Dấu ấn ngành chăn nuôi
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước. Ngành chăn nuôi địa phương đang từng bước cơ cấu lại theo hướng chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ, nông hộ, phân tán sang phát triển theo hình công nghiệp, trang trại và ứng dụng công nghệ cao. Quy mô, chất lượng các loại sản phẩm (thịt, trứng, sữa) không ngừng gia tăng, đến nay cơ bản đảm bảo tốt cho thị trường, chưa kể bước đầu đáp ứng cả nhu cầu xuất khẩu.
Toàn tỉnh hiện có 941 trang trại chăn nuôi theo quy mô Luật Chăn nuôi (438 trang trại chăn nuôi Lợn; 21 trang trại chăn nuôi trâu, bò; 482 trang trại chăn nuôi gia cầm).
Quy trình công nghệ cao đang được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vacxin, thuốc thú y, tự động hóa dây chuyền sản xuất, xử lý ô nhiễm... Điển hình như Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH với tổ hợp trang trại bò sữa gần 20.000 con; Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) với 1.300 con bò vắt sữa; Công ty cổ phần chăn nuôi CP có 10 trại lợn, 24 trại gà, 8 trại vịt; Công ty Japfa 4 trại gà; Công ty TNHH Massan Farm Nghệ An 2 trại lợn với 5.500 nái sinh sản, 264 nái hậu bị; Công ty Golden star 62 trại gà lông màu…
Bước chuyển không đến ngẫu nhiên, để phát triển theo hướng hàng hóa Nghệ An đã chủ động ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để kích cầu. Một số chương trình cho thấy tốc độ lan tỏa nhanh, nổi bật phải kể đến nội dung “cải tạo đàn bò, chăn nuôi lợn ngoại, trợ giá giống gốc, hỗ trợ chế phẩm đệm lót sinh học…” áp dụng theo Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Bên cạnh những mặt làm được, lúc này ngành chăn nuôi Nghệ An cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Về yếu tố khách quan, hiện hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chỉ còn 2 cấp ở Trung ương và tỉnh, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Xử lý tốt dịch lở mồm long móng
Kể từ khi chức danh thú y cấp xã bị bãi bỏ đã gây ra hàng loạt xáo trộn liên quan đến công tác chuyên môn. Trên thực tế, muốn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhất thiết cần có mạng lưới thú y cơ sở, xem đó là chất keo kết dính hữu hiệu giúp đẩy nhanh quá trình giám sát lâm sàng, theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe, dịch bệnh...
Nay hệ thống “chân rết” bị chặt đứt, cộng thêm sự nhập cuộc nhạt nhòa đến từ chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã vô hình chung tạo nên hàng tấn áp lực đè nặng lên vai cơ quan chức năng. Công tác chuyên môn vì thế cũng ảnh hưởng theo, điều này thể hiện qua tỷ lệ tiêm phòng vật nuôi đạt thấp, quá trình bắt tình hình dịch bệnh chưa kịp thời, báo cáo xử lý chậm, diễn biến dịch bệnh lây lan, kéo dài.
Trong tình thế gian nan, ngành chăn nuôi và thú y phải gắng gượng, cáng đáng khối lượng công việc nặng gấp bội phần. Trầy trật suốt thời gian dài, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bủa vây, tín hiệu tích cực thu về rất đáng ghi nhận.
Đơn cử như công tác giám sát bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc. Phương châm phát hiện sớm, bao vây khống chế tự chăm sóc, điều trị tại chuồng không để dịch bệnh lây ra diện rộng đã phát huy hiệu quả rõ nét.
Qua nắm bắt, giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 995 gia súc mắc bệnh. Từ 2017-2019 tình hình có chiều hướng bùng phát nhưng nhờ chủ động triển khai kịp thời các biện pháp nghiệp vụ nên giảm thiểu được phần lớn nguy cơ lây lan, qua đó hạn chế xuống mức thấp nhất về thiệt hại kinh tế cho người dân.
Thời gian gần đây dịch LMLM chỉ xảy ra nhỏ lẻ, trong diện hẹp, thường xuất hiện trên những đối tượng chưa được tiêm phòng vacxin, hoặc mới nhập về. Số lượng gia súc mắc bệnh giảm dần theo từng năm cho thấy công tác giám sát, phòng dịch thực sự có chiều sâu.
Diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng được kiểm soát tốt, qua ghi nhận chỉ xảy ra tổng cộng 5 ổ dịch thuộc 29 hộ của 4 huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Diễn Châu và Tân Kỳ, số trâu, bò mắc bệnh chỉ 70 con.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Nội vụ, báo cáo Chính phủ có văn bản chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về tổ chức hệ thống thú y, đặc biệt cần bố trí bổ sung thêm 1 chức danh chuyên trách hoặc bán chuyên trách phụ trách công tác chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn để trực tiếp kiểm tra, theo dõi, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trên địa bàn.