| Hotline: 0983.970.780

Phố giữa làng kiểu mẫu

Thứ Sáu 11/02/2022 , 09:18 (GMT+7)

Những dãy nhà cao tầng san sát bên nhau cạnh những con đường đỏ nhựa rộng rãi. Đó là xã Thanh Trạch đang vươn mình lên vị trí nông thôn mới nâng cao…

Ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), hồ hởi giới thiệu: “Xã chúng tôi đang trên đà phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay chúng tôi đã cầm chắc trong tay 12/14 tiêu chí rồi. Chỉ còn hai việc là nước sạch cho thôn Đá Nhảy và quy hoạch các cụm dân cư nữa là hoàn thành xong. Năm nay, chúng tôi phấn đấu làm đẹp được cả 2 tiêu chí này”..

Mỗi năm “kiều hối” về khoảng 600 tỷ đồng… 

Cách đây mấy năm, xã Thanh Trạch đã phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) trong sự vui mừng của người dân. Và cũng kể từ đó, Thanh Trạch đẩy lên hàng đầu cái thế mạnh riêng của mình. Đó là việc xuất khẩu lao động để tăng thu nhập cho gia đình. Từ những người đi trước, có được điều kiện là hướng nghiệp, gửi tiền cho em út, người thân trong gia đình, dòng họ… nối nhau xuất khẩu.

Đường về thôn Thanh Xuân hôm nay. Ảnh: N.Tâm

Đường về thôn Thanh Xuân hôm nay. Ảnh: N.Tâm

Cả xã Thanh Trạch có 7 thôn thì có 3 thôn làm nghề biển, 2 thôn làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và 2 thôn thuần nông. Thôn Quyết Thắng là thuần nông nên có số lượng con em đi lao động nước ngoài nhiều hơn cả. Nhiều gia đình có đến 4 người đang hăng say lao động ở nước ngoài. Riêng con số nhà có 3 người đang ở các nước thì đếm không xuể. Gia đình các ông Phan Văn Cương,Vũ Văn Dũng, Vũ Văn Thắng… đều có con cái ở nước ngoài tất. Ở nhà chỉ có hai ông bà cao tuổi chăm lo vườn tược.

Vì có con em đi lao động nước ngoài sớm nên có được kinh nghiệm thị trường, việc làm. Bởi vậy, con em của các thôn đều chọn những nước mà lao động có thu nhập hàng tháng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada… Hiện, cả xã có trên 3 ngàn lao động đang làm việc ở nước ngoài. Ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã tính nhanh: “Do phần lớn lao động ở các nước có điều kiện thu nhập cao nên trung bình mỗi lao động gửi về cho gia đình trên 200 triệu đồng. Hàng năm, số tiền gửi về cho người dân trong xã cũng trên 600 tỷ đồng. Con số này cho thấy, người dân chúng tôi đang dần dần giàu lên đấy”.

Được biết, Thanh Trạch có 3.100 hộ nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn lại 1,22%. Những hộ nghèo này thường nằm trong diện có hoàn cảnh đặc biệt, tàn tật, già yếu nên luôn được chính quyền quan tâm chu đáo. Khi chúng tôi hỏi về tỷ lệ hộ giàu (có trong tay khối tài sản trên 5 - 7 tỷ đồng) thì được nhận câu trả lời khá gọn gàng là trên 44% tổng số hộ.

Khu độ thị mới ở khu dân cư xã Thanh Trạch. Ảnh: N.Tâm

Khu độ thị mới ở khu dân cư xã Thanh Trạch. Ảnh: N.Tâm

Vì người dân trong xã có điều kiện kinh tế khá giả nên khi đấu giá đất trong vùng quy hoạch làm nhà ở thì nguồn thu ngân sách được tăng vọt. Nguồn thu tăng, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá cũng dễ dàng hơn.

Cho đến nay, trên 30km đường giao thông nông thôn ở Thanh Trạch được đổ nhựa hay bê tông. Trong năm 2021, xã  đầu tư  khoảng 25 tỷ đồng để xây dựng đường sá mà không phải kêu gọi sự đóng góp của người dân. “Năm nay, chúng tôi cũng đã có kế hoạch xây dựng cơ bản với nguồn vốn khoảng  32 tỷ đồng. Một số tuyến đường giao thông nội đồng sẽ được mở rộng, đổ bê tông nhằm tạo điều kiện cho người dân đầu tư vào phát triển sản xuất, đầu tư làm trang trại”, ông Hiếu cho biết.

