| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị thiệt hại 2.000 tỷ đồng do mưa bão dài ngày

Thứ Tư 21/10/2020 , 18:28 (GMT+7)

Ước tính thiệt hại do cơn bão số 5 và đợt mưa lũ kéo dài gây ra tại tỉnh Quảng Trị là hơn 2.000 tỷ đồng.

Hàng ngàn ngôi nhà ở thị xã Quảng Trị ngập chìm trong nước. Ảnh: Duy Hùng.

Hàng ngàn ngôi nhà ở thị xã Quảng Trị ngập chìm trong nước. Ảnh: Duy Hùng.

Không để dân đói, khát sau lũ

Ngày 21/10, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh và triển khai các phương án ứng phó với thiên tai tiếp theo.

Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, với phương châm không để người dân bị thiếu đói sau đợt mưa lũ vừa qua, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ, nhất là các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ, gia đình có người tử nạn, mất tích; huy động, tranh thủ các nguồn lực tài trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Về giải pháp cụ thể, tỉnh Quảng Trị lên phương án tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với hộ dân neo đơn, mất nhà cửa, bị ngập sâu, chia cắt dài ngày…

"Hỗ trợ phải đảm bảo sự cân đối giữa các địa phương. Tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở. Đồng thời cũng cần đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia cứu trợ”, ông Hưng nhấn mạnh.

Người dân xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng bị cô lập nhiều ngày trong lũ vui mừng khi có đoàn từ thiện vào tặng quà cứu trợ. Ảnh: Hải Yến.

Người dân xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng bị cô lập nhiều ngày trong lũ vui mừng khi có đoàn từ thiện vào tặng quà cứu trợ. Ảnh: Hải Yến.

Để phòng ngừa dịch bệnh có thể bùng phát sau lũ, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng... Ngành Giao thông - Vận tải phối hợp với chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo để khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt.  

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, nghành chủ động trong công tác xử lý môi trường, phục hồi sản xuất, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân... để có những bước hỗ trợ kịp thời, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Chủ động ứng phó với bão số 8

Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý tình huống thiên tai tiếp theo, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Quốc lộ 9 từ thành phố Đông Hà đi Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa bị sạt lở nặng đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Ảnh: Công Điền.

Quốc lộ 9 từ thành phố Đông Hà đi Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa bị sạt lở nặng đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Ảnh: Công Điền.

Đặc biệt, đối với cơn bão số 8 đang tiến vào biển Đông và nhiều khả năng ảnh hưởng đến địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp.

"Các địa phương, đơn vị cần chủ động, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ". Tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn các tàu thuyền về các nơi trú ẩn an toàn", ông Hưng đề nghị.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý khi có sự cố, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

Tính đến 19h ngày 20/10, toàn tỉnh có 49 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương; gần 100 xã, phường, thị trấn bị ngập úng. Để ứng phó với mưa bão, tỉnh đã triển khai di dời, sơ tán gần 75.000 lượt người ở các vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.

Ngành nông nghiệp địa phương cũng bị thiệt hại nặng với 2.540ha diện tích hoa màu các loại ngập úng, gãy đổ, 836,3ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại; 522,79ha cây ăn quả bị thiệt hại; 5.862 con gia súc, 547.868 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi; 1.388,21ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi.

Ngoài ra, rất nhiều các công trình nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi, đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển, giao thông, xây dựng, trường học, y tế, bị sạt lở, ngập nước, cuốn trôi…

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.