| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng bệnh hiệu quả góp phần giảm giá thành chăn nuôi

Thứ Sáu 24/03/2023 , 14:39 (GMT+7)

Trong điều kiện giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, người chăn nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả để giảm giá thành sản xuất.

Empty

Chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ đang chịu nhiều sức ép. Ảnh: Minh Đảm.

Chăn nuôi nhỏ lẻ chịu sức ép lớn

Hiện, ngành chăn nuôi đang tồn tại nhiều hình thức như: Trang trại của doanh nghiệp, trang trại gia công, trang trại của nông dân. Dù có sự dịch chuyển theo hướng giảm dần chăn nuôi lẻ nhưng hình thức này vẫn còn khá phổ biến.

Tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển ở ĐBSCL với khoảng 200.000 con heo và 10 triệu gia cầm (gà, vịt). Thời gian qua, địa phương cũng thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với các doanh nghiệp lớn tiêu biểu như: CP, GreenFeed… tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn tồn tại và chiếm đa số.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, địa phương có khoảng 295.000 con heo và khoảng 17 triệu gia cầm. Hình thức chăn nuôi trang trại đảm bảo an toàn sinh học đã có bước phát triển và chiếm khoảng 30% sản lượng.

Tại thủ phủ chăn nuôi huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), theo Phòng NN-PTNT cho biết hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm từ 20 - 30% so với trước đây nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Hiện, địa phương này đang có đàn heo khoảng 240.000 con và 1,3 triệu con gia cầm.

Hình thức chăn nuôi gia công, trang trại lớn cũng đã có sựu đầu tư và phát triển. Những trang trại có quy mô hàng nghìn con cũng đã xuất hiện, tiêu biểu nhất là những trang trại của Công ty Mai Hoàng Thắng (có trang trại khoảng 8.000 con)…

Empty

Chăn nuôi trang trại quy mô lớn khép kín an toàn sinh học. Ảnh: Hữu Đức.

Tuy nhiên, phân tích giá thành sản xuất của nông dân, một bộ phận lớn tham gia ngành chăn nuôi hiện nay cho thấy đã tăng cao trong khoảng 2-3 năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do nguyên liệu cám, thuốc thú y, vật tư nhiên liệu đồng loạt tăng mà không giảm. Hai năm qua, giá cám dùng cho heo và gà đã tăng khoảng 100.000 đồng/bao (25kg), từ 220.000 - 250.000 đồng lên 300.000 - 350.000 đồng.

Theo người nuôi cho biết, giá cám chiếm tỷ lệ cao nhất trong cấu thành giá vốn ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo. Hiện mỗi tạ heo cần tiêu tốn 200 - 250kg thức ăn với chi phí dao động từ 3 - 3,5 triệu đồng. Điều này làm cho giá vốn của nông dân tăng lên 5 - 5,5 triệu đồng.

Về mặt đầu ra, sản phẩm của nông dân đang chịu sự cạnh tranh từ sản lượng lớn của doanh nghiệp đồng thời nhu cầu tiêu dùng thịt heo giảm nên giá bán sụt giảm là điều không thể tránh khỏi. Hiện mỗi tạ heo hơi đang có giá chỉ khoảng 4,7 - 4,8 triệu đồng thì người nuôi lỗ từ 300.000 - 500.000 đồng.

Riêng trên gia cầm, gà của doanh nghiệp bán giá rẻ hơn nông dân rất nhiều do giống tốt, nuôi mau lớn ít tiêu tốn thức ăn, thời gian chăn nuôi ngắn… Quan trọng nhất, giá nguyên liệu vật tư đầu vào thấp hơn nên hạ được giá thành.

Bên cạnh chịu sức ép về mặt chi phí sản xuất tăng, sự cạnh tranh trực tiếp từ doanh nghiệp, sản phẩm chăn nuôi của người nông dân còn chịu sức ép từ dịch bệnh, điển hình nhất là dịch tả heo Châu Phi và cúm gia cầm.

Empty

Thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng khiến giá thành heo hơi tăng cao, nông dân không có lãi. Ảnh: Minh Đảm.

Phòng bệnh là chìa khóa giảm giá thành

Về lâu dài, dịch chuyển sản xuất ngành chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, quy mô là điều tất yếu. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ không thể bị “xóa sổ” ngay lập tức mà cần có thời để nông dân chuyển đổi sản xuất.

Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú và thuỷ sản Vĩnh Long cho rằng: Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại song song với chăn nuôi quy mô lớn bởi hình thức này phần nào vẫn giải quyết được lao động nhàn rỗi, lớn tuổi, khó tìm được việc làm tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các chợ truyền thống.

Trong điều kiện như hiện nay, đối với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ ông Tùng nhận định chỉ có thể hạ giá thành giá thành sản xuất. Về giá cám, hiện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành đang kiến nghị giảm thuế nhập khẩu cho nguyên liệu đậu tương (đậu nành) từ 2% về 0%, có thể phần nào tác động trong việc giảm giá cám cho ngành chăn nuôi, thuỷ sản.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần phải thực hiện phòng chống dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất thông qua chăn nuôi an toàn sinh học. Đây cũng có thể xem là chìa khoá để giảm giá thành chăn nuôi trong bối cảnh hiện nay. “Điều trị bệnh sẽ tốn nhiều chi phí hơn phòng bệnh”, ông Tùng khẳng định.

Empty

Sát trùng chuồng gà trước khi thả nuôi bằng vôi bột. Ảnh: Hữu Đức.

Để hỗ trợ nông dân phòng, chống dịch bệnh, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố ĐBSCL đều có chính sách tiêm phòng miễn phí cho đàn vật nuôi. Tại tỉnh Tiền Giang, ngoài thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo kế hoạch địa phương này cũng có chính sách tiêm phòng miễn phí cúm gia cầm trên vịt, Viêm da nổi cục trên trâu bò. Tại tỉnh Bến Tre, địa phương cũng thực tiêu độc khử trùng hàng năm 2 lần tại các nông hộ, hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2022 Sở NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho động vật trên cạn với kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Từ ngày 1 - 20/3, ngành chăn nuôi, thú y tỉnh đã cấp phát 3.700 lít hóa chất thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2023 cho các nông hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện tiêm phòng miễn phí vacxin phòng trừ các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm và bệnh dại.

“Bà con nông dân liên hệ thú y các xã để tiêm phòng miễn phí các bệnh trên. Bà con chỉ phải tiền công cho đội ngũ thú y viên”, ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thuỷ sản Vĩnh Long nói.

Ngoài ra, hiện nay đang cao điểm mùa khô, tình hình xâm nhập mặn diễn biến khá phức tạp, ông cũng khuyến cáo người dân tăng cường dự trữ nước uống, bổ sung chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Empty

Mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học tại hộ ông Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp khả thi nhất để phòng chống bệnh cho vật nuôi cho đến thời điểm này. Bởi vacxin phòng bệnh đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, Tin vui cho nhà chăn nuôi, vacxin tiêm phòng dịch tả heo Châu Phi bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đã thực hiện tiêm phòng thí điểm vacxin dịch tả heo Châu Phi tại 2 địa điểm của 2 huyện. Khi thực hiện tiêm phòng chủ trang trại cũng thực hiện các bước an toàn sinh học theo quy trình khuyến cáo hiện nay và đàn vật nuôi đã an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ trang trại nuôi 70 con heo ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho hay: Khi chăn nuôi, để tiết kiệm chi phí ông tự mua vacxin, thuốc thú y về tiêm phòng cho heo. Ngoài ra, vừa rồi ông còn tham gia thí điểm tiêm phòng 2 liều vacxin dịch tả heo Châu Phi.

Trong quá trình chăn nuôi, ông Tuấn tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn sinh học, không cho người lạ vô chuồng, sát trùng chuồng trại thường xuyên, giăng mùng cho heo tránh ruồi nhặng bám vào thức ăn của heo… Bước đầu, đánh giá vacxin có hiệu quả với trang trại của ông. “Xung quanh đây, người ta bị hết nhưng của tôi đến nay chưa bị”, ông Tuấn khẳng định.

Hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học, phòng bệnh hơn chữa bệnh là chìa khóa quan trọng giúp tiết giảm chi phí chăn nuôi. Trong mô hình chủ động của ông Nguyễn Ngọc Tuấn ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, chi phí thuốc thú y, vacxin phòng bệnh bình quân đợt này cho mỗi con heo là 300.000 đồng, thấp hơn 200.000 đồng so với mức trung bình chung (10% gía thành) mà mỗi nông hộ phải chi để phòng trị bệnh cho heo.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.