| Hotline: 0983.970.780

Phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ

Thứ Bảy 26/12/2020 , 07:01 (GMT+7)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ não, trong đó có khoảng 5 triệu người tàn phế vĩnh viễn, 5 triệu người tử vong.

Đột quỵ gây méo nửa bên mặt. Ảnh minh họa.

Đột quỵ gây méo nửa bên mặt. Ảnh minh họa.

“Thời gian vàng” cứu người bị đột quỵ

Những ngày gần đây, ghi nhận nhiều trường hợp bị đột quỵ dẫn đến tử vong, đặc biệt xảy ra ở nhiều người trẻ tuổi, người nổi tiếng khiến cho cộng đồng càng thêm lo lắng. Mới đây, Báo Tiền Phong đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng ngừa?" đã thu hút sự chú ý của hàng trăm sinh viên và độc giả.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019 cho biết, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm ở độ tuổi từ 18-50 tuổi. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.

TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, Thành viên Hội Can thiệp thần kinh Thế giới cho biết, hiện nay trên thế giới hơn 10 triệu người bị đột quỵ mỗi năm, tỉ lệ tử vong cao hơn cả căn bệnh ung thư. “Đây là căn bệnh gây nhức nhối cho dân số thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam có gần 200.000 người mắc đột quỵ mỗi năm, tỷ lệ tử vong chiếm 20% trong số này”, bác sĩ Trần Chí Cường cho biết.

Cũng theo TS.BS Trần Chí Cường, yếu tố tiên quyết để cứu chữa kịp thời người bệnh đột quỵ là “thời gian vàng”. Nếu người bệnh được đưa đến trong khoảng thời gian trước 3-6 giờ thì tỉ lệ điều trị thành công cao hơn, thời gian đến bệnh viện càng trễ thì khả năng cứu chữa càng thấp đi.

Hiện nay, người trẻ chưa thực sự quan tâm đến căn bệnh này vì cho rằng, căn bệnh này chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi hiện nay, chúng ta đang đối mặt với đột quỵ ở những người trẻ, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 40 tuổi. Phần lớn liên quan đến rất nhiều yếu tố như cách sống, thói quen sinh hoạt.

Còn PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM thì cho rằng, người lớn tuổi đột quỵ là do sơ vữa động mạnh, người trẻ là do dị dạng mạch máu não. “Chúng ta phải phân biệt rõ, đột quỵ và đột tử. Nguyên nhân của đột quỵ là do ăn uống, di truyền… Người trẻ muốn kiểm tra đột quỵ thì cần phải chụp MRI. Triệu chứng đột quỵ của người trẻ chỉ là thoáng qua nên nhiều người không để ý”, BS Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Một trong những câu hỏi nhiều người trẻ đặt ra là đối với những người thường xuyên căng thẳng, áp lực công việc, học tập, tắm quá khuya thì làm gì để phòng tránh đột quỵ? TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh học, Khoa Y Đại học Nguyễn Tất Thành thông tin, đột quỵ có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, vẫn có thể phòng ngừa được.

“Người trẻ nên có lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, ăn uống và sinh hoạt điều độ… Đó là cách phòng ngừa đột quỵ tích cực nhất. Bên cạnh đó, nếu chúng ta có những dấu hiệu nghi ngờ thì nên đi thăm khám để kịp thời phát hiện, điều trị”, TS Nguyễn Văn Tuấn nói. 

Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

TS.BS Trần Chí Cường cho hay, hiện ở khu vực miền Tây có khoảng 30.000 người đột quỵ/năm. Số lượng bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong thời gian vàng là 20%.

Thống kê tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho thấy, đột quỵ ở người trẻ từ 40 tuổi trở xuống trong nam giới chiếm tới 80%. Điều đáng nói 100% là có hút thuốc lá hơn 1 gói/ngày, thường xuyên ăn nhậu. Bên cạnh đó, ăn trễ, ít vận động là nguyên nhân khiến đột quỵ ở nguời trẻ. Ngoài ra, đường huyết tăng, béo phì cũng là nguyên nhân gây đột qụy.

“Các biểu hiện của đột quỵ là nói chuyện khó khăn, bị méo mặt, bị yếu tay chân cùng một bên, đau đầu nôn ói nhiều… phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất có thể, tránh di chứng để lại sau đột quỵ. Bệnh nhận đột quỵ lần đầu thì nguy cơ tái phát sẽ cao hơn lần trước. Do đó, việc tìm ra nguyên nhân thủ phạm rất quan trọng, có những bệnh nhân bị đột quỵ 3-4 lần mới tìm được nguyên nhân.

Phải làm sao để tìm ra nguyên nhân chứ không cần thiết 100% bệnh nhân phải làm MRI. Cách đơn giản nhất là tự bắt mạch cổ tay xem trong vòng 1 phút để biết mạch có đều không, rối loạn nhịp tim cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ”, bác sĩ Cường nói.

Điều trị đột quỵ

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM, lưu ý người dân không nên nhầm lẫn với các loại thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc trôi nổi trên thị trường như đồn thổi trong thời gian vừa qua về loại thuốc uống vào điều trị, ngăn ngừa được bệnh đột quỵ.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về đột quỵ cũng là một trong những điều cần thiết. Bởi đã có nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện trễ, để lại di chứng vì tự ý sử dụng phương pháp dân gian như nhỏ chanh vào miệng người bệnh.

Trong khi chờ xe cứu thương, tuyệt đối không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì, không thực hiện cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng... Lấy bỏ các vật trong miệng hoặc lau đờm dãi có thể gây khó thở. Nếu bệnh nhân bị liệt một bên, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành (không bị liệt). Bệnh nhân không có mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) cho đến khi tim đập lại.

Hiện nay, trong y học đã có loại thuốc tiêm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang sử dụng đó là thuốc dạng tiêm như Tiêu sợi huyết với giá hơn 10 triệu đồng/1 liều tiêm.

(Kiến thức gia đình số 52)

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Các loại trái cây tốt cho sức khỏe tim mạch

Để bảo vệ tim mạch, cần thăm khám định kỳ, tuân thủ điều trị, điều chỉnh vận động, sinh hoạt và ăn uống khoa học, bổ sung trái cây tốt cho tim.