| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh đốm trắng thanh long

Thứ Ba 29/10/2013 , 10:28 (GMT+7)

Nông dân quá lạm dụng phân bón lá hay sử dụng phân gà chưa qua xử lý, cũng tạo điều kiện cho bệnh đốm trắng phát triển...

Dù có nhiều nỗ lực từ các cơ quan BVTV, doanh nghiệp, chính quyền cũng như nông dân nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có thuốc hay giải pháp đặc trị đối với căn bệnh đốm trắng gây hại thanh long. Vì thế, huyện Châu Thành (Long An) đang có xu hướng chuyển từ trị bệnh sang phòng bệnh.

Cũng như những vùng trồng thanh long tập trung khác, huyện Châu Thành trong nhiều tháng qua, phần lớn các hộ trồng thanh long phải khốn khổ với căn bệnh đốm trắng. Có thời điểm, nhiều vườn bị nhiễm bệnh ở mức độ mỗi trụ có 5 cành nhiễm bệnh, mỗi ha có 100 trụ nhiễm bệnh.

Bệnh tấn công và gây hại trên cả cành già lẫn cành non. Không chỉ gây hư cành, bệnh còn lan xuống trái; nhất là giai đoạn trái chín, nhẹ thì làm trái bị xấu về hình thức do nổi sần trên vỏ trái, nặng thì làm thối trái, ảnh hưởng đến năng suất.


Chăm sóc thanh long ở Châu Thành, Long An

Bà Nguyễn Thị Đậm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho hay, tuy bệnh đốm trắng trên thanh long đã giảm nhưng vẫn còn gây hại rải rác. Trong mấy tháng mùa mưa (là lúc cao điểm lây lan bệnh đốm trắng), Phòng NN-PTNT đã đưa ra nhiều khuyến cáo và hướng dẫn nông dân sử dụng nhiều loại thuốc hóa học có tác dụng cao đối với bệnh như Hexaconazole, Carbendazim và Macozeb.

Khi sử dụng các loại thuốc này xịt lên cây thanh long bị bệnh, tỷ lệ thành công đạt 80 - 87%. Nhưng nấm gây bệnh đốm trắng kháng thuốc rất nhanh. Vì thế, cứ 7 - 10 ngày sau, bệnh tái phát trở lại, khiến nông dân phải phun xịt tiếp. Mà dùng nhiều thuốc hóa học liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng trái thanh long XK.

Ông Ba Tây, chủ vườn thanh long ở xã Dương Xuân Hội cũng cho biết đã có một số cơ quan khoa học, DN tìm đến vườn của ông, đề nghị cho thử nghiệm nhiều loại thuốc trị bệnh đốm trắng. Qua thử nghiệm cũng có một số thuốc cho kết quả tốt. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có loại thuốc nào có thể coi là đặc trị đối với căn bệnh này.

Mặt khác, trong khi chưa có thuốc đặc trị thì những hạn chế trong quá trình trồng, chăm sóc thanh long của nông dân lại đang góp phần không nhỏ trong việc làm lây lan nhanh dịch bệnh.

Theo bà Đậm, nhiều hộ trồng thanh long có ý thức vệ sinh vườn rất kém. Khi cắt bỏ cành bị bệnh, nông dân không tiêu hủy để diệt mầm bệnh mà ném xuống đất vườn hay kênh mương, khiến cho mầm bệnh có cơ hội lây lan.

Nhiều vườn thanh long khá ẩm thấp, để cỏ mọc nhiều, nông dân lại không thường xuyên tạo tán, tỉa cành, nên cơ hội nhiễm bệnh cũng tăng lên. Khi trồng chính vụ, nông dân giảm hẳn sự chăm sóc so với nghịch vụ, nhiều vườn lại bị khai thác quá mức khi bị thắp đèn 3 - 4 lần/năm, khiến cho khả năng đề kháng của cây thanh long bị suy yếu, cây dễ nhiễm bệnh đốm trắng.

Nông dân quá lạm dụng phân bón lá hay sử dụng phân gà chưa qua xử lý, cũng tạo điều kiện cho bệnh đốm trắng phát triển (tất cả những vườn thanh long xử dụng phân gà chưa qua xử lý đều nhiễm bệnh này) …

Chính vì thế, thay vì ngồi trông chờ vào thuốc đặc trị, nhiều hộ trồng thanh long ở các xã Dương Xuân Hội, Long Trì… Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành và Cty TNHH Nông nghiệp GAP đã cùng phối hợp với nhau để chuyển từ chống sang phòng ngừa bệnh đốm trắng theo hướng SX hữu cơ.

Theo đó, trước hết, nông dân phải cải tạo lại vườn thanh long như tỉa bớt cành, không để môi trường bị ẩm thấp. Tỉa bỏ, tiêu hủy ngay những cành bị bệnh. Không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, phân gà chưa xử lý, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học…

Thay vào đó, hộ tham gia chương trình được hướng dẫn sử dụng các loại phân bón hữu cơ không chỉ có tác dụng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng năng suất, chất lượng trái mà còn có chứa những vi sinh vật có thể tạo ra các chất kháng sinh để ức chế sự phát sinh nấm và vi khuẩn có hại, trong đó có loại nấm đang gây ra bệnh đốm trắng thanh long.

Là người hợp tác với nhiều cơ quan khoa học, DN thử nghiệm các loại thuốc trị bệnh đốm trắng thanh long của mình nhằm tìm ra thuốc đặc trị, nhưng ông Ba Tây cũng cho rằng phải chuyển từ trị sang phòng bằng biện pháp canh tác hữu cơ.

Bởi thực tế cho thấy trong khi nhiều vườn thanh long bị nhiễm bệnh đốm trắng lên tới 50 - 60% thì nhờ canh tác bằng biện pháp hữu cơ, tỷ lệ bệnh đốm trắng của Ba Tây là rất thấp.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.