay tổng đàn ong của tỉnh Hà Giang là hơn 32.300 tổ, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Đồng Văn Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ, với 2.816 hộ nuôi. Cùng với đó, tỉnh này cũng có 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến mật ong, 79 tổ hợp tác, nhóm sở thích.

Năm 2015, nhận thấy nguồn hoa bạc hà tại nhiều thôn của xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn diện tích lớn, anh Thào Mý Sử đã nung nấu ý tưởng phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật. Dồn vốn liếng bao năm tích cóp anh Sử mua 110 đàn ong và đặt tại thôn Lũng Táo.

Anh Sử chia sẻ, năm đầu tiên chỉ một mình vật lộn chăm đàn ong, lại chưa có kinh nghiệm nên mùa mật đầu tiên, hầu như không thu được gì.

Không nản chí, anh tích cực mày mò học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ những người đi trước; tham gia các lớp tập huấn về nuôi ong bạc hà. Nhờ vậy đàn ong dần cho hiệu quả kinh tế. Đến nay, anh Sử duy trì từ 130 - 150 đàn ong. Với sự phát triển ổn định của đàn ong, mỗi năm anh Sử thu về trên 300 lít mật, đem lại thu nhập trên 130 triệu đồng.

Mật ong bạc hà là một trong những sản phẩm nông sản nổi tiếng của Hà Giang. Mật bạc hà thường đặc sánh, màu từ vàng đỏ đến vàng chanh, khác biệt so với hầu hết các loại mật ong khác ở nước ta. Mật ong hoa được khai thác từ mật của cây hoa bạc hà, loại cây trước đây mọc dại nay được mở rộng diện tích trồng.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, tùy từng địa ương, cây hoa bạc hà lại nở rộ vào những dịp khác nhau. Tại huyện Đồng Văn từ tháng 9 đến tháng 12; huyện Mèo Vạc, từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau; huyện Yên Minh từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau và huyện Quản Bạ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Đến nay toàn tỉnh có 5.056ha diện tích cây bạc hà...

10-54-14_2
Các sản phẩm chế biến từ mật ong bạc hà của HTX Tuấn Dũng được thị trường ưa chuộng.

Huyện Mèo Vạc xác định, phát triển nghề nuôi ong bạc hà là một trong những nội dung trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Vụ ong 2018 - 2019, toàn huyện có khoảng 12.000 đàn ong, cho tổng sản lượng mật khoảng 72.000 lít.

HTX Tuấn Dũng là đơn vị làm đầu mối sản xuất, cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm và là hạt nhân tạo liên kết trong chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm mật ong bạc hà của huyện Mèo Vạc. HTX được đăng ký chất lượng, bảo hộ tem, nhãn sản phẩm. Bình quân mỗi vụ HTX có sản lượng mật chế biến và tiêu thụ khoảng 15.000 lít.

Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết, HTX có đội ngũ cộng tác viên kỹ thuật lành nghề, làm chủ quy trình công nghệ và có kinh nghiệm trong các khâu nhân giống, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm từ mật ong được HTX quan tâm đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện HTX đầu tư dây chuyền hạ thủy phần, nâng cao chất lượng mật ong; chế biến các sản phẩm: Mật ong bạc hà, phấn hoa bạc hà, mật ong bạc hà ngâm tinh bột nghệ, sữa ong chúa.

Khuyến khích nghề nuôi ong phát triển, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân. Trong đó thực hiện hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các hộ vay vốn chăn nuôi ong nội Apis Cerana theo Nghị quyết số 29 ngày 77/12/2018; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để người dân phát triển cây bạc hà.

Thực hiện chính sách này, trong các năm 2018, 2019, tỉnh đã hỗ trợ gần 8 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi ong và hỗ trợ mở rộng diện tích trồng hơn 1.000ha cây bạc hà. Dự kiến đến hết năm 2019, tỉnh sẽ hỗ trợ mở rộng hơn 1.100ha diện tích cây bạc hà tại các địa phương.

Từ chính sách hỗ trợ, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư phát triển ngành chăn nuôi ong theo hình thức sản xuất hàng hóa. Đã có một số tổ chức, cá nhân có trên 1.000 tổ như: HTX Phong Hưởng, huyện Đồng Văn; Cty Trường Anh, huyện Đồng Văn; Cty Tuấn Dũng, huyện Mèo Vạc… góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm mật ong bạc hà, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi ong ở địa phương.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.