| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình tăng cường kiểm soát hệ thống giám sát tàu cá

Thứ Sáu 26/03/2021 , 14:41 (GMT+7)

3 năm qua, Quảng Bình có 197 tàu cá vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài, trong đó 104 chủ tàu thừa nhận vi phạm để khai thác thủy sản trái phép.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Quảng Bình, để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, tỉnh đã tuyên truyền, vận động ngư dân sớm thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m và dưới 24m…

 Mạnh mẽ hơn nhờ… GSHT

Theo ông Lê Văn Lợi, việc lắp đặt và vận hành thiết bị GSHT là một sự nỗ lực lớn của các ban, nghành và ngư dân trong tỉnh. Tính đến cuối tháng 2/2021, ngư dân Quảng Bình đã tự giác lắp đặt thiết bị GSHT cho 1.047 tàu cá xa bờ (hoàn thành xong những tàu được cấp giấy phép), cao hơn mức bình quân của cả nước. Mỗi thiết bị GSHT có trị giá từ 23 đến 25 triệu đồng và cước phí thuê bao 250 nghìn đồng/tháng, chưa kể cước liên lạc của mỗi cuộc gọi thông thường.

Ngư dân Quảng Bình sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá xa bờ.Ảnh: N.Tâm

Ngư dân Quảng Bình sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá xa bờ.Ảnh: N.Tâm

Theo nhiều ngư dân, sau khi lắp thiết bị GSHT, việc đánh bắt trên biển có nhiều thuận lợi hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Hải, chủ tàu cá có công suất 950 CV ở xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới - Quảng Bình) cho hay, tàu ông và nhiều tàu khác cũng phải có thời gian nằm bờ để làm thủ tục lắp đặt vận hành thiết bị. Sau khi lắp thiết bị GSHT, tàu ông xuất bến ra ngư trường Hoàng Sa với chuyến đi gần 25 ngày. Chuyến đi đó, tàu đánh được 6 tấn mực và cá các loại. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 100 triệu đồng. “Trước đây, ngư dân gặp khó khăn khi xác định ranh giới vùng biển nên tàu có thể đi qua vùng biển nước khác mà không biết. Bây giờ tàu có thiết bị GSHT nên tôi yên tâm hơn, không lo vi phạm nữa. Kể cả khi giao tàu cho người khác, tôi ở nhà cũng rất yên tâm bởi chỉ cần mở “sờ mát phôn” (smartphone) cũng biết tàu đánh cá ở khu vực nào. Nhờ có nó mà tạo cho tàu cũng như ngư dân hoạt động trên ngư trường mạnh mẽ hơn, tự tin hơn”- ông Hải nói như khoe.

Chung tâm trạng, ngư dân Phan Thế Tân (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), có tàu đi biển công suất 850 CV tỏ ra rất an tâm. Thiết bị GSHT lắp trên tàu cá có độ phủ sóng rộng trên biển, qua sóng vệ tinh nên có thể liên lạc mọi lúc, mọi điều kiện thời tiết. “Ngoài ra, thiết bị còn có khả năng gửi nhật ký, báo cáo điện tử, nhận thông tin bão, áp thấp nhiệt đới lại còn có nút ấn khẩn cấp khi tàu gặp nạn hoặc vi phạm vùng biển trong quá trình đánh bắt. Vì vậy, ngư dân chúng tôi vững tâm hơn nhiều khi ra biển lớn, biển xa”- ông Tân chia sẻ thêm.

Tàu cá của ngư dân Quảng Bình có lắp thiết bị GSHT ra đánh bắt trên vùng biển xa. Ảnh: N.Tâm

Tàu cá của ngư dân Quảng Bình có lắp thiết bị GSHT ra đánh bắt trên vùng biển xa. Ảnh: N.Tâm

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, trung tâm điều hành GSHT tàu cá được đặt tại Chi cục. Qua màn hình tivi lớn, toàn bộ tàu cá có lắp thiết bị GSHT đều được nhận biết. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù đang ở ngoài biển hàng trăm hải lý, nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông số, như ký hiệu, chủ phương tiện, địa chỉ, đang ở kinh độ, vĩ độ nào... đều hiện rõ trên màn hình. Nếu phát hiện có tàu cá nào di chuyển đến vùng biển giáp ranh với các nước thì trung tâm thông báo để phương tiện kịp thời quay lại. Tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng căn cứ vào dữ liệu này để xử lý.

Nhờ lắp đặt thiết bị GSHT, mà cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn tàu cá hoạt động từ vùng bờ ra tới vùng khơi. Biết được hành trình của tàu, nhật ký khai thác, vị trí của tàu, sản lượng khai thác. “Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền, nhắc nhở một số hoạt động khai thác trên biển của ngư dân vào 9 giờ sáng và 15 giờ chiều hằng ngày. Ngoài ra, thiết bị này còn giúp thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản”- ông Linh cho biết thêm.

Làm gì để thiết bị GSHT phát huy hiệu quả

Để gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam thì việc lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá là hết sức cần thiết giúp ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản.

Việc ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép là một khuyến nghị rất quan trọng. Phía EC khẳng định nếu không ngăn chặn được tình trạng này thì không thực hiện tháo thẻ vàng đối với nước ta. Đối với Quảng Bình, theo các nguồn thông tin từ thông báo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá và phản ánh của ngư dân thì giảm cơ bản. Trong 3 năm qua, Quảng Bình có 197 tàu cá vượt ranh giới qua vùng biển  nước ngoài. Các địa phương đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh để kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định. Đến nay đã xác minh được 104 tàu cá và chủ tàu thừa nhận vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép. Còn 93 tàu cá đang tiếp tục kiểm tra, xác minh. Trong năm 2020 thì chưa thấy thông báo tàu cá ngư dân Quảng Bình vi phạm.

Trạm bờ (Chi cục Thủy sản Quảng Bình) đang sử dụng thiết bị hiện đại để theo giỏi, giám sát hành trình tàu cá xã bờ trên biển. Ảnh: N.Tâm

Trạm bờ (Chi cục Thủy sản Quảng Bình) đang sử dụng thiết bị hiện đại để theo giỏi, giám sát hành trình tàu cá xã bờ trên biển. Ảnh: N.Tâm

Hiện tại, do nguồn kinh phí khó khăn nên tỉnh Quảng Bình chưa hỗ trợ được kinh phí lắp đặt thiết bị GSHT mà chủ yếu tuyên truyền, động viên ngư dân tự bỏ kinh phí thực hiện. Kết quả hơn 1.000 tàu cá đưọc lắp thiết bị là một nỗ lực vận động lớn, hiệu quả của ngành Thủy sản và chính quyền cơ sở, sự tự giác, hợp tác tốt của mỗi chủ tàu cá. Tuy vậy, hiện vẫn còn một số tàu chưa lắp thiết bị GSHT do chủ tàu chưa được cấp giấy phép hoặc còn khó khăn nên không khai thác vùng biển xa.

Trong quá trình thực hiện lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Đó là nhiều ngư dân chưa nắm đầy đủ quy định liên quan đến quản lý, vận hành và sử dụng thiết bị mới này. Trong quá trình quản lý, tàu cá lắp GSHT thường xuyên mất kết nối. Chẳng hạn, tại Quảng Bình thời gian gần đây có 272 tàu mất kết nối trong hơn 6 giờ đồng hồ và 77 tàu vượt ranh giới biển. Ngay khi phát hiện tàu mất kết nối và vượt ranh giới biển, Trạm bờ của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã thông báo tới chủ tàu và thuyền trưởng yêu cầu khắc phục lỗi mất kết nối và quay về vùng biển cho phép. Theo ông Lê Ngọc Linh, nguyên nhân của lỗi mất kết nối và tàu vượt ranh giới có thể do lỗi kỹ thuật của thiết bị hoặc do ngư dân chưa quen sử dụng thiết bị và cũng có thể thuyền viên cố tình tạo mất kết nối. Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã thông báo đến doanh nghiệp cung cấp GSHT xác minh lỗi mất kết nối và gửi đề nghị UBND các địa phương có tàu vượt ranh giới để xác minh, xử lý. Mặt khác, việc xác minh gặp nhiều khó khăn do chủ yếu dựa vào khai báo của chủ tàu, không có bằng chứng cụ thể nên chưa xử lý vi phạm được.

Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp - PTNT Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị lắp đặt thiết bị phải tuân thủ việc kẹp chì niêm phong đối với các thiết bị mới hoặc sau khi sửa chữa. Đồng thời hông báo cho Chi cục Thủy sản tiến hành kiểm tra, trước khi ngư dân đưa vào sử dụng.  Ông Lê Ngọc Linh cũng cho hay: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên biển. Kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp chủ tàu cố ý tắt thiết bị GSHT, dù tàu vẫn đang hoạt động. Những tàu cá theo quy định nhưng không lắp đặt thiết bị GSHT thì không cho cập hoặc xuất cảng”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.