| Hotline: 0983.970.780

Phúc Trạch bỏ bưởi theo trầm

Thứ Tư 06/10/2010 , 10:38 (GMT+7)

Nông dân đang quay lưng lại với bưởi Phúc Trạch để tập trung trồng và kinh doanh cây dó bầu (để tạo trầm). Có thể, chỉ vài năm nữa, bưởi đặc sản Phúc Trạch chỉ còn là hoài niệm...

Đại gia Lê Văn Thọ đang chế tác khúc gió bầu trị giá 50 triệu đồng

Trong khi các nhà khoa học, các nhà quản lý đang loay hoay nghiên cứu, tìm kiếm các biện pháp cải tạo, bảo tồn và phát triển bưởi Phúc Trạch, giống đặc sản của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có nguy cơ thoái hóa, nhiều năm mất mùa liên tục do biến đổi khí hậu thì nông dân trong vùng qui hoạch lại quay lưng lại với nó để tập trung trồng và kinh doanh cây dó bầu (để tạo trầm). Có thể, chỉ vài năm nữa, bưởi đặc sản Phúc Trạch chỉ còn là hoài niệm...

Tại cuộc hội thảo đầu bờ về “Xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi Phúc Trạch” mới được tổ chức gần đây ở huyện Hương Khê, có nhiều ý kiến phàn nàn về tình trạng người dân đưa cây dó bầu trồng xen trong các vườn bưởi dẫn đến tình trạng tập trung chăm sóc cho cây trồng “phụ” với hy vọng cấy trầm bán mà bỏ quên cây trồng “chính”, thậm chí đã có một số vườn bưởi bị bỏ rơi hoàn toàn mặc sức cho sâu bệnh tàn phá.

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhanh với các cán bộ Viện Nghiên cứu Rau quả (đơn vị làm tư vấn kỹ thuật cho dự án “Bảo tồn quĩ gen và phát triển bưởi Phúc Trạch theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2010-2020” do trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí lên tới 76,6 tỷ đồng mới được UBND tỉnh phê duyệt gần đây) ở các xã trọng điểm của dự án: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô và Lộc Yên thì hầu như xã nào cũng chú trọng trồng dó trầm hơn là phát triển bưởi Phúc Trạch.

Số liệu điều tra mới nhất của Viện cho thấy, toàn huyện Hương Khê hiện chỉ còn 844,52ha bưởi Phúc Trạch, trong đó diện tích cho thu hoạch chiếm chưa tới 30%, số còn lại bị sâu bệnh nặng, thiếu đầu tư chăm sóc đang có nguy cơ bị chặt bỏ để trồng dó bầu. Làm việc với chúng tôi, chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Trần Thị Hà cho biết, thực tế nguồn thu chính của bà con nông dân Phúc Trạch vẫn là từ việc trồng dó bầu và làm trầm bán. Mỗi ngày có hàng vạn cây giống, hàng chục gốc trầm Phúc Trạch được bán đi đưa về nguồn thu hàng tỷ đồng.

Cả xã hiện có 7-8 đầu nậu có vốn lớn, nhiều kinh nghiệm thu mua, buôn bán và nắm được bí quyết “kỹ nghệ làm trầm” sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với giá cả do họ định đoạt. Nhờ trồng và kinh doanh cây dó bầu mà trong mấy năm gần đây đời sống nhân dân Phúc Trạch đã thay đổi nhanh chóng.

Tôi phóng xe máy theo chị Nguyễn Thị Thường, cán bộ ủy ban xã đi thăm một số cơ sở trồng và chế tác trầm hương trong xã thấy vườn nhà nào cũng trồng dó bầu vào tận sân nhà, ra tới bờ ruộng, dó bầu leo cả lên các đồi rừng để tạo thành những trang trại dó bầu với hàng vạn cây; các xưởng thợ luôn náo nhiệt với tiếng đục, tiếng chàng để biến những cây trầm dó 7-8 tuổi vừa mua được trị giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để chế tác thành những cây trầm cảnh mỹ nghệ, những sản phẩm trầm có giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng bán cho các đầu nậu khác đến từ các tỉnh miền trong như Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh v.v…

Theo số liệu của ngành Lâm nghiệp Hà Tĩnh, cơn sốt trồng dó bầu trong nhiều năm qua đã đưa diện tích dó trầm hiện có của tỉnh này lên tới gần 3.000ha với hàng triệu cây có độ tuổi từ 2 đến trên 10 năm, niềm hy vọng đổi đời của hàng chục nghìn hộ gia đình. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học ngành Lâm nghiệp, không phải giống dó nào cũng có thể tạo trầm và cho trầm được. Đã có một số cuộc hội thảo khoa học, một số dự án hỗ trợ trồng, chế biến, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm trầm hương từ cây dó trầm được triển khai nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng mà nông dân vẫn làm theo lối tự phát, mạnh ai nấy làm miễn là kiếm ít tiền tiêu khi vẫn còn người mua dù với giá bèo.

Đã đến lúc cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà quản lý để cây dó bầu ở Phúc Trạch nói riêng, Hà Tĩnh mói chung không phải đi theo vết xe đổ của các vùng rốn trầm khác như ở Tiên Phước, Quảng Nam trước đây.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất