Thực hiện Nghị Quyết 162/2021 của HĐND tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, bò là đối tượng vật nuôi được quan tâm hỗ trợ đầu tư.
Tính đến cuối năm 2022, đàn bò của tỉnh Quảng Trị có hơn 55.650 con. Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, từ năm 2020 đến nay, hàng năm từ chương trình cho ra đời gần 10.000 bê lai, trong đó bò hướng thịt chiếm hơn 70%.
Nhằm đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt của tỉnh, trong đó phấn đấu tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 75%, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh.
Các mô hình được thực hiện tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) và xã Gio Châu (huyện Gio Linh) với quy mô 10 con/mô hình, thời gian triển khai trong 10 tháng (từ tháng 3 – 11/2023). Giống bò đưa vào thực hiện mô hình là giống bò hướng thịt (lai BBB, F2 Brahman). Đây là mô hình kế thừa và phát huy chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt dùng tinh bò BBB, Brahman (nhập nội) phối giống cho đàn bò cái nền lai Zebu F1, F2, chọn lọc tạo ra giống bò thịt có năng suất cao và khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi ở Quảng Trị.
Khẩu phần ăn cho bò được phối hợp căn cứ vào lợi thế của từng địa phương, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, tỉ lệ thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, bò thịt được ăn thêm rỉ mật mía, muối và bổ sung khoáng đa lượng, vi lượng bằng tảng đá liếm.
Tham gia mô hình, anh Trần Hữu Vũ ở thôn Linh An (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) được cán bộ kyỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp cùng Tổ Khuyến nông cộng đồng xã phổ biến, hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng giống bò lai BBB, xây dựng khẩu phần ăn cho từng giai đoạn, chế biến, dự trữ thức ăn cho bò. “Nhờ làm theo kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên đàn bò phàm ăn, lớn nhanh, khỏe mạnh, hình thể to lớn vượt trội so với các giống khác. Đặc biệt, cơ bắp phát triển, nổi rõ nhất phần cơ mông, ngoại hình đẹp“ anh Vũ phấn khởi.
Kết quả theo dõi trọng lượng của đàn bò bằng thước dây theo thời gian cố định của tháng cho thấy tăng trọng bình quân của bò lai BBB đạt 1,25kg/con/ngày; bò lai Brahman đạt 0,9kg/con/ngày. Khả năng tăng trọng của bò lai BBB cao hơn gần 1,5 lần so với giống bò lai Brahman. Thực tế cho thấy, nuôi bò lai BBB lợi nhuận cao gấp gần 2 lần so với nuôi bò lai Brahman.
Mô hình triển khai đã có tác động tích cực, hiệu quả lớn cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, ngô ủ chua tạo nguồn thức ăn dồi dào cho chăn nuôi có dinh dưỡng cao, từ đó giúp hạ giá thành, tăng hiệu quả kinh tế. Việc chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt giúp môi trường nông thôn sạch sẽ, không còn phân thải chăn nuôi vương vãi, hạn chế đốt rơm trên đồng ruộng, giảm ô nhiểm môi trường.
Với nguồn phân bò thu được từ nuôi nhốt, đây là lượng phân hữu cơ lớn, được tái sử dụng cho việc trồng cỏ, trồng ngô sinh khối phục vụ lại hoạt động chăn nuôi bò.
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tổ chức mới đây, sau khi tham quan mô hình, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đánh giá cao về hiệu quả mô hình. Theo đó, mô hình đã mở ra hướng đi mới về chăn nuôi bò tập trung theo quy mô gia trại an toàn sinh học, sử dụng nguyên liệu, phụ phẩm sẵn có tại địa phương chế biến thành thức ăn giàu dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh môi trường theo hướng bền vững.
Thông qua mô hình, sẽ thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh sang đầu tư thâm canh, có quản lý. Để nhân rộng mô hình, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Trị cùng các địa phương sẽ nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh. Chú trọng phát triển giống bò lai BBB trở thành sản phẩm chăn nuôi chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Trị nhằm đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Trước mắt, sẽ quan tâm đến việc quy hoạch vùng nuôi giống bò lai BBB. Có chiến lược liên kết hợp tác, hỗ trợ giữa nông dân, ngân hàng, doanh nghiệp trong sản xuất, vay vốn, con giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm...
Ông Trần Cẩn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt. Triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh, vỗ béo bò thịt đảm bảo an toàn sinh học. Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò giống và bò thịt đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường...