Sản lượng đánh bắt của ngư dân trong THT ngày càng tăng |
Theo ông Nguyễn Quốc Út - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT Quảng Bình), trung bình, mỗi THT gồm 9 - 10 tàu cá cùng hoạt động trong một ngư trường dưới sự điều hành của 1 tàu đội trưởng. Thuyền trưởng có trách nhiệm chỉ đạo chung.
“Tàu đội trưởng vừa khai thác thủy sản vừa phân công nhiệm vụ cho các tàu khác trong trường hợp có sự cố hoặc luân phiên vào bờ đưa sản phẩm vào đất liền tiêu thụ và cung ứng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu trong đội”- ông Út cho biết.
Xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) là nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn của tỉnh và hoạt động có hiệu quả cao. Trước đó, xã Bảo Ninh đã sớm thành lập 2 THT trên biển lấy tên là Quyết Thắng và Hồng Hà.
Ông Hoàng Quang Hiếu, Đội trưởng THT Quyết Thắng cho hay: “Khi tham gia vào THT khai thác trên biển, ngư dân được hưởng một số quyền lợi chung về vốn sản xuất, ngư lưới cụ, kinh nghiệm đánh bắt…Chính vì vậy, thu nhập sẽ được đảm bảo cao hơn trước đây”.
Điều quan trọng hơn là không chỉ phát huy được về hiệu quả kinh tế mà THT thực sự làm an tâm cho ngư dân khi đánh bắt trên biển. “Nói cách khác, khi có tàu nước ngoài có ý định xấu, nhưng thấy đội hình tàu trong THT đông và đoàn kết trên cùng ngư trường thì họ cũng lảng ra xa”- ông Hiếu cho hay.
Cũng theo đội trưởng Hoàng Quang Hiếu, nhờ sản lượng đánh bắt tăng nên lao động có mức bình quân thu nhập trên 20 triệu đồng/chuyến biển.
Tham gia vào THT và có doanh thu cao sau mỗi chuyến ra khơi. Các ngư dân Nguyễn Công Hoan, Trần Đình Thủy, Mai Văn Đụng, Phạm Văn Tuyển… (xã Bảo Ninh) đã mạnh dạn đầu tư vài tỷ đồng để đóng tàu mới có công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ và bám biển dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều tàu cá ở Bảo Ninh đã thu về tiền tỷ trong mỗi chuyến ra khơi. Chủ tàu Nguyễn Công Hoan có chuyến đi biển từ Hoàng Sa về và bán được gần 1,4 tỷ đồng sản phẩm từ biển.
Huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn đã nhanh chóng kiện toàn các Tổ đoàn kết, chuyển đổi được 10 THT với 94 tàu tham gia. Ông Đậu Minh Ngọc - Bí thư huyện ủy Quảng Trạch cho rằng: “THT đã phát huy hiệu quả vai trò và năng lực của hình thức liên kết sản xuất tập thể, có sự phân công nhiệm vụ cho các tàu cụ thể và thu nhập được hưởng đúng với sức lao động đã bỏ ra”.
Việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tàu trong đội cụ thể và sát với năng lực, kinh nghiệm đi biển. Ngư dân Lê Văn Thành (thuộc THT Hồng Xuân, phường Quảng Phúc - thị xã Ba Đồn) cho hay: “Có tàu sẽ chuyên nhiệm vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư. Có tàu chuyên đánh lưới. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi từ 10 - 15 ngày phải quay vào bờ vì để tiêu thụ sản phẩm và lấy thêm lương thực, thực phảm, nước ngọt, dầu. Bây giờ có thể yên tâm bám ngư trường dài ngày hơn vì đã có tàu khác lo chuyện hậu cần rồi”.
Theo ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, qua quá trình sản xuất của các THT cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét. Tàu trong THT bám biển dài ngày hơn nên giảm được chi phí đi về. Nhờ tăng thời gian đánh bắt nên sản lượng đánh bắt cũng được tăng hơn nhiều và thu nhập bình quân của ngư dân cũng được tăng lên đạt mức 5,5 triệu đ/tháng. “Không chỉ hỗ trợ nhau trên biển, các hội viên tham gia THT còn đóng góp quỹ để hỗ trợ các thành viên khó khăn với số tiền gần 1 tỷ đồng”, ông Lợi thông tin thêm.
Để THT là chỗ dựa vững chắc thì cần tăng nguồn vốn và hỗ trợ về lãi suất để ngư dân càng yên tâm bám biển. “Ngoài ra, ngư dân cũng cần có sự hỗ trợ về chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong đánh bắt và khai thác hải sản để đáp ứng với yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới”- ông Lợi nói. |