| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn giao trái phép hơn 2.000ha đất rừng cho doanh nghiệp

Thứ Hai 24/08/2020 , 08:02 (GMT+7)

Được giao hơn 2.000ha đất rừng, nhưng doanh nghiệp chỉ dùng vào việc khai thác, xong bỏ hoang. Trong khi người dân địa phương không có đất sản xuất, dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp.

Hơn 80 hộ dân của Làng Điền, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới viết đơn tập thể gửi các cấp của tỉnh Bắc Kạn, đề nghị giao lại cho người dân canh tác phần đất rừng trước đây đã cấp cho Công ty Cổ phần SAHABAK (SAHABAK). Thậm chí, họ còn lên kế hoạch mang băng rôn, khẩu hiệu kéo lên huyện, tỉnh. Chính quyền địa phương đã vào cuộc, lắng nghe tiếng nói của nhân dân.

Ngoài xã Quảng Chu, còn nhiều hộ dân ở các xã khác là Thanh Bình (nay là Thanh Thịnh), Yên Đĩnh (nay là thị trấn Đồng Tâm) của huyện Chợ Mới cũng trong tình trạng như vậy. Lý do dẫn tới sự việc này, là người dân địa phương hiện chỉ sống dựa vào một ít đất ruộng, đất vườn, thiếu nghiêm trọng đất rừng sản xuất. Trong khi đó, những cánh rừng ở xung quanh nơi mình sống lại bị bỏ hoang phí nhiều năm nay, rất nhiều diện tích đã bị lấn chiếm trái phép.

Người dân Làng Chẽ, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới sống xung quanh là rừng, nhưng lại thiếu đất rừng sản xuất. Ảnh: Việt Bắc.

Người dân Làng Chẽ, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới sống xung quanh là rừng, nhưng lại thiếu đất rừng sản xuất. Ảnh: Việt Bắc.

Công ty SAHABAK được UBND tỉnh Bắc Kạn giao 2.032,97 ha đất theo Quyết định số 1873 ngày 11/11/2016, mục đích sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Thời hạn thuê đất là 50 năm, hình thức trả tiền hàng năm theo đơn giá của tỉnh.

Toàn bộ diện tích đất này trước đó thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý, và người dân địa phương đã canh tác từ những năm 1980 trở lại đây.

Tìm hiểu của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, sự việc này đã vô tình để lộ ra những vấn đề có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, giao đất trái quy định pháp luật. Cụ thể là SAHABAK không có dự án trồng rừng, phát triển rừng nhưng vẫn được giao hàng ngàn hecta đất.

PV đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bắc Kạn. Theo báo cáo thì Sở không quản lý, cũng không thấy có bất kỳ dự án nào về trồng rừng của công ty SAHABAK.

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT cho rằng, việc giao đất rừng cho doanh nghiệp diện tích lớn như vậy mà không có dự án là điều vô lý, có thể đây là dự án đầu tư công nghiệp nên không báo cáo về Sở NN-PTNT, muốn làm rõ phải sang Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Tuy nhiên, Sở KH&ĐT Bắc Kạn cũng không có bất kỳ dự án nào liên quan tới trồng rừng của SAHABAK, mà chỉ có dự án sản xuất đăng ký hoạt động ở Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình, huyện Chợ Mới.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT Bắc Kạn cho biết, việc có dự án đầu tư đúng quy định thì sẽ được giao đất, nếu không có dự án mà vẫn được giao đất là trái với quy định của Luật Đầu tư. Còn việc được giao đất rừng thì phải có dự án trồng rừng, vì vậy có thể liên quan tới đầu tư vào KCN sẽ do Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Kạn thực hiện, họ không báo cáo danh mục về Sở nên không nắm được.

Để giải đáp việc này, PV đã đến làm việc với Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo Ban khẳng định đơn vị chỉ quản lý vấn đề của doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Thanh Bình, chứ không có chức năng tham mưu các dự án bên ngoài. Ban cũng không có thông tin nào về việc SAHABAK được giao hơn 2.000 ha đất như vậy.

Văn bản số 2190 của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đã chỉ rõ việc cấp đất cho SAHABAK và những tồn tại, hạn chế về năng lực của đơn vị này. Ảnh: Toán Nguyễn.

Văn bản số 2190 của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đã chỉ rõ việc cấp đất cho SAHABAK và những tồn tại, hạn chế về năng lực của đơn vị này. Ảnh: Toán Nguyễn.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, nêu rõ SAHABAK được giao 2.032,97ha (trong đó: Thuê đất để sản xuất kinh doanh rừng 1.567,4ha; giao quản lý 465,56 ha đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên), mục đích để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ các dự án Nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.

Nhưng từ khi được giao đất (năm 2016) đến nay, SAHABAK không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, công ty này cũng không có nhân lực thực hiện quản lý bảo vệ, không có các hoạt động đầu tư trong suốt quá trình được giao đất. Trong khi lại để xảy ra chảy máu tài nguyên rừng và bị người dân xâm lấn.

Có thể thấy, việc giao hơn 2.000ha rừng cho SAHABAK khi không có dự án đầu tư đã sai theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Việc giao diện tích rất lớn như vậy, không những không đem lại hiệu quả mà còn làm mất đất rừng, thất thoát lâm sản, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng ngân sách Nhà nước, gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân nghèo của huyện Chợ Mới cũng là điều dễ hiểu.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.