| Hotline: 0983.970.780

Rùa biển... nín đẻ vì mất 'nhà hộ sinh'

Thứ Ba 14/03/2023 , 06:15 (GMT+7)

Rùa biển rất nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn, chúng chỉ đẻ ở nơi tối và yên ắng; dân cư và du lịch phát triển đã tước mất của chúng những thứ ấy…

Mất dần bãi đẻ

Khi anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và là tình nguyện viên bảo vệ rùa biển ở địa phương, nói chuyện về rùa biển là dường như câu chuyện không có hồi kết. Anh nói say sưa, thấu đáo từng thuộc tính của loài động vật quý hiếm được đưa vào Sách đỏ này.

Tổ tình nguyện viên rùa biển và cán bộ Chi cục Thủy sản Bình Định thả rùa con về biển vào năm 2013. Ảnh: CCTS.

Tổ tình nguyện viên rùa biển và cán bộ Chi cục Thủy sản Bình Định thả rùa con về biển vào năm 2013. Ảnh: CCTS.

Anh Sáng kể, hàng năm, cứ đến mùa gió nam, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch là mùa sinh nở của rùa biển. Trước đây, khi làng chài Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) còn là xã bãi ngang với những bãi cát vắng vẻ, lũ rùa biển chọn nơi đây làm chốn sinh nở. Thế nhưng từ khi ngư dân Nhơn Hải phát triển mạnh nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, hoạt động của con người và tàu thuyền đã tước mất sự vắng vẻ của những bãi cát, đồng nghĩa lũ rùa biển bị mất bãi đẻ. Từ đó, đến mùa sinh nở là lũ rùa mẹ kéo nhau ra Hòn Khô, cù lao nằm tách biệt với khu dân cư xã Nhơn Hải để đẻ cho yên tĩnh.

Đến khi cù lao Hòn Khô trở thành điểm du lịch biển, vào mùa hè du khách tấp nập, trong khi đây là mùa sinh nở của rùa biển, thế là lũ rùa lại “di tản” bãi đẻ ra một bãi bồi vắng vẻ trên cù lao. Thế nhưng bãi bồi trên cù lao Hòn Khô thường xuyên bị thủy triều uy hiếp, những ổ trứng rùa cũng không ngoại lệ.

Rùa biển lên đẻ tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: A.T.

Rùa biển lên đẻ tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: A.T.

“Trứng rùa biển phải gần 2 tháng mới nở con, trong thời gian này bãi bồi ở cù lao Hòn Khô mấy lần bị thủy triều cuốn cát ra biển, trong khi những ổ trứng được rùa mẹ đào lấp sâu trong cát để tránh sự xâm phạm của con người, nên phần nhiều bị “mất tích” trong lòng biển, tỷ lệ rùa nở trong mỗi mùa sinh sản rất ít. Năm 2021, dịch Covid-19 làm “tê liệt” mọi hoạt động của con người, những bãi cát ở xã Nhơn Hải không còn là nơi tụ tập hóng mát của người dân mỗi đêm, sự vắng vẻ của những bãi cát lại dẫn dụ lũ rùa biển quay lại làm bãi đẻ”, anh Sáng nói.

Năm 2021, có 5 lượt rùa xanh lên bãi biển trước thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải) đẻ được 476 quả trứng. Toàn bộ số trứng này được Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải bảo vệ rồi đưa về nơi không bị thủy triều uy hiếp. 3 ổ trứng trong đó đã nở, 2 ổ kia bị hư hỏng do triều cường ngập. Ổ trứng đầu tiên nở được 53 con, tỷ lệ nở đạt 54%, 2 ổ trứng sau rùa tự nở và bò xuống biển đi trong đêm nên không xác định được số lượng.

Điều đáng buồn là sang năm 2022, rùa tiếp tục bò lên bãi biển Nhơn Hải để tìm chỗ đẻ, nhưng lúc này đã hết dịch Covid-19, mọi hoạt động của con người đã trở lại bình thường, những bãi cát không còn vắng vẻ nên chúng không đẻ mà quay về biển. Rùa biển đang mất dần chỗ đẻ.

Rùa biển đào cát làm ổ đẻ để bảo vệ trứng. Ảnh: A.T.

Rùa biển đào cát làm ổ đẻ để bảo vệ trứng. Ảnh: A.T.

Đã đến lúc chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phải nghĩ đến chuyện song song với phát triển kinh tế và du lịch cần phải quy hoạch, bảo tồn bãi đẻ tự nhiên của rùa biển. Trên cả nước hiện nay, ngoài những bãi đẻ của rùa biển ở Côn Đảo và Bà Rịa - Vũng Tàu thì xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) được ghi nhận là nơi được rùa biển chọn để duy trì nòi giống quý hiếm của mình.

Bảo vệ rùa biển lan tỏa cộng đồng

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tỉnh có chiều dài bờ biển 134km với những bãi cát tít tắp, trước năm 1980, nhiều bãi cát được rùa biển chọn làm bãi đẻ. Thế nhưng hiện nay, chỉ có cù lao Hòn Khô và bãi cát ở thôn Hải Giang cùng ở xã Nhơn Hải là rùa biển chọn làm “nhà hộ sinh” vào những mùa sinh nở. Nguyên nhân được cho là vùng biển ven bờ ở đây được bao phủ bởi san hô và thảm cỏ biển, nên là nơi sinh cư của đồi mồi và rùa xanh.

