| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh định hướng phát triển hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản

Thứ Tư 07/10/2020 , 15:50 (GMT+7)

Đối với nghề nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh đang có định hướng phát triển theo hướng thân thiện, an toàn, phối hợp với ngành dịch vụ để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm.

Lập quy hoạch nuôi trồng thủy sản ngoài vùng lõi của Vịnh Hạ Long

Với tiềm năng lợi thế từ giá trị thiên nhiên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Hàng triệu khách du lịch đến đây mỗi năm không chỉ để tham quan, chiêm ngưỡng quần thể Di sản thế giới, mà còn để khám phá ẩm thực, đời sống của ngư dân bản địa.

Việc lồng ghép, quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngoài vùng lõi của vịnh Hạ Long kết hợp với du lịch trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân nhưng chưa đáp ứng được vấn đề bảo vệ môi trường biển, mặc dù ngành chức năng đã yêu cầu các hộ dân thay thế toàn bộ hệ thống nổi của nhà bè bằng phao phi và các vật liệu thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ NTTS mới.

NTTS gắn với du lịch tại quần thể đảo hang Trai, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

NTTS gắn với du lịch tại quần thể đảo hang Trai, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Theo Nghị quyết phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, định hướng đến năm 2025 Ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững có năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên chú trọng các công tác bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, du lịch.

Qua khảo sát, hoạt động NTTS gắn với du lịch ở một số điểm khu vực lõi vịnh Hạ Long đảm bảo công tác bảo vệ môi trường còn chậm tiến độ, rác thải nhựa tập trung phần lớn ở khu vực có ngư dân sinh sống. Vấn đề này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch của tỉnh Quảng Ninh xây dựng đối với vịnh Hạ Long.

Theo thống kê, hiện vùng lõi vịnh Hạ Long có 6 điểm NTTS với 57 hộ nuôi và 4 doanh nghiệp trên tổng diện tích khoảng 93ha, bao gồm: Khu vực Vạ Giá thuộc quần thể đảo hang Trai; khu vực Vung Viêng - Cặp Bè thuộc quần thể đảo Vụng Hà; khu vực Cặp La thuộc quần thể đảo Cống Đỏ; khu vực Cống Đầm thuộc quần thể Cống Đầm; khu vực Cống Tầu và khu vực Vụng Chùa Đá.

Với mục tiêu đảm bảo các yếu tố bền vững của Di sản, tháng 8/2020, TP Hạ Long đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép giữ lại 2/6 khu vực NTTS trong vịnh Hạ Long là Vung Viêng - Cặp Bè và khu vực Vạ Giá để quy hoạch cải tạo. Đồng thời, hồi phục NTTS tại 2 điểm này để gìn giữ một nét văn hóa đặc trưng, kết hợp phát triển du lịch, phục vụ cho khách du lịch. Các địa điểm này đều không gây ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản, ít bị ảnh hưởng bởi gió bão và phù hợp với quy hoạch môi trường mà tỉnh Quảng Ninh đưa ra đến 2030.

Khu vực được lập quy hoạch có diện tích gần 300ha, gồm 2 tiểu khu. Vị trí quy hoạch phía Đông giáp tuyến lường Tuần Châu - Cát Bà, hòn Vụng Ba Cửa; phía Tây giáp với khu vực ranh giới xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên), hòn Bồ Hung; phía Nam giáp luồng Ba Mom, hòn Trà Hương, luồng Lạch Ngăn; phía Bắc giáp đảo Tuần Châu, luồng Ba Mom.

Những điểm còn lại, TP Hạ Long sẽ nghiên cứu, tổ chức di dời các cơ sở NTTS để đảm bảo công tác quản lý môi trường sinh thái khu vực vịnh. Đồng thời, tiến hành lập quy hoạch NTTS mới ngoài vùng lõi vịnh Hạ Long. Dự kiến đến cuối năm 2020, TP Hạ Long sẽ hoàn thành việc quy hoạch chi tiết, thiết kế vị trí các ô, lồng bè, triển khai lập hồ sơ giao mặt nước cho các hộ dân và doanh nghiệp.

Giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể cho nghề NTTS

Tỉnh Quảng Ninh có 250km đường bờ biển với trên 6.100km mặt biển, 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha eo vinh tạo nên sự phong phú, đa dạng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao giúp cho lĩnh vực thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc  Sở NN-PTNT, hiện tại, lượng phao xốp sử dụng cho nuôi lồng tại địa phương chiếm khoảng 50%, còn lại là sử dụng các vật liệu thay thế. Nếu chỉ tính riêng phao xốp có thể lên đến hơn 15.000 chiếc.

Theo số liệu từ Ban quản lý vịnh Hạ Long cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng rác thải, nhất là xốp thu gom ngoài vịnh Hạ Long được hơn 350 tấn. Đây đều là những con số biết nói, và nếu không có giải pháp hữu hiệu để thay thể phao xốp hoặc gia cố phao xốp sẽ gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

“Vấn đề này, Sở NN-PTNT nhận thức rất rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý rác thải nhựa hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy sản. Hiện, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành quy chuẩn về phao nổi cho ngành thủy sản tại Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/08/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian tới, khi đã có công cụ quản lý, chúng tôi sẽ rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu được rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh”, ông Công nói thêm.

Thời gian tới, tất cả các cơ sở NTTS ở tỉnh Quảng Ninh bắt buộc phải chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn về phao nổi. Ảnh: QMG.

Thời gian tới, tất cả các cơ sở NTTS ở tỉnh Quảng Ninh bắt buộc phải chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn về phao nổi. Ảnh: QMG.

Cụ thể, quy chuẩn về phao nổi sẽ áp dụng đối với tất cả các cơ sở NTTS lợ, mặn bằng lồng bè, giàn bè có sử dụng phao nổi; cơ sở sản xuất, nhập khẩu phao nổi, vật liệu làm phao nổi trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài để phục vụ NTTS. Quy chuẩn cũng quy định rõ về công tác quản lý, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và công tác tổ chức thực hiện, có danh mục, danh sách cụ thể đối với từng loại vật liệu làm từ xốp trong NTTS.

Quảng Ninh sẽ chính thức đưa quy chuẩn về phao nổi NTTS vào hoạt động từ ngày 1/1/2021. Đồng thời, từ ngày 1/1/2023, các cơ sở NTTS đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn. Hy vọng với những định hướng cụ thể mà tỉnh Quảng Ninh thực hiện, sẽ góp phần xây dựng ngành NTTS đa dạng, phong phú, phù hợp với vấn đề bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm