| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình đổi mới hoạt động khuyến nông từ kỹ thuật sang tổng hợp

Thứ Năm 02/03/2023 , 17:19 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Hoạt động khuyến nông, khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình đến nay đã có nhiều sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từ kỹ thuật sang tổng hợp.

08501242uu_tien_thuc_hien_mo_hinh_chuyen_doi_dat_san_xuat_nong_nghiep_kem_hieu_qua_qua_trong_sen_co_gia_tri_cao-085012

Mô hình chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng sen tại Quảng Bình.

Theo Giám đốc Trung tâm KN - KN tỉnh Quảng Bình Trần Thanh Hải, trong năm qua, Trung tâm KN - KN tỉnh đã thực hiện 28 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật công tác KN - KN cho trên 500 người. Trong đó, có 16 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân trong mô hình; 7 lớp tập huấn hiện trường chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân; 3 lớp đào tạo tập huấn ngoài mô hình; 2 lớp tập huấn, phổ biến chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho khuyến nông viên cơ sở và nông dân; tổ chức Diễn đàn Khuyến nông nông nghiệp “Phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học”… Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức đoàn tham quan học tập các mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố cho các cán bộ nông nghiệp…

Cũng trong năm 2022, Trung tâm đã triển khai thực hiện 13 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ sinh kế ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện các mô hình chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất trồng lúa năng suất thấp qua trồng các cây trồng khác có giá trị cao, như sen, dừa, hương thảo, na Thái, chà là, măng lục trúc, mít ruột đỏ...

Bên cạnh việc đưa vào trồng các loại cây con mới, đánh giá khả năng thích ứng với môi trường, điều kiện tự nhiên, Trung tâm KN - KN tỉnh Quảng Bình đã chú trọng thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn.

Đặc biệt, thực hiện kế hoạch về chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong năm 2022, Trung tâm đã thực hiện áp dụng chuyển đổi số trong thâm canh cam, bưởi theo hướng hữu cơ. Mô hình được hỗ trợ tem truy suất nguồn gốc, quét mã QR, thực hiện số hóa trong khâu tiêu thụ, bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tạo được thương hiệu sản phẩm…

0850118mo_hinh_nuoi_chim_bo_cau_sinh_san_ho_tro_sinh_ke_cho_vung_dong_bao_dan_toc_trien_khai_thuc_hien_bao_dam_yeu_cau-085011

Mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản có hiệu quả cao do Trung tâm KN-KN Quảng Bình triển khai.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm đã đưa giống vịt Đại Xuyên Star vào nuôi trên cạn, hỗ trợ mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ mô hình sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc, gồm: Nuôi gà sinh sản, ngan thương phẩm, nuôi thỏ sinh sản, nuôi chim bồ câu sinh sản, lợn rừng sinh sản… Các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế như: Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn; nuôi lươn trong bể không bùn; nuôi xen ghép tôm sú, cua, cá nâu…

Về hoạt động KN - KN trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm KN - KN tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị sẽ đổi mới phương pháp hoạt động khuyến nông, chuyển từ khuyến nông kỹ thuật sang tổng hợp theo nhu cầu của thực tiễn sản xuất, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình dự án để mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động KN - KN trên địa bàn tỉnh.

Trước mắt, Trung tâm sẽ thực hiện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa vào sản xuất các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và liên kết bao tiêu sản phẩm như: Nếp than, nếp cẩm, HC4, Hương Bình, TBJ3 Japonica... vào sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023. Đồng thời, hỗ trợ các mô hình theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, chế biến, bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu như: Hỗ trợ phát triển giống lạc cúc địa phương; thâm canh mít ruột đỏ; chuyển đổi vùng gò đồi qua trồng thâm canh cây na theo hướng hữu cơ; nuôi tôm càng xanh chuyên canh kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới qua trồng thâm canh ngô sinh khối, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng sen, dừa; chuyển đổi vùng đất nuôi tôm thường hay dịch bệnh sang nuôi thủy sản xen ghép tôm, cá, cua; trồng tre lục trúc lấy măng, trồng nho Hạ Đen gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; hỗ trợ chăm sóc các cây trồng có thời gian sinh trưởng kéo dài, như dừa xiêm, chà là, mít ruột đỏ...

08501166mo_hinh_nuoi_luon_khong_bun_phu_hop_voi_dieu_kien_nuoi_buoc_dau_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_cao-085011

Mô hình nuôi lươn trong bể do Trung tâm KN-KN Quảng Bình triển khai.

Mặt khác, thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2025, kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Trung tâm sẽ thực hiện các mô hình sản xuất rau, quả an toàn VietGAP trong nhà lưới ứng dụng công nghệ IoT, chăn nuôi gà, vịt, lợn ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao và đưa vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thử nghiệm các loại giống mới như chồn hương, don sinh sản, lươn trong bể không bùn, ốc nhồi thương phẩm; trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chuyển đổi đất gò đồi qua trồng cây dược liệu gắn với chế biến liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các mô hình sinh kế cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như lợn Khùa, Móng Cái; nuôi dê sinh sản, gà thả vườn; trồng khoai môn, mít ruột đỏ, cà, kiệu...

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.