Năm 2007, ngành thủy sản Bình Định được sự tư vấn của bà Gail Berbie, tình nguyện viên thuộc tổ chức VSA (New Zealand), thực hiện khảo sát bãi đẻ của rùa biển tại xã Nhơn Hải. Kết quả đợt khảo sát vào tháng 8 năm ấy đã phát hiện được một bãi đẻ của rùa tại Hòn Khô.

Rùa biển đào cát làm ổ đẻ để bảo vệ trứng. Ảnh: A.T.

Rùa biển đào cát làm ổ đẻ để bảo vệ trứng. Ảnh: A.T.

Theo xác định của các nhà chuyên môn, rùa biển lên đẻ tại Nhơn Hải là rùa xanh, có tên khoa học là Chelonia mydas (Green turtle), tên địa phương là đú, vích. Tiếp đến, vào năm 2010, ngành thủy sản Bình Định tiếp tục phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai đợt khảo sát mới tại 4 huyện ven biển, kết quả cho thấy hiện nay chỉ còn bãi Hòn Khô và bãi Hải Giang thuộc xã Nhơn Hải là còn rùa biển lên đẻ. Riêng bãi ở Hòn Khô mỗi năm rùa biển đẻ từ 3 - 5 ổ trứng, bãi Hải Giang mỗi năm từ 5 - 8 ổ trứng.

Từ đó, để bảo tồn rùa biển, ngành thủy sản Bình Định đã phối hợp với IUCN vận động ngư dân địa phương bảo vệ, giữ gìn bãi đẻ của rùa biển. Ngoài ra, ngành thủy sản Bình Định còn thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn xoay quanh nội dung về bảo tồn rùa biển cho cán bộ, ngư dân các địa phương ven biển, người kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thủy sản, các doanh nghiệp có liên quan…

Những con rùa con nở ra được chăm chút rất kỹ. Ảnh: A.T.

Những con rùa con nở được chăm chút rất kỹ. Ảnh: A.T.

Nỗ lực của ngành chức năng, của chính quyền địa phương và của các ngành liên quan đã lay động được lòng dân. Không chỉ người dân ven biển được nâng cao ý thức bảo vệ rùa biển bằng cách không còn bắt rùa để bán như trước đây; họ còn biết bảo vệ những ổ trứng rùa, không còn lấy trứng về nhà luộc ăn hoặc bán, mà mỗi khi phát hiện ổ trứng liền báo cáo ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương để bảo vệ. Thậm chí, nhiều người dân gặp rùa biển được bán ở các chợ quê liền bỏ tiền ra mua rồi giao nộp cho ngành chức năng.

Nỗ lực đó còn lay động đến cả những doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đơn cử như Avani Quy Nhon Resort và Anantara Quy Nhơn Villas, thành viên Tập đoàn Khách sạn Minor (Thái Lan) nổi tiếng. Theo đánh giá của ông Erik BillGren, Giám đốc Avani Quy Nhon Resort và Anantara Quy Nhơn Villas, Bình Định là một trong những địa phương ở Việt Nam đi đầu trong việc bảo tồn rùa biển dựa vào cộng đồng. Hoạt động bảo tồn rùa biển của Bình Định phù hợp với tôn chỉ của tập đoàn là giữ gìn các giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Khu vực bãi đẻ của rùa biển ở xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: A.T.

Khu vực bãi đẻ của rùa biển ở xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: A.T.

Ông Erik BillGren chia sẻ, khi biết ở xã Nhơn Hải có rùa biển lên bãi cát đẻ trứng, đơn vị đã chủ động nhờ IUCN kết nối với Chi cục Thủy sản Bình Định để phối hợp, hỗ trợ tham gia một số việc như làm sạch bãi biển, nhặt rác ở đáy biển tại khu vực bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sống của rùa biển.

“Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ một phần kinh phí giúp tổ chức cộng đồng ở xã Nhơn Hải thực hiện đồng quản lý bảo vệ môi trường và bãi đẻ rùa biển tại địa phương. Nếu sau này tần suất rùa lên bãi biển ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải đẻ trứng thường xuyên hơn, chúng tôi sẽ nghiên cứu hỗ trợ để xây dựng khu vực ấp trứng rùa biển nhằm đảm bảo tỷ lệ trứng rùa nở thành công cao hơn”, ông Erik BillGren cho hay.

Rùa cái trưởng thành sau từ 35 - 50 năm sẽ bơi hơn 600 dặm về bãi biển nơi chúng được sinh ra để làm ổ sinh sản khoảng 3 năm 1 lần. Rùa biển lên bãi đẻ về đêm, bởi chúng rất nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Chúng đào nhiều ổ nhưng chỉ đẻ trong một ổ, các ổ còn lại chỉ để ngụy trang. Việt Nam hiện còn 5 loài rùa biển được đưa vào trong Sách đỏ, gồm rùa da, rùa xanh, đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Việt Nam - Nhật Bản tăng cường kết nối chuỗi cung ứng nông sản

Ngày 22/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…