Trong thời gian tiếp theo, Thanh Trạch tập trung chú trọng việc nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao để giữ vững và phát triển. Địa phương đưa ra giải pháp tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn lồng ghép của các chương trình, nguồn lực từ quỹ đất, các nhà tài trợ, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp để tạo thêm nguồn lực thực hiện. “Trên cơ sở đó, chúng tôi khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn xây dựng mô hình và phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên làm giàu”- ông Huấn cho biết thêm.

Đô thị giữa làng quê đáng sống

Chúng tôi về thôn Thanh Hải (xã Thanh Trạch) vào những ngày đầu năm mới. Hương vị ấm áp, nồng nàn của những ngày Tết cổ truyền vẫn còn vương lại trên những nét mặt rạng ngời của người dân, trên những cành mai đào đang khoe sắc. Ông Nguyễn Văn Đang, Trưởng thôn Thanh Hải cho hay: “Thôn chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận  là Khu dân cư NTM kiểu mẫu rồi đấy”.

Người dân ở Thanh Trạch luôn chăm lo đến môi trường sống sạch đẹp, văn minh. Ảnh: N.Tâm

Người dân ở Thanh Trạch luôn chăm lo đến môi trường sống sạch đẹp, văn minh. Ảnh: N.Tâm

Thôn Thanh Hải có 219 hộ, bà con sống trong tình đoàn kết, luôn tương trợ lẫn nhau để cùng nhau xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng phát triển, đổi thay từng ngày. Ông Đang cho hay: “Chúng tôi đã đề ra phương hướng trên 3 mục tiêu là động viên con em ra nước ngoài làm việc, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt xa bờ và phát triển dịch vụ thu mua, chế biến hải sản”. Nhờ đa dạng hóa ngành nghề và dịch vụ, đến nay, trên địa bàn thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh giỏi, tiêu biểu trên mọi mặt. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt khoảng 60 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2021, thôn không còn hộ nghèo, hộ giàu chiếm 58%, hộ khá chiếm 41%.

Nhờ đa dạng hóa ngành nghề và dịch vụ, đến nay, trên địa bàn thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh giỏi, có 5 gia đình tiêu biểu trên mọi mặt. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 55 - 60 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2021, thôn không còn hộ nghèo, hộ giàu chiếm 58%, hộ khá chiếm 41% và hộ cận nghèo chiếm 0,1%”. Ở mỗi trục đường, ngõ xóm của thôn Thanh Hải đều được các hộ dân đảm nhận việc chăm sóc cây, trồng hoa, giữ gìn vệ sinh môi trường nên luôn sạch đẹp, văn minh. Thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa 5 năm liền. Đến thời điểm này,  Thanh Hải đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí 50 tỷ đồng, hoàn toàn do bà con đầu tư.

Cùng chúng tôi đi trên con đường nội thôn phong quang sạch đẹp, hai bên nhà cao tầng san sát, ông Trần Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thanh Hải tự hào: “Để Thanh Hải ngày càng giàu đẹp, đáng sống như ngày hôm nay, cấp ủy, ban lãnh đạo thôn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng nội dung cần làm, đưa ra dân họp bàn, thảo luận, thông suốt rồi mới triển khai. Nhờ vậy mà các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” luôn đạt hiệu quả”.

Cũng theo ông Thắng, các nội dung của cuộc vận động đều được cụ thể hóa thành “5 đoàn kết.” Đó là đoàn kết tham gia phát triển kinh tế; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đoàn kết bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp; đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đoàn kết phát huy dân chủ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Một tuyến đường ở Khu dân cư NTM kiểu mẫu Thanh Hải. Ảnh: H.Chi.

Một tuyến đường ở Khu dân cư NTM kiểu mẫu Thanh Hải. Ảnh: H.Chi.

Ông Nguyễn Thanh Bình (86 tuổi), nói với chúng tôi, mấy chục năm qua, bà con trong thôn luôn đồng thuận, giúp đỡ lẫn nhau như trong một gia đình. “Tôi luôn tự hào vì mình được sống trong khu dân cư yên bình, tiêu biểu. Tôi luôn nhắc nhở con cháu và bà con phải luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp để Thanh Hải luôn giữ được với danh hiệu mô hình điểm của tỉnh”.

Bây giờ, ai có đến các thôn của xã Thanh Trạch trước cảnh một đô thị mới đang trỗi dậy. Hai bên các con đường rộng, sạch đẹp là các dãy nhà cao tầng mọc lên liền kề. Các thôn Thanh Hải, Thanh Xuân, Thanh Khê… như là những phố mới tựa như đô thị ở thành phố. Những dãy nhà còn thơm mùi sơn vươn cao trong nắng sớm. Vỉa hè rộng được lát đá phẳng, sạch được tô điểm thêm bởi dãy đèn điện cao áp đứng thẳng hàng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.