Theo chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, giai đoạn năm 2017-2019, địa phương có 31 xã có dịch lở mồm long móng với gần 4.100 gia súc mắc bệnh, trong đó gần 2.000 con bị chết hoặc bị buộc tiêu hủy, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Theo ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch lở mồm long móng lây lan trên diện rộng. Trong đó, việc kiểm soát vận chuyển trâu, bò qua biên giới chưa chặt chẽ tại một số nới trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm dịch động vật nội tỉnh không còn nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm từ các tỉnh khác là rất lớn.
Nhằm khống chế, ngăn chặn không để dịch lở mồm long móng quay trở lại, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã tham mưu cấp trên xây dựng chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức cho cán bộ làm công tác thú y cơ sở và người chăn nuôi.
Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, lực lượng chức năng ở Quảng Bình tổ chức ngăn chặn sự xâm nhiễm virus lở mồm long móng từ nước ngoài và tỉnh, thành phố khác vào địa bàn. Phối hợp với Chi cục Thú y vùng III thực hiện kiểm tra, giám sát trâu bò nhập khẩu tại cảng Hòn La, cửa khẩu Cha Lo và lợn nhập khẩu tại các khu cách ly kiểm dịch đóng trên địa bàn.
“Qua các hoạt động đồng bộ trên, chúng tôi đã kiểm soát, ngăn chặn và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp gia súc, sản phẩm gia súc qua biên giới”, ông Tuấn nói.
Để nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi được thường xuyên, liên tục, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình thành lập các Đội kiểm soát lưu động liên ngành. Nhiệm vụ của Đội là kiểm tra hoạt động vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên các tuyến quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh, tuyến đường 12A và các tuyến đường liên huyện, liên xã nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Đối tượng tiêm phòng là đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống. Ngoài ra, căn cứ đặc điểm dịch tễ của bệnh lở mồm long móng để xem xét, quyết định tiêm phòng cho đối tượng gia súc khác.
Theo ông Dương Viết Phương Tuấn, thời gian tiêm phòng được tổ chức làm 2 đợt trong năm. Đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5 và đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 10. Ngoài 2 đợt tiêm chính, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình còn tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc phát sinh sau các đợt tiêm chính, bảo đảm tỷ lệ đạt tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng.
Khi có ổ dịch lở mồm long móng xảy ra, lực lượng thú y tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho gia súc khỏe mạnh tại các thôn, ấp, bản nơi xảy ra dịch. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia súc mẫn cảm tại các thôn chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh vùng có dịch.
Với những giải pháp đồng bộ và liên tục nên những năm gần đây dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc trại Quảng Bình đã dần được khống chế.
Trong năm 2020, dịch lở mồm long móng xảy ra ở 7 xã thuộc 3 huyện (Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh) làm 197 con trâu bò mắc bệnh, không có gia súc chết do bệnh. Năm 2021, xảy ra ở 6 thôn thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Bố Trạch làm 115 con trâu bò mắc bệnh, không có trâu bò chết do bệnh
Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh đã xảy ra ở 2 thôn thuộc xã Hưng Trạch và thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch) làm 62 con trâu, bò mắc bệnh, không có trâu bò chết do bệnh.
"Ngay khi nhận được thông tin dịch, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình đã khẩn trương tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, cán bộ thú y phối hợp cùng chính quyền các địa phương, hộ chăn nuôi tiến hành phun tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dịch để ngăn chặn lây lan. Chi cục khẩn trương tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để xét nghiệm xác định bệnh, chủng virú lở mồm long móng, phục vụ cho việc lựa chọn vắc xin tiêm phòng phù hợp”. Ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, diễn biến bệnh lở mồm long móng gia súc giai đoạn 2020-2022 giảm 2,6 lần số ổ dịch và 12,6 lần số gia súc mắc bệnh so với trước. Hiện Quảng Bình đang tăng cường xử lý hoạt động giết mổ trái phép để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời định kỳ xây dựng chương trình giám sát điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ.