| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Kết quả tái đàn còn khiêm tốn!

Thứ Tư 01/07/2020 , 09:02 (GMT+7)

Dù ngành NN-PTNT Quảng Bình đã có nhiều động tác để tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn…

Trang trại Vũ Trung nhập lợn giống về để tăng đàn nái. Ảnh: N. Lan.

Trang trại Vũ Trung nhập lợn giống về để tăng đàn nái. Ảnh: N. Lan.

Nỗ lực tái đàn lợn

 Theo ông Trần Công Tám, ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn lợn theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn.

“Quảng Bình là một trong những địa phương ngăn chặn thành công DTLCP. Vì vậy, khi công bố hết dịch, chúng tôi đã bám sát cơ sở, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cũng như hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi triển khai công tác tái đàn lợn theo hướng có kiểm soát và bảo đảm an toàn dịch bệnh”, ông Tám chia sẻ.

Huyện Quảng Ninh là nơi có chủ trương tái đàn sớm của tỉnh. Trang trại nhà anh Trương Văn Dễ ở xã An Ninh (huyện Quảng Ninh), được công nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh năm 2018, có quy mô 260 lợn nái và 180 lợn thịt.

Khi xảy ra DTLCP, nhờ thực hiện đầy đủ các khâu tiêu độc khử trùng và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên đàn lợn vẫn khỏe mạnh. Khi công bố hết dịch, từ nguồn con giống tại chỗ của gia đình, anh Dễ đã mạnh dạn tái đàn với số lượng 340 con để cung ứng ra thị trường.

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung ở xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy) vẫn luôn bảo đảm đàn lợn nuôi thịt với quy mô tổng đàn khoảng 1.200 con. Nhờ thực hiện tốt các điều kiện vệ sinh phòng dịch nên khi diễn ra DTLCP trang trại vẫn không bị ảnh hưởng gì.

Trên thực tế, khi DTLCP dần được kiểm soát và khống chế trên địa bàn thì nhiều trang trại thực hiện có hiệu quả việc tái đàn. Ông Trung là chủ trang trại Vũ Trung cho hay, đàn lợn 1.200 con của trang trại phát triển tốt và đã cung ứng ra thị trường nội địa kịp thời.

“Ngoài giúp cho thị trường ổn định giá thịt lợn thì trang trại lãi lớn trong vụ chăn nuôi này”, ông Trung cho biết.

Ngay từ cuối năm 2019, các trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh vẫn tiếp tục duy trì đàn lợn nái và tái đàn lợn thương phẩm với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu thịt dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm đó, tổng đàn lợn của tỉnh đạt gần 250.000 con, tăng gần 11.500 con so với trước thời điểm DTLCP lan rộng.

Đến nay, sau gần 3 tháng công bố hết dịch bệnh, Quảng Bình đã có tổng đàn lợn gần 250.000 con, tăng 1,5% so với tháng 3/2020.

Riêng với hoạt động tái đàn, trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là sau khi có thông báo hết dịch, các địa phương đã thực hiện tái đàn trên 10.000 con lợn, trong đó lợn nái gần 400 con. Các cơ sở tái đàn chủ yếu là trang trại quy mô lớn, có áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, cho hay: “Tháng 3/2020, tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), một số trang trại, hộ gia đình chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn lợn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ”.

Nông dân huyện Quảng Trạch tái đàn sau khi hết DTLCP. Ảnh: N. Lan.

Nông dân huyện Quảng Trạch tái đàn sau khi hết DTLCP. Ảnh: N. Lan.

Cần trợ lực cho người chăn nuôi

Sau khi DTLCP được khống chế và kiểm soát, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi đã bước đầu tái đàn lợn để ổn định sản xuất, cung cấp lợn giống và lợn thịt ra thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, dù dịch đã cơ bản được khống chế nhưng do đây là bệnh nguy hiểm đối với lợn, virus DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và các sản phẩm lợn, lại chưa có vắcxin và thuốc điều trị nên nguy cơ tái phát dịch là rất lớn.

“Khó khăn nữa là dù giá lợn hơi cao nhưng thị trường không ổn định, nguồn lợn giống khan hiếm, giá lợn giống quá cao (280.000- 300.000 đồng/kg) trong thời gian chăn nuôi dài nên người chăn nuôi chưa yên tâm, mạnh dạn đầu tư tái đàn”, ông Tám nhìn nhận.

Sau DTLCP, lượng lợn nái được nuôi ở các hộ gia đình sụt giảm đáng kể. Chính vì vậy, số lượng lợn giống dường như bị thiếu hụt. Bà Nguyễn Thị Thủy (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) duy trì được cặp lợn nái đẹp. Vừa rồi, một nái sinh sản được 15 lợn con.

Hay tin nhiều bà con đến đặt cọc tiền trước, trung bình mỗi lợn con thu về trên 2 triệu đồng. Bán hết đàn, bà có hơn 30 triệu đồng.

“Lợn ít, bà con mua đông nên những người không mua được cũng trách cứ dữ lắm. Tôi chỉ bán cho mỗi người một con thôi mà cũng mất lòng mất bề xóm giềng vì người mua được, người không”, bà Thủy bộc bạch.

Những người mua được lợn giống thì mừng, người không mua được thì chuồng để trống. Bà con nông dân chỉ quen mua lợn giống từ nái ở các gia đình tại địa phương. Theo bà Thủy thì lý do là lợn giống do nái địa phương sinh sản có nguồn thức ăn cơ bản là tận dụng sản phẩm nông nghiệp, điều kiện chăn nuôi thích ứng với mọi nhà nên khi mua về nuôi dễ hơn.

“Nếu mua lợn giống từ cơ sở trang trại đảm bảo thì đưa về nuôi rất khó. Vì vậy bà con không dám mua vì sợ lợn không lớn được”, bà Thủy nói thêm.

Để kịp thời định hướng, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã chủ động ban hành nhiều văn bản triển khai tới cấp cơ sở. Đồng thời tập trung theo sát tình hình thực tế tại các địa phương để hướng dẫn khôi phục sản xuất.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, ngành đã tập trung chỉ đạo việc tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở bảo đảm nguồn con giống tự sản xuất”.

Quảng Bình đã thực hiện một số chương trình hỗ trợ người chăn nuôi để tạo điều kiện cho việc tái đàn lợn. Ảnh: N.Lan.

Quảng Bình đã thực hiện một số chương trình hỗ trợ người chăn nuôi để tạo điều kiện cho việc tái đàn lợn. Ảnh: N.Lan.

Những tín hiệu khả quan

Hiện tại, Quảng Bình đã ổn định được đàn lợn đực giống 350 con, đàn lợn nái gần 32.000 con, bước đầu đáp ứng nhu cầu cung cấp con giống bảo đảm chất lượng cho việc tái đàn.

Đối với những cơ sở chăn nuôi nhập giống từ bên ngoài, cần phải kiểm soát từ nguồn gốc nơi bán giống, việc lai tạo con giống bảo đảm an toàn phục vụ sản xuất. Thực hiện kê khai đầy đủ theo quy định của ngành nông nghiệp.

Cùng với kiểm soát các hộ chăn nuôi bảo đảm tốt các điều kiện thực hiện tái đàn lợn, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang các vật nuôi khác, duy trì sản xuất, không để trống chuồng.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020 tổng đàn lợn đạt trên 352.000 con, trong đó có gần 314.000 con lợn thịt.

Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở sản xuất con giống lớn là Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, Công ty TNHH Buntaphan (Quảng Ninh).

Ngoài ra, có 194 trang trại chăn nuôi, trong đó hơn 90 trang trại chăn nuôi lợn và hơn 10 trang trại liên doanh với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, có áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín bảo đảm vệ sinh môi trường nên không để xảy ra dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Phúc Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Buntaphan thì mỗi năm, công ty này cung ứng ra thị trường khoảng 19.000 con lợn giống chất lượng cao.

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã tiếp nhận 5 con lợn đực giống ngoại do Công ty Thuốc thú y Amavet hỗ trợ. Sau đó, số lợn này được giao  cho ba hộ chăn nuôi lợn có số lượng lớn ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch và Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình.

Trong đó, 3 hộ chăn nuôi lợn được hỗ trợ mỗi hộ 1 con, riêng Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình được hỗ trợ 2 con lợn đực giống.

Ông Trần Công Tám cho hay: “Các hộ được hỗ trợ đều có kinh nghiệm chăn nuôi lợn đực giống, có nguồn nhân lực tốt, có khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật nhằm góp phần tạo nguồn con giống chất lượng trong việc tái đàn lợn cho các hộ chăn nuôi trong vùng”.

Có thể nói, đây là “tín hiệu vui” cho việc tái đàn lợn một cách hiệu quả, hướng tới ổn định sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi lợn tại các địa phương của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.