Theo Bộ Y tế nước này, chiến dịch tiêm mũi 2 được triển khai từ ngày 20/7 với sự giúp đỡ và giám sát của tổ chức UNICEF thuộc Liên hợp quốc. “Không nghi ngờ gì, đây là chiến dịch tiêm vacxin nhanh nhất trên thế giới giữa đại dịch Covid-19”, đại diện UNICEF nhận định.
Chiến dịch tiêm mũi 1 vacxin Covid-19 được triển khai hồi tháng 4 cũng đạt tỷ lệ tiêm tương tự, nhưng lúc đó Bhutan mất 2 tuần để hoàn thất. Khi đó, Bhutan được Ấn Độ viện trợ 550.000 liều AstraZeneca. Giải thích về việc đợt 1 mất nhiều thời gian hơn, Bộ Y tế Bhutan cho biết thời điểm đó tìm kiếm nguồn vacxin khó hơn do Ấn Độ có lúc phải ngừng xuất khẩu để tập trung cho chống dịch trong nước.
Dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ vacxin từ bên ngoài, qua chương trình chia sẻ Covax, Liên minh Vacxin thế giới, Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia hữu hảo như Mỹ, Ấn Độ, Đan Mạch, Croatia, Bulgaria... mà Bhutan đủ số lượng tiêm toàn dân với đủ các loại gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer... Dù có quy mô dân số thấp, chỉ khoảng 800.000 người, nhưng hệ thống y tế của Bhutan không thể đáp ứng cho một chiến dịch thần tốc đỏi hỏi hạ tầng lẫn kỹ thuật như vừa rồi nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, chỉ tính riêng hệ thống kho lạnh để trữ vacxin cũng đã là trở ngại lớn. Tổng cộng họ đã phải huy động hơn 3.000 nhân viên y tế và thiết lập 1.200 điểm tiêm trên một địa hình đồi núi cách trở.
Bộ trưởng Y tế Dechen Wangmo nói với hãng tin AP rằng, quan điểm miễn dịch toàn dân là xuyên suốt, định hướng cho mọi chính sách khác của Bhutan ở thời điểm này.
Will Parks, điều phối viên UNICEF tại Bhutan, nói rằng, chiến dịch tiêm vacxin của Bhutan đáng để thế giới ngưỡng mộ, đặc biệt nếu so chiếu với các nước phương Tây đang thừa mứa vacxin nhưng tỷ lệ tiêm quá thấp.