| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị xóa chăn nuôi khu vực không được phép: [Bài 1] Mất sinh kế nhiều hộ dân

Chủ Nhật 11/08/2024 , 06:30 (GMT+7)

Quảng Trị hỗ trợ người dân di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được.

Mang tiếng ở thành phố nhưng vợ chồng ông Phạm Văn Hợp tại khu phố 2, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà vẫn bám trụ nghề nông.

Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, nuôi 5-7 con bò, bình quân mỗi năm gia đình ông có thêm nguồn thu vài chục triệu đồng thêm thắt vào nuôi 2 đứa con ăn học.

Mang tiếng ở thành phố nhưng gia đình ông Hợp vẫn bám trụ nghề nông. Ảnh: Võ Dũng.

Mang tiếng ở thành phố nhưng gia đình ông Hợp vẫn bám trụ nghề nông. Ảnh: Võ Dũng.

Nay theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Trị, ông phải tìm điểm di dời chăn nuôi. Nhưng tìm đâu ra khi đất đai không có? Ông Hợp đang tính bỏ hẳn chăn nuôi.

"Chủ trương phải làm theo thôi. Xóa bỏ chăn nuôi tại một số khu vực sẽ giúp thành phố văn minh, sạch đẹp hơn. Nhưng bỏ nghề nuôi bò thì cũng mất đi một nguồn thu nhập đáng kể, kinh tế gia đình cũng sẽ khó khăn. Đất không có, nếu chuyển đi vùng khác xa nhà cũng không thể đủ con người, thời gian chăm sóc vật nuôi được", ông Hợp buồn bã.

Bài liên quan

Phường Đông Thanh hiện có 2 hộ nuôi chim yến, 5 hộ nuôi bò nằm trong diện phải di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Đa phần họ là những người đã lớn tuổi, làm nông, chăn nuôi mưu sinh từ trước khi HĐND tỉnh Quảng Trị ra nghị quyết về việc xóa bỏ chăn nuôi tại một số khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn các huyện, các khu vực đông dân cư. Vì vậy, việc xóa bỏ chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế những hộ dân này.

"Họ có tuổi cả rồi nên ngại di chuyển. Hơn nữa, họ không có quỹ đất, địa phương cũng không có khu quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Dừng chăn nuôi, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Chúng tôi đã cho các hộ chăn nuôi này ký cam kết phải di chuyển hoặc dừng việc chăn nuôi ở những khu vực không được phép trước 31/12/2024 rồi", ông Hồ Văn Tuyến, cán bộ nông nghiệp phường Đông Thanh cho hay.

Mặc dù là địa bàn thuộc thành phố Đông Hà nhưng nhiều hộ dân tại phường Đông Thanh vẫn lấy nghề nông làm chính. Trong số này có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để cải thiện cuộc sống.

Chính vì vậy, khi biết chủ trương của tỉnh về việc xóa bỏ chăn nuôi tại một số điểm không được phép, nhiều hộ dân rất buồn. Chuyển đổi nghề nghiệp đối với những hộ dân này cũng là điều khó thực hiện khi họ đã có tuổi.

Tình trạng trên không chỉ xẩy ra tại các phường trên địa bàn thành phố Đông Hà mà còn là thực trạng đang diễn ra tại các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị.

Tại thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ), theo thống kê năm 2023 có 37 hộ chăn nuôi trong khu vực cần xóa bỏ, chủ yếu chăn nuôi nhỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2024, khi đăng ký di dời, toàn thị trấn chỉ còn lại 23 hộ.

Sắp tới, ông Hợp sẽ phải bán bò vì không có điều kiện di dời chăn nuôi đến địa điểm mới. Ảnh: Võ Dũng.

Sắp tới, ông Hợp sẽ phải bán bò vì không có điều kiện di dời chăn nuôi đến địa điểm mới. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phạm Viết Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ cho hay, việc chấm dứt hoạt động chăn nuôi ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Tuy nhiên, do chưa quy hoạch được khu vực chăn nuôi tập trung nên nhiều hộ đã phải chấm dứt chăn nuôi tại các khu vực không cho phép. Số còn lại đang triển khai di dời vào các vị trí là đất sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp của gia đình.

"Một số hộ đã chấm dứt hẳn chăn nuôi vì số lượng vật nuôi ít. Chăn nuôi là sinh kế chính của nông dân nhưng bấp bênh vì giá cả lên xuống thất thường, dịch bệnh khó kiểm soát. Vì vậy, nhiều hộ chấp nhận bỏ chăn nuôi chứ không đầu tư để tìm đến một địa điểm chăn nuôi được phép", ông Thanh lý giải.

Ngày 17/5/2024, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định phân bổ dự toán chi sự nghiệp số tiền 85,4 triệu đồng hỗ trợ người dân 3 huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Đây là những hộ đã đăng ký di dời sớm. Số còn lại, theo quy định sẽ phải di dời trước 31/12/2024.

Xem thêm
Xã tại Thanh Hóa hơn 30 năm chưa xuất hiện bệnh dại

THANH HÓA Nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại hiệu quả, hơn 30 năm nay, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc không xuất hiện bệnh dại.

Cần Thơ phấn đấu có 48.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp

 TP Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 38.000ha và đến năm 2030 đạt 48.000ha.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).