Mới đây Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đã phối hợp cùng Vườn quốc gia Pù Mát tổ chức chương trình tập huấn cho các thành viên thuộc nhóm nòng cốt bảo vệ rừng Pù Mát.
Nội dung này thuộc chương trình "Giáo dục bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát, giai đoạn 2023 - 2025”. Đây là nhóm tiên phong bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã tại Vườn với sự tham gia của nhiều thành phần, gồm lực lượng kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng, cán bộ giáo dục và nâng cao nhận thức (SVW), đặc biệt là 16 giáo viên của 16 trường thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát.
Thông qua các chương trình tập huấn, mỗi thành viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết (viết đề xuất dự án, chụp ảnh, sử dụng nguồn dữ liệu chung...), tiến tới được trao quyền, thực hiện các hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng và động vật hoang dã cho học sinh và cộng đồng vùng đệm.
Vườn quốc gia Pù Mát thuộc vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An với tổng diện tích rừng đặc dụng trên 94.715ha, chưa kể 86.000ha vùng đệm. Vườn sở hữu tính đa dạng sinh học cao, là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo tồn.
Những năm qua lãnh đạo Vườn quốc gia Pù Mát đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời chủ động nhập cuộc với tinh thần quyết liệt, sát sao, nhờ đó nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên với diện tích quán xuyến quá lớn, quân số lại quá mỏng, kết hợp nhu cầu thường trực của hàng chục ngàn hộ dân sống trong và lân cận vùng lõi, thành thử nguy cơ xâm hại vốn quý có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, muốn giữ vững được màu xanh của “Pù Mát đại ngàn” nhất thiết cần sự chung tay của cả cộng đồng.