| Hotline: 0983.970.780

Quê tôi, sao lại thế này?: Phạt tự chẳng khác gì chém cổ

Thứ Hai 07/03/2016 , 16:05 (GMT+7)

Chuyện sinh con trai con gái, chuyện họ chuyện hàng, chuyện lên lão ở tuổi 50, chuyện thanh niên như những cụ già, chuyện con người đa di năng nghèo xơ, nghèo xác đã gieo vào đầu tôi vô vàn dấu hỏi...

Tôi nhướng mắt lên trên phả đồ họ Nguyễn thấy có một số trường hợp phạt tự như vậy trong đó nổi lên cái tên Nguyễn Hữu Phần. Ông là đạo diễn nổi tiếng chuyên đề tài nông thôn như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”...

Một người phạt tự

Miếu thờ của làng Như Phượng Thượng (xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên) vẫn ghi rõ 10 vị tổ tiên thời khai hoang, lập ấp nhưng giờ chỉ còn 7 họ gồm Nguyễn, Phạm, Trần, Lê, Đỗ, Phó, Đinh; trong đó họ Nguyễn to nhất với 9 - 10 chí. Việc tổ chức các hoạt động trong họ đều do trưởng họ - một chức danh mang tính cha truyền, con nối. Bao giờ bố mất thì truyền cho con trai trưởng. Nếu con trưởng không có con trai thì truyền cho cháu trai trưởng (con của người em kế cận).


Vợ chồng anh Hạnh bên 6 cô con gái và các chàng rể

Ông Nguyễn Trọng Tài lên chức trưởng họ khi chỉ mới 25 tuổi, giờ đã 57 tuổi, tức có trên 30 năm kinh nghiệm. Dường như ông sinh ra để làm trưởng họ hay nói như ngôn ngữ bây giờ là có năng khiếu làm trưởng họ. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ đã bị khoác cho một “cây thập tự giá” lên vai, gánh nặng ấy chỉ thời gian đầu ông bỡ ngỡ tí chút rồi mọi thứ lại đi vào nề nếp, quy lát ngay. Từ giọng nói, điệu cười đến cử chỉ của ông đều toát lên vẻ bệ vệ, oai nghiêm của một người trưởng họ.

Ông đã chỉ đạo việc gì là đều răm rắp như vị tướng chỉ huy một đoàn quân, dù đoàn quân ấy khi là họ hàng gần xa, khi chỉ là vợ con trong nhà. Gia phả họ Nguyễn đến nay đã là đời thứ 12. Mọi thứ được ông in lên một cây phả đồ lại còn vi tính hóa để chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể tìm ra ngay tắp lự từ tổ tông đến con cháu.

Ngồi bên bức phả đồ rộng ngang với 3 cái chiếu đôi, nom ông Tài như bị nuốt chửng, ông chậm rãi giải thích: Họ hàng giống như cái cây có nhiều cành, mỗi cành là một bậc. Con trai lấy vợ mà sinh được thằng cu nối dõi thì được ghi tiếp trong gia phả còn chỉ đẻ toàn con gái là dạng phạt tự, là không còn nhánh nào nữa…

Tôi nhướng mắt lên trên phả đồ họ Nguyễn thấy có một số trường hợp phạt tự như vậy trong đó nổi lên cái tên Nguyễn Hữu Phần. Ông là đạo diễn nổi tiếng chuyên đề tài nông thôn như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”... thu hút hàng triệu lượt người xem qua màn ảnh nhỏ. Sống ở phố cổ Hà Nội từ nhỏ nhưng khi tâm sự với tôi, ông bảo rằng chuyện họ hàng, chuyện sinh con trai con gái ở làng vẫn còn một sức trì kéo con người ghê gớm.

Lắm người con gái không dám về làng ngày giỗ tổ vì không thuộc diện mời. Lắm người cả đời thoát làng như ông Phần đầu óc nhẹ tênh tân tiến nhưng khi về làng vẫn mang tiếng là phạt tự, là mất mống. Phạt tự - hai tiếng đó tựa như nhát chém treo ngành ngang cổ người không có con trai, đau lắm. Chẳng thế, nhiều khi nhớ cồn cào quê cha, đất tổ nhưng cũng chẳng muốn về làng.

Con rể nhập họ vợ

Đó là một buổi sáng nhân ngày giỗ tổ họ Nguyễn 16/12 âm lịch, ông Nguyễn Văn Kim dắt người con rể tên là Chiến đi làm thủ tục nhập sang họ nhà mình. Lễ vật khá đơn giản, chỉ là 1 lạng chè, 1 bao thuốc, 1 cành cau, 1 cân hoa quả và 1 chai rượu. Tất cả ông cho vào cái túi nhỏ rồi nhẹ nhàng xách đến nhà trưởng họ.

Thắp ba nén hương, vái ba cái, ông xoa xoa tay vào nhau, trịnh trọng nói: “Báo cáo các cụ, các ông, các bà tôi có thằng con rể giờ cũng sống ở trong làng này xin được nhập họ ạ!”.


Anh Chiến đã xin nhập họ nhà vợ

Trước đó về chuyện này ông Kim cũng đã có lời với trưởng họ và các cụ, nhận được sự đồng ý rồi mới chính thức làm thủ tục. Sau buổi lễ, ông dẫn con rể đi tảo mộ, phát cỏ, cắm hương đủ các mả mời các cụ về quê mà ăn Tết.

Kể từ đó, gia phả họ Nguyễn có thêm người con rể là Nguyễn Văn Chiến. Vợ chồng anh Chiến có 3 người con, 2 trai, 1 gái. 2 đứa con trai là Nguyễn Dũng và Nguyễn Nghĩa và đứa cháu nội mới sinh cũng đã kịp làm thủ tục gia nhập họ để cho cây phả hệ dòng họ Nguyễn của vợ anh thêm cành, thêm lá. Vị chi tổng cộng gia đình ông Kim ngày giỗ họ đóng tới 5 suất đinh gồm bố vợ, con rể, 2 con trai và 1 người cháu cũng đông vui như ai.

Chuyện rằng vợ ông Kim sinh hạ lần lượt được 5 cô con gái mà chẳng có nổi một mụn con trai. Sẵn có đất rộng, ông cắt 5 miếng vuông chằng chặn như 5 bìa đậu phụ cho 5 người rể, anh họ Đỗ, anh họ Dương, anh họ Thành, anh họ Nguyễn. Khi ông đã trên 80 tuổi, thấy bố vợ nghĩ ngợi nhiều, vợ chồng người con gái thứ tư là Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Văn Chiến liền nghĩ ra một cách, nhập họ.

Tuy cùng là họ Nguyễn nhưng họ Nguyễn của anh Chiến lại ở tận huyện Mỹ Hào kề bên chứ không hề dây mơ, rễ má gì với họ Nguyễn nhà đằng vợ. Thế nhưng anh vẫn quyết tâm nhập vào họ Nguyễn nhà vợ và là trường hợp duy nhất trong làng con rể xin nhập họ.

Anh Nguyễn Văn Hạnh là một người có vai vế trong chi họ. Cái phản thịt lợn ngay chợ trung tâm xã đảm bảo cho gia đình anh không bao giờ phải nghĩ đến chuyện cơm áo. Thế nhưng, ngặt nỗi chị vợ lại cứ tằng tằng sinh rặt nữ là nữ. Đẻ đứa đầu con gái, đứa thứ hai cũng con gái, vợ anh đã đi lên trạm y tế đặt vòng nhưng sau lại phải tháo ra để đẻ tiếp.

Khổ thân chị, phải đặt vòng, tháo vòng 3 - 4 lần như vậy vì gánh nặng chồng là con trưởng, lại trưởng ngành. Chi họ của anh Hạnh có 44 đinh chia làm 3 ngành, ngành anh Hạnh làm trưởng chỉ có 5 đinh. Đẻ đến đứa thứ 3, anh Hạnh bỏ sinh hoạt Đảng, dồn sức vào nuôi hi vọng có con trai nối dõi. Đến đứa thứ 4, thứ 5, thứ 6 thì vợ anh hoàn toàn chán nản: “Tôi đã cố hết sức rồi mà chỉ có thế!”. Sau đó chị đi triệt sản.

Đám con gái của anh phần đa ngoan ngoãn, chịu khó học hành trong đó có tới 3 đứa đại học. Chúng làm ăn tấn tới, hiếu thảo với bố mẹ nên thường xuyên tổ chức cho họ đi tham quan thành phố có, miền núi có, miền biển cũng có nhưng anh vẫn còn cảm thấy thiếu. Sự thiếu hụt của một người thèm khát con trai.

Anh chẳng để ý nhiều về đàn con gái của mình đến nỗi khi tôi hỏi tuổi đứa con đầu anh còn đáp được: 33 tuổi, chuyển sang hỏi tuổi con út thì anh ngập ngừng một hồi rồi gọi với vào trong buồng: “Dương ơi, mày sinh năm bao nhiêu ấy nhỉ?”. Đứa con lầy lật chạy lại: “Con năm nay 17 tuổi bố ạ”. Giờ đây anh chỉ có một nguyện vọng muốn đứa cháu tức con của người em trai trông nom, duy trì việc họ sao cho khỏi bị lép vế. 6 con gái như anh Hạnh vẫn chưa phải là kỷ lục khi vợ chồng ông Chanh trong làng còn đẻ cố tới 7 người con gái mới thôi.

Làm tự do, đẻ tự do nhưng còn làm nhà nước thì sao? Tôi có quen một người đẻ liền một lúc 2 cô con gái đến nỗi đi họp họ cũng không được ngồi mâm trên. Đường đường là trưởng nhưng anh phải xuống ngồi cùng cánh đàn bà, trẻ con. Đám cưới em trai ruột của mình anh cũng không được bén mảng vào khu vực buồng hạnh phúc vì sợ xúi quẩy, lại lây cho cái bệnh…đẻ con gái.

Làm một chức khá to, không thể đẻ thêm vì sợ kỷ luật bay mất cả ghế nên về sau anh nghĩ ra kế xin đứa con trai về nuôi. Đứa con nuôi chẳng biết xin thế nào mà giống hệt ông bố từ cái mũi cao, cái lông mày xếch, cái trán gồ mới lạ. Nó được cả gia đình, cả họ hàng cưng chiều hết mực chứ không phải chịu phận hẩm hiu bà nội xách gà đến nhà bồi bổ cho cháu nghe tin là gái lại xách về như hai người chị.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.