| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Rốt ráo ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan

Thứ Hai 24/06/2019 , 10:11 (GMT+7)

Tính đến ngày 22/6, Quảng Bình đã công bố dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên 4/8 huyện, thành phố.

Theo đó, đã có 9 thôn của 7 xã với 10 hộ chăn nuôi nằm trong ổ dịch, với tổng số lợn bị tiêu hủy 243 con. Hiện tổng đàn lợn có nguy cơ lên trên 12.500 con.
 

Dịch có nguy cơ lan nhanh

Trước đó, vào ngày 13/6, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại xã Xuân Hóa (huyện miền núi Minh Hóa), trên đàn lợn đàn lợn 108 con của gia đình ông Đinh Minh Chính. Sau đó 3 ngày, ổ dịch thứ 2 được phát hiện tại thôn Thanh Tân 2, xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy). Mấy ngày sau đó lại xuất hiện thêm một ổ dịch ở thôn Lê Xá (xã Mai Thủy).

Xử lý tiêu hủy theo quy định lợn tại ổ dịch. Ảnh: Tâm Phùng.

Ngày 17/6, huyện Tuyên Hóa cũng  đã công bố DTLCP trên địa bàn xã Đức Hóa. Ổ dịch xảy ra trên đàn lợn rừng lai 18 con của hộ gia đình ông Đinh Thái Bình (ở thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa). Ngày 23/6, TP Đồng Hới đã ghi nhận ổ dịch trên đàn lợn 24 con của hộ chăn nuôi ở thôn 13, xã Lộc Ninh.

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Bình thì do chưa có vắc xin, thuốc đặc hiệu điều trị bệnh, sức đề kháng của vi rút gây bệnh cao và có đường truyền lây đa dạng. “Do đó nguy cơ dịch bệnh DTLCP lây lan rộng ra các địa phương trên toàn tỉnh là rất lớn”.
 

Khoanh vùng, lập chốt…

Để ngăn chặn dịch bệnh và hạn chế gia tăng ổ dịch, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ngành, các địa phương rốt ráo vào cuộc. Các địa phương vùng có dịch được khoanh vùng. Tất cả các con đường đều lập chốt tạm thời.

Ông Lê Minh Ngân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:“Trong mỗi chốt có lực lượng liên ngành túc trực 24/24 giờ, được trang bị các phương tiện để phòng chống dịch. Ngoài công tác phòng chống dịch bệnh, cũng phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm”.

Cũng theo ông Ngân, để khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, phải tập trung cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các giải pháp. “Với phương châm phòng, chống bệnh dịch là “huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn”, “phòng là chính, cơ sở, người dân là chính”; bao vây, khống chế dứt điểm các ổ dịch, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách xử lý ổ dịch theo quy định”- ông Ngân nhấn mạnh.

Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, sau khi tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh, các địa phương thực hiện khoanh vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3km và vùng đệm 10km để tiến hành cách ly, phun thuốc tiêu độc, khử trùng.

Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết thêm, đã đẩy mạnh tuyên truyền trong dân không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý. Hiện tổng đàn lợn của huyện Tuyên Hóa có trên 30.000 con.

Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuyên Hóa trao đổi: “Các ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn trang trại, gia trại phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, làm sạch môi trường chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh có thể gây ra cho đàn gia súc, gia cầm”.

Huyện Lệ Thủy cũng đã đặt thêm các chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở xã Thanh Thủy và xã Sen Thủy để kiểm soát dịch. Nhiều hộ gia đình có trang trại chăn nuôi lớn cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch.

Lập chốt kiểm dịch tạm thời để khoanh vùng có dịch. Ảnh: Tâm Phùng.

Anh Nguyễn Quang Nghĩa (thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy) trước đó đã đầu tư trên 500 triệu đồng cho đàn lợn trên 300 con. Anh chủ động mua vôi bột về rắc xung quanh chuồng trại và báo cán bộ thú y đến phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. “Khi nhập thức ăn phải kiểm tra có nguồn gốc rõ ràng. Hạn chế tối đa các loại thức ăn khác vào khu vực chuồng trại. Mỗi ngày, mỗi giờ phải thường xuyên kiểm tra đàn lợn của mình”- anh Nghĩa chia sẽ.

Các địa phương như huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn vẫn đang nỗ lực để ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.

Mặc dù vẫn chưa ghi nhận trường hợp lợn bệnh nào nhưng thị xã Ba Đồn luôn xác định DTLCP có nguy cơ phát sinh rất cao. Theo ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, các lực lượng chú trọng làm tốt công tác giám sát, xử lý việc vận chuyển lợn ra, vào địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã phát hiện và tiêu huỷ 46kg nội tạng từ lợn và 13 con lợn với trọng lượng 910kg không rõ nguồn gốc nhập vào địa bàn.

“Ngoài triển khai đồng bộ kế hoạch ứng phó với DTLCP trên toàn địa bàn, chúng tôi cũng chuẩn bị về nhân lực và các loại hoá chất, vôi, máy múc, bạt, địa điểm tiêu hủy theo quy định để ứng phó nhanh khi phát hiện ổ dịch”- ông Sơn cho hay…

Huyện Quảng Ninh cũng đang căng sức chống dịch. Chị Hồ Thị Lĩnh - cán bộ thú y xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) - nhiều tháng liền quên việc nhà tất tả ngược xuôi trên các trục đường chính để chỉ đạo phòng dịch ở chốt tạm thời.

Theo chị Lĩnh, cần phải thông báo cho người dân về tình hình dịch bệnh, đồng thời, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp tiêm phòng, kiểm soát thức ăn chăn nuôi; nghiêm cấm người ngoài vào các khu chuồng trại.

“Chúng phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y các thôn tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh; khi có lợn ốm hoặc nghi ngờ  sẽ báo ngay cho các đơn vị chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời”- chị Lĩnh bộc bạch.

Ngoài việc chỉ đạo các địa phương nỗ lực phòng, chống dịch TLCP, lực lượng thú y tỉnh cũng phối hợp tốt với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàm. Các đơn vị liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập thịt lợn tại các chợ, nhất là khu vực giáp ranh các tỉnh khác dọc tuyến đường chính đi qua địa bàn tỉnh. Các chốt kiểm dịch tạm thời cấp tỉnh, huyện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát việc vận chuyển lợn nhập vào địa bàn, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan. Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 6 trường hợp vi phạm pháp luật trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, với tổng số tiền gần 20 triệu đồng.

Phun tiêu độc khử trùng phương tiện ra, vào vùng có dịch. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Trần Công Tám - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh còn cho biết: “Chúng tôi đã cấp phát và triển khai thực hiện phun tiêu đọc khử trùng trên 300 lít hóa chất, xử lý gần 8.000 kg vôi nột tại các vùng có dịch, vùng lân cận, tại các chốt kiểm dịch tạm thời…”.

Xem thêm
Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất