| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Mưa lớn chưa thể giải nhiệt khắp vùng

Thứ Tư 03/07/2019 , 17:27 (GMT+7)

Chiều 1/7, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có trận mưa khá lớn. Đây được ví như "cơn mưa vàng" sau đợt nắng hạn gay gắt kéo dài…

Có nước dự trữ để uống

Mưa xuất hiện đầu tiên ở khu vực thành phố Đồng Hới, sau đó kéo dài sang các huyện phía nam như Quảng Ninh, Lệ Thủy, khu vực phía bắc của tỉnh như thị xã Ba Đồn, các xã ven biển thuộc huyện Quảng Trạch cũng đã có mưa vừa, mưa to… Tuy nhiên, một số địa phương của huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa vẫn trong tình trạng mưa chưa đến và canh cánh nỗi lo thiếu nước.

Cây trồng có màu xanh trở lại nhờ mưa.

Sáng sớm, ông Nguyễn Lanh (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) ra thăm rừng trồng phía đồi cát. Hàng chục ha phi lao keo trần khô hạn chết đứng. Trận mưa lớn đã kéo màu xanh trở lại.

Bới cát dưới gốc cây keo để kiểm tra độ thấm, ông hy vọng: “Mưa thấm được thế này là tốt rồi. Nếu trời hạn thêm 1 tháng nữa thì cây cũng có thể xanh lá. Nước chảy từ chân động cát cũng đã có dấu hiệu nhiều lên”.

Ông Võ Doãn Dực (thôn Hoành Vinh, xã An Ninh) mừng ra mặt: “Trận mưa khá lớn và kéo dài hơn giờ đồng hồ nên bà con cũng hứng được nhiều nước để dự trữ. Hôm nay, trời còn âm u mây đen. Nếu có thêm được trận mưa lớn như hôm qua thì khả năng nước giếng có trở lại, bà con bớt khổ sở và tốn kém vì không có nước sinh hoạt”.

Vùng hạn Hàm Ninh, Duy Ninh, Vạn Ninh… (huyện Quảng Ninh) mưa cũng đến khá sớm. Nhà nhà huy động hết xô, chậu, thùng… để hứng nước mưa. Hàng ngàn hộ gia đình nhờ trận mưa hứng được vài khối nước dự trữ vào bể chứa.

Bà Hoàng Thị Vân (xã Hàm Ninh) vui mừng: “Hơn tháng nay, bể nước nhà tôi khô rốc. Trận mưa đưa nước về thật đúng lúc. Cả nhà đi hứng nước đổ vào bể được gần 5 khối nước, vậy cũng đủ dùng cho những ngày tới nếu không còn mưa”. Nhiều gia đình không có bể chứa thì dùng bạt chằng bốn góc lên rồi hứng nước mưa đổ vào đó dự trữ cho những ngày tới.


Vùng có mưa lớn, bà con trữ nước trong những gì có thể chứa được.

Dù chưa được nhiều nước, nhưng những cánh đồng khô hạn đã có dấu hiệu hồi sinh. Cây lúa héo úa đã bật đứng thẳng lên.

Ông Lê Thế Tiện (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) ra thăm ruộng nói: “Trên ruộng chưa có nước nhưng đất cũng thấm được độ ẩm rồi. Trận mưa cũng giải khát cho ruộng được khoảng 2 tuần nếu trời khô nắng”.

Lãnh đạo huyện Lệ Thủy cũng đã tổ chức các đoàn công tác triển khai kiểm tra thực tế diện tích lúa và cây trồng bị hạn để có giải pháp tưới cho phù hợp. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, toàn huyện gieo cấy được 1.034 ha, trong đó diện tích bị hạn khô trên 130 ha.

“Mưa cũng làm giảm hạn cho cây trồng. Hy vọng những ngày tiếp theo có mưa để cung cấp thêm nước cho hồ đập nhắm tưới đủ nước cho cuối vụ”- ông Vương nói thêm.

Trước đó, vào ngày 30/6, một vụ cháy rừng thông đã xảy ra tại địa bàn huyện Bố Trạch khiến hàng chục héc-ta rừng bị thiêu rụi.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch nhìn nhận, hàng ngàn héc-ta lúa, hoa màu trên địa bàn huyện tưởng chừng sẽ mất trắng, nhưng khi có mưa, diện tích lúa và hoa màu này sẽ cho thu hoạch, dù sản lượng đạt thấp. Cùng với đó, cơn mưa cũng giúp giảm nguy cơ cháy ở các cánh rừng. Những ngày tới theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình, dự báo trên địa bàn có thể tiếp tục có mưa lớn.

Mưa hỗ trợ được phần nào nước tưới ở vùng Quảng Ninh.

“Chúng tôi sẽ quan tâm, cảnh báo nguy cơ dông sét, lốc xoáy thường xảy ra vào thời điểm này để nhân dân cần cảnh giác, có biện pháp đề phòng”- ông Tuấn nói thêm.
 

Chờ mưa cho những vùng khát

Ngoài những vùng được mưa giải nhiệt thì các xã Quảng Phương, Quảng Thanh, Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Hợp… (huyện Quảng Trạch) vẫn trong tình trạng khô hạn. Trên vùng này, hiện có gần 1.000 ha lúa vụ HT đang bị khô cháy.

Cánh đồng Quảng Phương vẫn trông chờ mưa đến.

Chị Phan Thị Hà Trang, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Quảng Phương cho biết, toàn xã có 480 ha lúa vụ HT đang bị khô hạn. Trên địa bàn có 5 hồ phục vụ tưới cho diện tích trồng trọt thì đã có 3 hồ trơ đáy từ đầu vụ. Chỉ có hồ Bàu Sen và Bàu Mây còn dưới 20% dung tích nên cũng chỉ tưới nhỏ giọt.

“Nếu trời không mưa lớn để tăng nguồn nước tưới thì dự báo mất mùa do hạn hán có thể xảy ra. Hôm nay trời âm u nhưng không biết mưa có về được trên đồng Quảng Phương không”- chị Trang thấp thỏm hy vọng.

Trên vùng hạn Tuyên Hóa, Minh Hóa trời trở dịu mát chứ chưa có hiện tượng mưa. Ông Đinh Văn Thảo (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) ngước mắt nhìn bầu trời đang âm u rồi thầm thì: “Giá có được trận mưa thật lớn để bà con có nước uống, cây cối có màu xanh trở lại”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm