Thực dân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm tại Điện Biên Phủ thành một pháo đài kiên cố bất khả xâm phạm, để từ đó khống chế toàn bộ bán đảo Đông Dương.
Điện Biên Phủ nằm lọt giữa một vùng núi non trùng điệp, đây còn là một cái bẫy mà Pháp giăng ra nhằm thu hút toàn bộ quân chủ lực của ta vào đó để tiêu diệt. Nhưng họ không thể ngờ rằng người Việt Nam đã biết dựa vào núi rừng để tiêu diệt chúng: “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”...
Xã Thượng Bằng La nằm dưới chân đèo Lũng Lô (Văn Chấn, Yên Bái) cách bến phà Âu Lâu hơn 70 cây số có vị trí đặc biệt quan trọng trong Ciến dịch Điện Biên Phủ. Đây là điểm dừng chân của các đơn vị bộ đội, dân công, nơi tập kết quân lương, quân trang trước khi vượt đèo.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Bằng La, tháng 11/1953 nhân dân xã Thượng Bằng La đã đón trên 5.000 bộ đội, dân công từ khắp nơi về mở đường 13 qua đèo Lũng Lô. Để ngăn chặn sự tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ trên tuyến đường từ bến phà Âu Lâu tới đèo Lũng Lô hơn 200 ngày đêm không ngày nào ngớt tiếng bom nổ, giặc Pháp đã trút xuống đây 11.778 quả bom các loại. Đoạn đường qua khe Thắm và đồng Mỏ dài 3 km nhưng phải vượt qua 3 con suối lớn và sình lầy, nhân dân xã Thượng Bằng La đã chặt hàng chục ngàn cây gỗ và tre nứa, nhiều gia đình góp cả cột nhà để lót đường, bắc cầu cho xe vượt qua. Ngoài ra, xã còn tổ chức 3 đại đội dân quân, mỗi đại đội có từ 85-140 người túc trực suốt ngày đêm để san lấp mặt đường bị bom đạn cày xới.
Thượng Bằng La còn có hang Thẩm Thoóng, nơi cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm đồng thời là nơi dừng chân an toàn qua đêm cho nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội. Trên đường lên Điện Biên Phủ đánh giặc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghỉ đêm tại đây.
Hang Thẩm Thoóng nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghỉ khi trên đường lên Điện Biên Phủ chỉ huy đánh giặc Pháp
Tháng 5/1959, trên đường lên thăm Điện Biên Phủ, Đại tướng ghé thăm Thượng Bằng La, thăm lại đồng bào từng giúp đỡ bộ đội suốt những ngày chiến dịch. Ngày 4/10/2013, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, nhiều cán bộ lão thành cách mạng ở Thượng Bằng La tới hang Thẩm Thoóng thắp hương tưởng nhớ vị Đại tướng lừng danh của dân tộc. |
Hang Thẩm Thoóng chỉ cách đường 13 gần 1 km, theo mô tả của người dân, cách nay 60 năm con đường vào hang chỉ là đường mòn, nằm ẩn mình dưới tán rừng xanh đen. Hang nằm trên sườn núi, cửa hang chỉ cao hơn mặt đường khoảng 6-7 m nhìn ra con suối nhỏ và thung lũng hẹp, vòm hang rộng khá thoáng đãng. Trong những ngày bom đạn của giặc Pháp thả xuống tuyến đường suốt đêm ngày thì hang Thẩm Thoóng là nơi trú ẩn an toàn cho những đoàn quân lên Điện Biên đánh giặc.
Giữa lưng đèo Lũng Lô còn có một hang đá rộng, đây là nơi tập kết quân trang và cứu chữa thương binh từ mặt trận chuyển về, người dân gọi là hang Thương Binh.
Cách nay mấy năm tôi theo anh Hoàng Trung Nông, cán bộ nông nghiệp xã Thượng Bằng La, vào hang Thương Binh, do đã lâu không ai qua lại nên cây cối mọc um tùm, hang sâu hun hút tối om. Một số thương binh do bị thương quá nặng đã trút hơi thở cuối cùng tại hang này.
Anh Nông cho biết: Theo phản ánh của bà con thì có một số ngôi mộ chôn các chiến sĩ Điện Biên Phủ tại đây chưa được quy tập... Cây cối rậm rạp chúng tôi không biết những ngôi mộ đó ở đâu. Nay trở lại đèo Lũng Lô, đường xuống hang Thương Binh cây cỏ lút đầy, khiến tôi không thể nhận ra hang nằm chỗ nào. Nhưng điều khiến tôi vô cùng day dứt, đó là những ngôi mộ đã được các cơ quan có trách nhiệm quy tập chưa, hay vẫn còn đó?
Lần theo lời kể của cụ Hà Thị Nom, tôi tìm đến xã Mường Cơi, hỏi một số người dân sống dưới chân đèo Lũng Lô về kho vũ khí đặt trong hang núi, người thì bảo kho vũ khí đặt ở Mường Thải, người thì bảo đặt gần đỉnh đèo phía Mường Cơi gần trại nuôi bò bây giờ.
Tôi hỏi Lường Văn Liềng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tường Phù, anh là người sinh ra và lớn lên ở Phù Yên, ngẩn người một lát anh bảo: Tôi chỉ biết ở Phù Yên có Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứ chưa nghe nói có kho vũ khí ở Mường Cơi, chỉ nghe nói ở Mường Thải thời gian chống Pháp có Công trường 30, đó là xưởng sửa chữa quân khí của bộ đội, sau này là công trường 06 (trại cai nghiện ma tuý)...
Thầy giáo Lường Văn Liềng (thứ nhất bên trái) giới thiệu Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đèo Nhọt
La cà ở ngã ba Mường Cơi, tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Bình vốn là cựu quân nhân, anh cười bảo: Mường Cơi có một cái hang lớn, thời đánh trận Điện Biên Phủ bộ đội dùng làm kho vũ khí, có cửa sắt hẳn hoi. Trước đây tôi thường vào đấy lấy phân dơi, lâu rồi tôi không lên đó nữa vì sức đã yếu. Hang nằm trên đất thôn Tường Hợp, hôm nay trời nắng có thể lên đấy được...
Anh Bình dẫn tôi đi xem hang núi nơi cách nay 60 năm bộ đội dùng chứa vũ khí, tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Đua vốn là bạn học thời sinh viên sư phạm, chị đã bỏ nghề về làm ruộng, hiện đang sống tại thôn Tường Hợp. Chị bảo: Hang nằm ở phía sau nhà em, nhưng ở đây đã mấy chục năm em chưa lên đó bao giờ. Bây giờ các anh muốn lên đấy thì em dẫn đi...
Chúng tôi theo chị Đua lên hang núi, đường lên hang phải vượt một cái dốc cao dựng đứng. Cửa hang chỉ đủ hai người tránh nhau, nhưng trong hang thì rất rộng và tối om om. Hang có một ngách đâm thẳng lên trời, ngách phía tay trái sâu hun hút, tại đó người ta xây một cái cửa rộng hơn một mét, cao hơn 2 m, trên trụ tường còn thấy mấy cái bản lề sắt chôn ngập trong tường.
Rừng trên đèo Nhọt (Phù Yên, Sơn La)
Anh Bình chỉ vào đó bảo tôi: Cửa hang này trước đây tôi thấy có cánh cửa sắt rất nặng, chắc người ta phá ra để bán sắt vụn... Anh Bình nhiều lần vào hang lấy phân dơi bón cho cây, hang rất sâu dài cả cây số. Trong đó rất tối, đèn pin soi vào nom như con đom đóm, người ta phải dùng đèn đất để soi đường. Anh nhiều lần nghe nói có người nhặt được vũ khí còn sót lại trong hang đã han gỉ. Đứng ở cửa hang một lúc mà tôi thấy lạnh toát rùng cả mình, thế mà cách nay 60 năm hang núi này trở thành kho chứa vũ khí an toàn, giặc không thể nào phát hiện ra được, dẫu có phát hiện thì chúng thả hàng trăm tấn bom cũng không thể làm sập được hang.
Anh Lường Văn Liềng dẫn tôi lên thăm Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách thị trấn Phù Yên 18 km, rừng nằm trên đèo Nhọt dài 3 km. Đây là cánh rừng rậm rạp có rất nhiều cây lớn vài người ôm mới kín gốc. Đang là mùa hoa bạc má, hoa nở vàng khắp cánh rừng.
Liềng bảo tôi: Năm 1975, khi tôi mới ra trường lên Bắc Yên dạy học, đường lên đèo Nhọt cây rừng che kín trên cao không thể nhìn thấy. Bởi thế mà máy bay giặc Pháp ném bom không trúng con đường, bom ném lung tung khắp cánh rừng, phía dưới bộ đội và xe pháo vẫn hành quân lên mặt trận.
Trên đường lên Điện Biên Phủ đánh giặc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghỉ đêm tại cánh rừng này. Người dân gọi là Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể từ năm 1954 đến nay nhân dân ở đây không ai xâm phạm tới cánh rừng. Đối với họ, cánh rừng vô cùng thiêng liêng. Câu thơ của Tố Hữu bất chợt hiện lên trong tâm trí tôi “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù...”
Tác giả và ông Nguyễn Văn Bình trước cửa hang nơi cất giấu vũ khí
Sau 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nay tôi mới đặt chân tới nơi này, giờ thì tôi đã hiểu ý nghĩa của câu thơ đó. Rừng núi đã góp phần không nhỏ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là điều mà giặc Pháp không thể ngờ tới.