| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị kỳ vọng thu 50 tỷ đồng/năm từ 'cây giảm nghèo'

Thứ Ba 07/11/2023 , 18:40 (GMT+7)

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND Quảng Trị ước tính, địa phương có thể sản xuất khoảng 4.000 tấn hạt trẩu vào năm 2030.

Người dân Quảng Trị phấn khởi với kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại địa phương.

Người dân Quảng Trị phấn khởi với kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại địa phương.

Cây trồng trên đất khó

Là loại cây thân to, có thể cao tới trên 10m, trẩu mọc hoang và được trồng ở nhiều vùng tại nước ta, chủ yếu là vùng đất mát, thoát nước, trên các dốc. Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ đều trồng loại cây này.

Ở những vùng đất thích hợp, cây trẩu mọc rất nhanh, ra hoa ngay vào vào năm thứ 2 hay thứ 3, cành mọc thành tầng ngang, đều. Trẩu thậm chí có thể trồng để che phủ chè, dứa, hoàng tinh hay cà phê. Dầu ép từ hạt trẩu là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, mực in, chất làm khô bề mặt, chất bôi trơn, công nghiệp dược phẩm, nhiên liệu sinh học…

Với ưu điểm về khả năng sinh trường và cho nguồn thu nhập khá, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Hai huyện này hiện có gần 3.000ha rừng trẩu, trong đó gần 2.700ha rừng trồng tập trung, chiếm hơn 20% tổng diện tích trẩu trên cả nước. Gần như toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch với năng suất cao, ổn định. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu là hạt, với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm và phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trẩu được người dân Quảng Trị xem như cây trồng bản địa, mọc phân tán trong rừng. Vào mùa thu hoạch, người dân địa phương thường đi khai thác rồi mang về bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu chịu khó thu hái, một người có thể đạt thu nhập hàng ngày từ 300.000 - 500.000 đồng.

Nhiều người dân tại huyện Đakrông xác nhận, cứ đến mùa quả trẩu chín, nhà nào cũng đi nhặt hạt trẩu bán cho thương lái.

Ông Bùi Văn Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá - Đakrông thông tin, nguồn thu từ cây trẩu hàng năm giúp người dân ở vùng lân cận tạo sinh kế, đảm bảo thu nhập, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm lấn các khu rừng phòng hộ khác.

“Để tạo sinh kế lâu dài, bền vững, chúng tôi hướng dẫn người dân chỉ thu lượm, không được trèo lên cây trẩu để bẻ cành, hái quả nhằm hạn chế những rủi ro, nguy cơ tai nạn. Đây cũng là biện pháp bảo vệ cây nhằm ổn định sản lượng quả", ông Thìn chia sẻ. 

Hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trồng trẩu chiếm hơn 20% tổng diện tích cả nước.

Hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trồng trẩu chiếm hơn 20% tổng diện tích cả nước.

Chưa bằng lòng với kết quả này, tỉnh Quảng Trị hy vọng cây trẩu tiếp tục sinh sôi, thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo tại những huyện nghèo như Đakrông. Tại tọa đàm "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu", ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND Quảng Trị cho biết, tỉnh phấn đấu sản xuất khoảng 4.000 tấn hạt trẩu vào năm 2030, tương đương trị giá thương mại khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Lý giải cho mục tiêu tham vọng này, ông Đồng phân tích, Quảng Trị là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu trong phát triển rừng gỗ lớn, liên kết trồng rừng. Trong tổng số 23.400ha rừng trồng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC của Quảng Trị, phần lớn tập trung ở các công ty lâm nghiệp như Bến Hải, Triệu Hải và Đường 9 với khoảng trên 17.000ha.

"Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC đối với rừng tự nhiên", Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng và cộng đồng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế FSC khởi xướng trên toàn cầu. Ngoài ra, tại 2 huyện vùng cao Đakrông và Hướng Hóa còn rất nhiều diện tích có thể chuyển đổi sang trồng trẩu lấy dầu, nhất là ở khu vực trên đồi cao, không phù hợp với các loại cây truyền thống như cà phê, sắn… 

Giải pháp trồng rừng gỗ lớn

Bên cạnh giải pháp tìm loài cây lâm nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng, Bộ NN-PTNT khuyến cáo địa phương tăng cường, quan tâm hơn nữa đến trồng rừng gỗ lớn.

Ông Vũ Thanh Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp đánh giá, trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn đất, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

"Hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng", ông Nam trăn trở.

Ông Vũ Thanh Nam chia sẻ 6 thách thức trong việc trồng rừng gỗ lớn hiện nay.

Ông Vũ Thanh Nam chia sẻ 6 thách thức trong việc trồng rừng gỗ lớn hiện nay.

Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng trồng gỗ lớn sản xuất hiện khoảng 1 triệu ha, nhưng lại tập trung chủ yếu tại các hộ gia đình (chiếm trên 60%). Một điểm nữa là rừng trồng của người dân chủ yếu là các loài cây mọc nhanh, cây trồng tầm 5 - 6 tuổi là đạt độ tuổi khai thác. Diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện nay đang được chuyển hóa khá khiêm tốn, khoảng 440.000ha, chiếm hơn 10% tổng rừng trồng sản xuất.

Ông Nam cũng nêu 6 thách thức trong việc thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn. Thứ nhất, quỹ đất quy hoạch trồng rừng gỗ lớn còn nhỏ, nhiều chỗ dưới 1ha. Thứ hai, trồng rừng gỗ lớn cần thời gian dài, người dân gặp thách thức khi hạch toán kinh tế, nhất là khi cần xoay vòng vốn. Thứ ba, do chu kỳ dài nên họ khó tiếp cận các nguồn vay ưu đãi.

Thứ tư, trồng rừng gỗ lớn chịu nhiều rủi ro như gió bão, thiên tai. Thứ năm, người dân còn gặp khó khăn về giống và biện pháp canh tác bởi các kỹ thuật lâm canh gặp hạn chế khi áp dụng quy mô hộ gia đình. Cuối cùng, liên kết giữa doanh nghiệp với nhau và với người dân còn hạn chế và chưa phổ biến.

Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP nhằm khuyến khích phát triển liên kết, hợp tác liên kết trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trước mắt, ngành lâm nghiệp đề nghị người dân trồng rừng kết hợp phát triển lâm sinh. Ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, bà con tránh độc canh một số loại cây rừng. "Các giải pháp này đều được Bộ coi là các giải pháp kỹ thuật, bên cạnh đó là nghiên cứu thêm các loại phân bón, chế phẩm sinh học để bón cho cây", ông nhấn mạnh. 

Sở NN-PTNT Quảng Trị đánh giá, cây trẩu sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc, thích nghi rộng ở nhiều vùng sinh thái và chịu được các điều kiện khắc nghiệt trên địa bàn tỉnh. 

Cây trẩu được xem là cây lâm nghiệp đa mục đích, có giá trị kinh tế cao, vừa mang lại nguồn thu nhập nhanh và liên tục, giúp người dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo. Đây cũng loại cây trồng góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng tại những địa phương chịu ảnh hưởng của gió Lào như Quảng Trị.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất