| Hotline: 0983.970.780

Phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh

Thứ Ba 16/07/2013 , 09:46 (GMT+7)

Sau hơn 3 năm đi vào sản xuất, nhà máy Tinh bột dong riềng Long Giang đã không chú tâm vào nhiệm vụ chính là phát triển vùng nguyên liệu.

Được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước với mục đích tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhưng NM Tinh bột dong riềng Long Giang (NM Long Giang) thuộc Cty CP Tư vấn - Đầu tư Long Giang Thịnh (Cty Long Giang Thịnh) có trụ sở tại xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) lại làm mất lòng tin với người dân.

>> Quảng Bình: Nhà máy lập lờ nông dân

 

Vùng nguyên liệu… trên giấy

Sau hơn 3 năm đi vào sản xuất, nhà máy đã không chú tâm vào nhiệm vụ chính là phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng như mục đích của dự án, phớt lờ sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình. 

Cho dù nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng và sau này Nhà máy Long Giang còn được nguồn vốn khuyến công (của Sở Công thương Quảng Bình) để phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng nhưng thực tế thì rất xa vời. Mục tiêu có nguyên liệu sản xuất để tồn tại nhà máy và làm tăng thu nhập cho nông dân các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị lãnh đạo Nhà máy Long Giang bỏ qua.

Theo ông Ông Văn Thuyết - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh thì đến trước thời điểm bước vào niên vụ sản xuất năm 2013 (khoảng giữa tháng 8), diện tích cây dong riềng có được khoảng 20 ha (tụt hơn 10 ha so với năm 2012). Số diện tích ít ỏi này được phân bố rải rác tại các xã Trường Sơn, Trường Xuân, Hiền Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Vĩnh Ninh…


Bà Hà Thị Oanh (xã Vạn Ninh): “Nếu nhà máy quan tâm phát triển vùng nguyên liệu dong riềng thì người dân chúng hết lòng ủng hộ”

Tuy nhiên, phần lớn diện tích dong riềng có được là do người dân tự phát trồng để chế biến tinh bột theo cách cổ truyền. Khi chúng tôi đặt câu hỏi là nhà máy đã phối hợp với huyện ra sao trong việc phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng, ông Thuyết cho hay đã phối hợp với huyện trong việc tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc dong riềng cho các xã.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Tình - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây dong riềng tại các xã Trường Sơn, Trường Xuân, Hiền Ninh… là nằm trong chương trình của huyện. Khi mở lớp tập huấn, Trạm Khuyến nông có thông báo và đề nghị phía nhà máy tham gia nhưng họ không có phản hồi gì cả”.

Trước đó, vào đầu năm 2010, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng cho Nhà máy tinh bột dong riềng Long Giang là 1.735 ha. Trong quyết định này, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu trong niên vụ sản xuất 2012-2013 có diện tích nguyên liệu 1.545 ha.

Một cán bộ lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh cho rằng: “Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện tốt cho nhà máy nhằm phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, phía nhà máy đã không có động thái tích cực nào. Về phía chính quyền thì không thể làm thay việc phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy được”.

Chúng tôi về xã Vạn Ninh (có diện tích cây dong riềng lớn của huyện), nơi mà mấy năm trước, nhà máy có hợp đồng với nông dân trồng cây dong riềng rồi sau đó bội ước không thu mua.

Ông Trần Văn Dĩ – Trưởng thôn Bến (xã Vạn Ninh) cho rằng, so với trước đây, tình hình của cây dong riềng cũng chẳng có gì sáng hơn. Sau khi Báo NNVN nêu vấn đề nhà máy lập lờ nông dân thì sau Tết Quý Tỵ, nhà máy cho người lên mua lại số dong riềng còn sót lại không còn nhiều trong dân nhưng rồi giao lại giống cho bà con trồng lại và hứa sẽ hỗ trợ 300 ngàn đồng/sào.

“Vì cũng chẳng tin tưởng nữa nên bà con trồng không nhiều. Nhà máy hứa khi cây dong riềng lên 6-7 lá là về trả tiền hỗ trợ. Giờ cây đã lên 10 lá vẫn chẳng thấy cán bộ nhà máy mô cả. Nhiều bà con trong thôn chất vấn tôi là nhà máy lại lừa dân nữa phải không? Tôi chịu, không biết trả lời sao cả” - ông Dĩ bức xúc nói thêm.

Các bà Hà Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng (ở thôn Bến) có trồng dong riềng trong vườn nhà cũng tỏ ra bức bối không kém. Bà Oanh ra vạt ruộng trồng dong riềng: “Các anh coi, dong riềng tốt như vậy mà nhà máy chẳng quan tâm chi tới. Có nhà trồng hơn 5 sào rồi, nhưng sau đó thấy chẳng an tâm nên phá bỏ để trồng lạc”.

Tỉnh chỉ đạo: Bỏ ngoài tai!

Niên vụ sản xuất 2011-2012, Nhà máy Long Giang bỏ qua nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng để “nhảy” vào thu mua sắn nguyên liệu trên địa bàn.

Trước việc làm sai phạm của Nhà máy Long Giang, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Bình có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo Cty Long Giang Thịnh phải đẩy mạnh đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng theo quy hoạch. Có lộ trình và kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cụ thể báo cáo các sở, ngành chức năng, các địa phương và UBND tỉnh để có sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện...

Vào đầu năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuân ký, nêu rõ: việc Nhà máy Long Giang thu mua, sản xuất thêm tinh bột sắn là không đúng với quy định pháp luật. UBND tỉnh yêu cầu nhà máy (Cty Long Giang Thịnh) xác định lộ trình, kế hoạch đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu dong riềng theo quy hoạch.

Tuy nhiên, dù đã có ý kiến chỉ đạo của tỉnh, nhưng xem ra việc thực hiện sự chỉ đạo này của Nhà máy Long Gianh chỉ là… bỏ qua. Dư luận cho rằng sở dĩ nhà máy này phớt lờ sự chỉ đạo đó cũng có sự “hỗ trợ” của một số lãnh đạo khác. Họ không nhận rõ đó là sự vi phạm Luật Đầu tư khi đưa ra lý do: Nhà máy Long Giang thu mua chế biến tinh bột sắn là để “cạnh tranh” với Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh.

Ông Hoàng Thế Vương - Phó giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh cho biết: “Việc thu mua chụp giật sắn nguyên liệu của Nhà máy Long Giang đã đẩy chúng tôi vào thế khó khăn trong thực hiện kế hoạch thu mua và sản xuất. Cho dù chúng tôi luôn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu hơn 3.000 ha nhưng cũng chỉ đáp ứng thời gian sản xuất của nhà máy được 6-7 tháng. Năm vừa qua, do thiếu nguyên liệu nên nhà máy chỉ hoạt động được 5 tháng”.

Ông Hoàng Văn Mịn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình:

Tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu cây dong riềng cho Nhà máy Long Giang hơn 3.000 ha tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Nhà máy cần tuân thủ hoạt động đúng với mục đích của dự án và sự chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng của UBND tỉnh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.