| Hotline: 0983.970.780

Phòng cháy rừng là chính, chữa cháy rừng kịp thời

Thứ Năm 29/06/2023 , 15:05 (GMT+7)

Đó là quan điểm chỉ đạo của đoàn công tác Cục Kiểm lâm sau khi đi kiểm tra công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại Hà Tĩnh.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện đề nghị Hà Tĩnh thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCCR theo tinh thần 'phòng cháy là chính, chữa cháy kịp thời'. Ảnh: Thanh Nga.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện đề nghị Hà Tĩnh thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCCR theo tinh thần “phòng cháy là chính, chữa cháy kịp thời”. Ảnh: Thanh Nga.

Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Theo dự báo, 10 ngày đầu tháng 7 sắp tới tiếp tục xuất hiện đợt nắng với nền nhiệt trên dưới 40 độ C, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin, giai đoạn này, hoạt động bảo vệ rừng, PCCCR của lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng vô cùng gian nan. Nguyên nhân khách quan là thời tiết khắc nghiệt nhưng vấn đề cần bàn là biên chế kiểm lâm đang thiếu hụt nghiêm trọng, do đó những địa phương có diện tích rừng lớn như huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang…, một kiểm lâm viên phải “bao” hàng nghìn ha, rất khó để bao quát hết tác động tiêu cực lên rừng.

Song hành với PCCCR, nhiệm vụ ngăn chặn lấn chiếm đất rừng cũng phải đặc biệt quan tâm. Ảnh: Thanh Nga.

Song hành với PCCCR, nhiệm vụ ngăn chặn lấn chiếm đất rừng cũng phải đặc biệt quan tâm. Ảnh: Thanh Nga.

Hơn nữa, một số địa phương, nhất là cấp xã chưa thực sự quan tâm, vào cuộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp; chưa có các giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, có vụ việc phát hiện nhưng chưa thật sự tập trung điều tra xử lý dứt điểm nên rừng ở một số nơi vẫn bị xâm hại, tranh chấp, lấn chiếm.

Không ít chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tự ý xẻ, phát rừng tự nhiên nghèo kiệt trái phép để trồng rừng nguyên liệu, cây ăn quả…; tự ý xử lý thực bì bằng lửa không đúng quy định hay đốt ong trong thời gian cao điểm nắng nóng…

Hiện nay diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn Hà Tĩnh lên đến 120 nghìn ha. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện nay diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn Hà Tĩnh lên đến 120 nghìn ha. Ảnh: Thanh Nga.

“Giai đoạn này ý thức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng của người dân cực kỳ quan trọng. Bà con tuyệt đối không xử lý thực bì khi chưa được cơ quan chức năng cho phép; đặc biệt, hạn chế sử dụng lửa ở khu vực gần rừng, bởi chỉ cần một mồi lửa dù là tàn thuốc lá cũng có thể gây nên cháy rừng quy mô lớn”, ông Huấn nhấn mạnh.

Trong chuyến kiểm tra thực địa diện tích rừng phòng hộ tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh mới đây, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm đánh giá cao công tác quản lý, bảo vệ rừng và sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ PCCCR của tỉnh này.

Chủ rừng và các lực lượng chuyên trách phải thường trực canh gác 24/24h. Ảnh: Thanh Nga.

Chủ rừng và các lực lượng chuyên trách phải thường trực canh gác 24/24h. Ảnh: Thanh Nga.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm đề nghị thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo lực lượng, phương tiện, thiết bị thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCCR theo tinh thần “phòng cháy là chính, chữa cháy kịp thời”; đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của rừng để nâng cao nhận thức và chung tay bảo vệ rừng, nhất là trong bối cảnh nắng nóng gay gắt hiện nay.

Hà Tĩnh có hơn 359 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó: đất có rừng hơn 337 nghìn ha; đất chưa có rừng trên 22 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là 52,56%.

Hiện nay, diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên toàn tỉnh lên đến 120 nghìn ha, phân bố trên 12 huyện, thị xã, chủ yếu là rừng trồng thông thuần loài; rừng trồng thông hỗn giao với keo, bạch đàn; rừng trồng keo thuần loài; rừng hỗn giao tre, nứa…

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.