Nhiều câu hỏi của đại biểu được các nhà khoa học, nhà quản lý giải đáp thỏa đáng. |
Ông Kim Văn Tiêu (Phó Giám đốc Trung tâm KNQG) cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ cá thương phẩm của thành phố Hà Nội khoảng 300.000 tấn/năm, trong khi sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được trên 100.000 tấn, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành lân cận - Đây chính là lý do mở ra diễn đàn, trang bị cho nhà nông các giải pháp kỹ thuật nâng cao năng, suất chất lượng nuôi trồng thủy sản và tổ chức sản xuất theo chuỗi. Giúp người chăn nuôi hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và tăng thu nhập”.
Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Trung ương và địa phương, cùng hàng trăm nông dân, doanh nghiệp nuôi cá, đến từ các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hưng Yên.
Tham dự diễn đàn, các nhà nông đã được thăm quan các mô hình sản xuất cá giống chất lượng, nuôi cá công nghệ cao “sông trong ao tĩnh” và mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại tỉnh Hưng Yên.
Tại diễn đàn, rất nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay trong nuôi trồng thủy sản, đã được các nhà nông và doanh nghiệp chia sẻ, nhiều vướng mắc khó khăn về kỹ thuật chăm nuôi, tiêu thụ sản phẩm cá đã được các nhà khoa học và nhà quản lý giải đáp thỏa đáng.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại Hưng Yên. |
PGS.TS Kim Văn Vạn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Trong nuôi cá, nhà nông cần nắm vững nguyên tắc “3 xem”, “4 định” và nguyên tắc phòng bệnh hơn là trị bệnh, bao gồm:
+ Xem điều kiện thời tiết khi cho ăn: Trước khi cho cá ăn, người nuôi phải quan sát, nếu thời tiết ổn định mới cho ăn theo tốc độ tăng trưởng hàng ngày đã tính trước, nếu thời tiết biến động phải giảm lượng thức ăn để tránh dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi.
+ Xem biến động các yếu tố môi trường: Môi trường ao nuôi ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của thủy sản, nên người nuôi phải kiểm tra xem các yếu tố môi trường như hàm lượng oxy hòa tan, pH, NH3… đã phù hợp chưa, để điều chỉnh với từng đối tượng cá trước khi cho ăn.
+ Xem tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi: Hàng ngày phải kiểm tra sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của cá, để có biện pháp quản lý và cho ăn phù hợp, giúp cá tăng trưởng phát triển tốt.
+ Định chất lượng: Thức ăn cho cá phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển về thành phần và hàm lượng chất dinh dưỡng. Kích cỡ viên thức ăn cũng phải phù hợp với kích thước miệng cá ở từng giai đoạn tăng trưởng.
+ Định số lượng: Thức ăn cho thủy sản ăn hàng ngày phải đảm bảo cho ăn đủ no không thừa và không thiếu.
+ Định thời gian: Cho thủy sản ăn theo những giờ nhất định, phù hợp với đặc tính bắt mồi của từng đối tượng. Việc tập cho ăn vào những giờ nhất định sẽ giúp người nuôi dễ quan sát hoạt động ăn của cá. Dọn thức ăn thừa, điều chỉnh lượng thức ăn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường của ao nuôi.
+ Định địa điểm: Cho ăn đúng điểm cố định nhằm tạo thói quen bắt mồi từ khi cá mới thả. Cho ăn phải nhẹ nhàng tránh để tránh hiện tượng cá hoảng sợ, sẽ kém ăn hoặc bỏ ăn. Nên cho cá ăn từ từ, quan sát mức độ sử dụng thức ăn của cá để điều chỉnh lượng cho bữa kế tiếp phù hợp.
Mô hình nuôi cá "sông trong ao tĩnh" của Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên. |
Chú ý, hiện đang là lúc giao mùa, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, sức đề kháng của cá sẽ bị giảm. Mặt khác ao nuôi từ đầu năm đến nay, lượng phân thải từ cá, mùn bão hữu cơ và thức ăn thừa khá nhiều, dễ phát sinh dịch bệnh hại cá, để phòng ngừa, nhà nông cần tăng cường quạt nước, dùng chế phẩm sinh học để duy trì các vi sinh vật có ích, ức chế vi sinh vật có hại, không để ô nhiễm nước ao nuôi, bổ sung vi tamin C hoặc một số thảo dược khác nhằm tăng sức đề kháng cho cá...
“Khảo sát sơ bộ cho thấy, trên thị trường có khá nhiều loại thuốc phòng trị bệnh cho cá không đảm bảo chất lượng. Đề nghị các cơ quan Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời. Người nuôi trồng thủy sản chỉ nên mua chế phẩm vi sinh và kháng sinh phòng trị bệnh cho cá từ các nhà sản xuất có uy tín”, theo PGS.TS Kim Văn Vạn. |