| Hotline: 0983.970.780

Phát triển thanh long bền vững theo chiều sâu

Thứ Năm 20/05/2021 , 10:29 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận hướng đến phát triển thanh long bền vững theo hướng thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Bình Thuận xác định cây thanh long là cây trồng chủ lực ở địa phương. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận xác định cây thanh long là cây trồng chủ lực ở địa phương. Ảnh: KS.

Chưa tương xứng tiềm năng

Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long cả nước với diện tích lên đến 33.750ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 30.886ha, sản lượng đạt 698.029 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có khoảng 10.500ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm 31,1% tổng diện tích và gần 355ha thanh long được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP.

Đến nay toàn tỉnh có 502 tổ hợp tác/nhóm liên kết sản xuất thanh long với khoảng 9.797 hộ và 48 HTX thanh long và 2 Liên hiệp HTX. Tỉnh này đã xây dựng và kết nối được 12 chuỗi cung ứng thanh long an toàn với sản lượng 90.775 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, có 7 hợp tác xã đã có nhà sơ chế, đóng gói có hoạt động vào thu mua trái thanh long sản phẩm cho thành viên.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, tỉnh Bình Thuận xem thanh long là cây lợi thế và đặc sản của địa phương, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, hiện thanh long Bình Thuận khoảng 80% được xuất khẩu, 15% tiêu thụ nội địa. Với khoảng 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70 – 80 ngàn lao động.

Tổng doanh thu của thanh long ruột trắng trên địa bàn bình quân/năm đạt 420 – 430 triệu đồng/ha, gấp 4 – 5 lần so với các loại trái cây khác (chôm chôm, chuối, bưởi), cao gấp 7 – 8 lần so với trồng cao su (giá 30 triệu đồng/tấn), gấp 20 lần so với trồng điều, gấp 8 lần so với trồng lúa. Sau khi trừ chi phí, bình quân 1ha thanh long nông dân lợi nhuận từ 175 - 180 triệu đồng (do chi phí khấu hao vườn cây lớn).

Cũng theo ông Tấn đánh giá việc phát triển thanh long trên địa bàn thời gian qua trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng và bền vững. Bởi về sản xuất mặc dù đã thành lập tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp HTX sản xuất thanh long song vẫn chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay thanh long Bình Thuận phát triển chưa bền vững, đầu ra, giá cả chưa ổn định. Ảnh: LK.

Hiện nay thanh long Bình Thuận phát triển chưa bền vững, đầu ra, giá cả chưa ổn định. Ảnh: LK.

Thêm vào đó, sản xuất chưa liên kết chặt chẽ với tiêu thụ nên thị trường đầu ra vẫn chưa được ổn định, bền vững. Một số nhà vườn chưa áp dụng mạnh việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn, công nghệ cao, chưa tuân thủ chặt chẽ về sử dụng thuốc BVTV.

Về tiêu thụ hệ thống phân phối thanh long hiện tại còn nhiều bất cập, chủ yếu là tiêu thụ theo kênh phân phối truyền thống qua nhiều tầng nấc trung gian. Người nông dân tự thực hiện sản xuất và tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, phương thức giao dịch giữa nông dân với người cung cấp các yếu tố đầu vào và các nhà thu mua đều thực hiện thỏa thuận bằng miệng, không thông qua hợp đồng nên việc mua bán không bền vững, người sản xuất bị chi phối bởi thương lái (người thu mua) trong việc quyết định giá cả và tiêu thụ sản phẩm.  

Về chế biến dù hiện diện tích thu hoạch rất lớn, trong khi đó trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều các cơ sở chế biến sâu về sản phẩm thanh long, ước sản lượng chế biến chỉ chiếm dưới 10%.

Phát triển bền vững

Để phát triển thanh long bền vững trong thời gian đến ngành nông nghiệp Bình Thuận sẽ triển khai giải pháp hướng đến thâm canh, tăng năng suất và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết: Chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm và xem đây là yếu tố then chốt để cây thanh long phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận sẽ đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng quả thanh long để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: KS.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận sẽ đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng quả thanh long để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: KS.

Theo đó, sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó sẽ ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến thanh long cũng như từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP để mở rộng thị trường.

Nghiên cứu, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa để đa dạng sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây thanh long. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhất là mô hình sản xuất công nghê cao và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm phát triển thanh long bền vững.

Vận động, tuyên truyền phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Cũng như nâng cao nhận thức người nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng thanh long để giảm chi phí cả đầu vào và đầu ra, giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ.

Theo ông Tấn, ngoài giải pháp trên, tỉnh sẽ đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ xúc tiến thị trường tiêu thụ thanh long theo hướng vừa coi trọng đúng mức thị trường trong nước, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển các kênh phân phối với các địa phương trong cả nước, nhất là thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đồng thời đa dạng và tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường cơ bản và chủ yếu theo hướng vừa tăng cường xuất khẩu chính ngạch vừa tạo thuận lợi xuất khẩu biên mậu qua các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm hàng hoá từ trái thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, sản xuất các loại nước ép thanh long, rượu vang thanh long, làm bánh, mứt, kẹo... nhằm làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi…

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất