| Hotline: 0983.970.780

Quan trắc môi trường nước để phòng ngừa dịch bệnh thủy sản

Chủ Nhật 10/12/2023 , 11:29 (GMT+7)

Nhờ thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản đã giúp người nuôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, hạn chế thiệt hại.

Thời gian qua nhờ thực hiện quan trắc môi trường đã giúp người nuôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, hạn chế thiệt hại. Ảnh: KS.

Thời gian qua nhờ thực hiện quan trắc môi trường đã giúp người nuôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, hạn chế thiệt hại. Ảnh: KS.

Quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi

Bà Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) cho biết, năm 2023, Viện III được Cục Thủy sản giao thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo đó, đến cuối tháng 10/2023, Viện III đã thực hiện 20 đợt quan trắc định kỳ nước cấp vùng nuôi và vùng sản xuất giống tôm nước lợ tại 13 điểm quan trắc thuộc 5 tỉnh gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; 26 đợt quan trắc nước vùng nuôi tôm hùm lồng tại 7 điểm thuộc 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và 10 đợt quan trắc nước cấp vùng nuôi cá nước lạnh tại 2 điểm thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Khi có kết quả quan trắc, kết hợp với bản tin dự báo tình hình thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện III đưa ra các khuyến cáo, lưu ý. Sau đó gửi thông báo kết quả quan trắc này đến Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh, phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, nơi có điểm quan trắc bằng hình thức Email, EMS, Zalo… Từ đó, cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phổ biến bản tin quan trắc, giải pháp ổn định môi trường đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững đến cộng đồng người nuôi. Đồng thời cập nhập số liệu quan trắc vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường của Cục Thủy sản tại  http://csdlquantrac.tongcucthuysan.gov.vn:85.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Trong trường hợp có thông số môi trường vượt giới hạn cho phép hoặc phát hiện chỉ tiêu bệnh trên các đối tượng nuôi, Viện III chuyển tải đến người nuôi kịp thời bằng hình thức gọi điện thoại trực tiếp để thông báo kết quả. Điều này giúp người nuôi nắm bắt được chất lượng nước, tình hình sức khỏe của đối tượng đang nuôi.

“Cùng với đó, chúng tôi cũng đưa ra các giải pháp nhằm ổn định môi trường nước ao nuôi, hướng dẫn phòng, trị bệnh thích hợp cho từng đối tượng nuôi. Các biện pháp đưa ra được người dân tiếp nhận, thực hiện mang lại hiệu quả trong nuôi trồng, giảm thiểu thiệt hại do phát sinh dịch bệnh”, bà Võ Thị Ngọc Trâm bày tỏ và cho biết thêm, các bản tin đã giúp cho các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản hiệu quả, ứng phó kịp thời diễn biến thời tiết bất thường như nắng nóng, mưa lũ.

Số liệu quan trắc được cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường của Cục Thủy sản qua từng đợt quan trắc, thuận tiện cho việc theo dõi, tra cứu, phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, nuôi trồng thủy sản; cũng như công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các đoàn thanh tra nước ngoài về an toàn thực phẩm.

Hiệu quả thiết thực

Anh Trần Văn Quang, ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) hiện nuôi tôm hùm lồng trên đầm Cù Mông cho biết, trong nuôi trồng thủy sản, ngoài kinh nghiệm kỹ thuật của người nuôi thì việc nắm bắt thông tin về môi trường, dịch bệnh trong nguồn nước là rất quan trọng. Thời gian qua, người nuôi lồng bè ở đây luôn theo dõi, nhận thông tin quan trắc môi trường từ ngành chức năng để chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy sản và hạn chế thiệt hại.

Hiện nhiều người nuôi thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước. Ảnh: KS.

Hiện nhiều người nuôi thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước. Ảnh: KS.

Tương tự, ông Trần Văn Vương, một người nuôi tôm nước lợ ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) cho biết, ông cũng thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Đồng thời ông cũng thực hiện theo các khuyến cáo của đơn vị chức năng để có các biện pháp chủ động trong việc quản lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi đạt hiệu quả.

“Nhờ theo dõi thường xuyên nên việc nuôi tôm của gia đình thuận lợi hơn hẳn”, ông Vương chia sẻ.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, thời gian qua, ngoài ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường của tỉnh, Sở NN-PTNT còn phối hợp Viện III thực hiện quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản lồng bè và tôm nước lợ. Các kết quả quan trắc được địa phương chuyển tải kịp thời đến người nuôi thông qua Zalo và tin nhắn điện thoại. Từ đó đưa ra giải pháp giúp người nuôi chủ động ứng phó về môi trường, dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Cụ thể, trước đây dịch bệnh trên lồng tôm hùm gây chết trên 30%, nhưng mấy năm gần đây đã giảm xuống dưới 30%, còn tôm nước lợ tỷ lệ chết chỉ từ 3 - 5%.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, từ năm 2016 đến nay, công tác triển khai quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa, trong đó có quan trắc của Viện III đã góp phần trong việc cảnh báo môi trường nước trong điều kiện thời tiết ngày càng bất lợi cho thủy sản nuôi. Các quan trắc cũng giúp cơ quan quản lý chủ động, kịp thời trong việc chỉ đạo sản xuất. Từ đó làm giảm thiểu dịch bệnh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Ngoài tiếp nhận thông tin cảnh báo của địa phương từ các bản tin của Viện III chuyển tải, người nuôi có thể truy cập vào trang Web của Viện III theo địa chỉ https://www.ria3.vn để nắm bắt thêm thông tin và có những biện pháp ứng phó với diễn biến thời tiết, môi trường.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.