| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên công bố mức rủi ro thiên tai ở cấp độ 3

Thứ Sáu 03/12/2021 , 15:35 (GMT+7)

Ngày 3/12, UBND tỉnh Phú Yên đã công bố thiên tai do mưa lớn, lũ, ngập lụt xảy ra từ ngày 30/11 đến ngày 1/12 trên địa bàn tỉnh ở cấp độ 3.

Tỉnh Phú Yên thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Ảnh: AN.

Tỉnh Phú Yên thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Ảnh: AN.

Trước đó, từ ngày 26/11 đến ngày 30/11 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 220-680mm đã gây ra lũ và ngập lụt trên diện rộng tại nhiều địa phương. Hậu quả của mưa lũ đã làm thiệt hại nặng nề về người, sản xuất, cơ sở hạ tầng, kinh tế của địa phương này.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến 7 giờ 30 phút ngày 3/12, tỉnh này đã ghi nhận 9 người chết, trong đó huyện Sơn Hòa 2 người; Phú Hòa 2 người; TP Tuy Hòa 2 người, Tây Hòa 1 người; TX Sông Cầu 1 người và TX Đông Hòa 1 người. Bên cạnh đó có 5 nhà bị hư hỏng hoàn toàn.

Về nông nghiệp có 533 ha lúa vụ mùa bị ngập nước; 288 ha hoa màu và 1.780 ha cây trồng khác bị thiệt hại. 741 gia súc và 44.049 con gia cầm bị cuốn trôi, thiệt hại. Một tàu cá bị chìm trên biển; 18,2 ha tôm, cá các loại bị vỡ hồ, cuốn trôi. Khoảng 38.391m kênh mương bị sụp đổ, hư hỏng; sạt lở, bồi lấp đất đá khoảng 58.833m3…

Kệnh mương bị nước lũ cuốn trôi làm hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: AH.

Kệnh mương bị nước lũ cuốn trôi làm hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: AH.

Cũng trong sáng nay, lũ trên các sông trong tỉnh đang xuống chậm, ở mức dưới báo động 1, riêng Sông Ba tại Củng Sơn có dao động trên dưới báo động cấp 1, do điều tiết các nhà máy thủy điện. Toàn tỉnh vẫn còn 350 nhà (khu vực thành phố Tuy Hòa) bị ngập nước từ 0,3-0,5m.

Để chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế giao các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích, người bị do thiên tai gây ra; hỗ trợ tìm kiếm người mất tích.

Cùng với đó, chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để hỗ trợ sửa chữa nhà ở người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi... đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.

Bộ đội trỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ảnh: XT.

Bộ đội trỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ảnh: XT.

Ngoài ra tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, không có chỗ ở. Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện cần thiết, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021-2022 đảm bảo đạt hiệu quả, khắc phục thiệt hại về giao thông nội đồng, thủy lợi; cải tạo đồng ruộng, đồng thời có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp…

Đối với Sở NN-PTNT, UBND tỉnh giao tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021-2022 kịp thời, hiệu quả; rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với vùng sản xuất và thích ứng với thiên tai.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí về dân sinh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trình Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh…

  • Tags:
Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Xây dựng thương hiệu gạo là khẳng định lòng tin với người tiêu dùng

Các doanh nghiệp phải tự khẳng định 'bản sắc', chú trọng duy trì chất lượng ổn định, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, đó mới là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.