| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên Phủ - Âm vang thế kỷ

Chuyện về hai người lính pháo binh

Thứ Năm 17/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Cả 2 người cựu chiến binh ấy đều có những kỷ niệm không thể phai nhòa khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thật khó hình dung nổi ông Lương Phương Tâm, hiện đang cư trú tại thôn 4, xã Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) lại là cựu quân nhân từng hai lần nhập ngũ, hai lần khoác áo lính pháo binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ nếu cuối tháng 2/2014 tôi không ghé thăm nhà ông bởi cái chuyện thẻ BHYT.

Chuyện rằng sau Tết Giáp Ngọ 2014 trời lạnh lắm, ông phải vào viện điều trị một số bệnh tuổi già và những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ. Nhà ông ở tít trong hẻm đồi, con đường nhầy nhụa bùn đất như đi vào trong rừng mỗi khi mưa xuống. Vừa mới ra viện, nên ông phải chống gậy, đầu đội mũ len đôi chân run rẩy từng bước chậm chạp. Hỏi ra mới hay ông sinh năm 1934, năm 1952 khi mới 18 tuổi ông đã xung phong vào bộ đội được biên chế vào đơn vị có phiên hiệu C78, D387, F308, đó là đơn vị lính pháo cao xạ 12 ly 7 và 12 ly 8 làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh.

21-03-59_1
Ông Lương Phương Tâm, người tham gia Chiến dịch Điên Biên Phủ

Con đường hành quân tới Điện Biên Phủ hiện lên trong ký ức ông là những đêm dài lạnh giá trong những cánh rừng sâu thăm thẳm muỗi nhiều như ong, đoàn quân đi từ cuối sông Lô vượt qua bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô... dưới những làn bom đạn qua những địa danh sau 60 năm ông không thể nào nhớ hết.

Đêm đi ngày nghỉ, hơn một tháng trời thì tới ngã ba Cò Nòi (Sơn La), tại đây đơn vị của ông được trang bị 8 khẩu pháo, gồm 4 khẩu 12 ly 7 và 4 khẩu 12 ly 8 bắn máy bay tầm thấp, bảo vệ dân công và pháo cao xạ tầm cao. Để đưa pháo vào mặt trận, họ phải tháo rời từng bộ phận, người vác người khiêng tiếp tục vượt núi băng đèo.

Đơn vị pháo đóng trên sườn núi nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh luôn phải cơ động để bảo vệ trận địa pháo tầm cao trước từng đoàn máy bay ném bom quần thảo suốt đêm ngày. Là y tá mặt trận ông phải bám sát trận địa, bám sát từng khẩu pháo, kể từ ngày 13/3/1954 khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh vào cứ điểm Him Lam thì không ngày nào ông không cứu chữa thương binh. Máy bay trút bom như vãi trấu xuống trận địa, nhằm cắt đứt các con đường lên Điện Biên, băm nát các trận địa pháo của ta.

Tôi hỏi ông, trận bom nào khiến ông nhớ nhất? Im lặng một lúc lâu, đôi mắt ông nhìn đăm đắm ra ngoài trời như thể nhớ lại những ngày tháng máu lửa đã lùi vào quá khứ cách nay 60 năm. Ông chậm rãi kể, đôi mắt ông ngấn lệ: Đó là trận bom ném xuống trận địa pháo của chúng tôi, tham gia trận ném bom đó tôi không biết có bao nhiêu máy bay, nhưng mặt đất thì rung lên như đưa võng, đất đá bắn tung toé mù trời. Đơn vị pháo của chúng tôi có một số người hy sinh, trong đó có đại đội phó tên là Bàng cùng anh Thỉnh trong tổ thông tin bị trúng bom hy sinh tại chỗ, còn anh Dũng - khẩu đội trưởng pháo 12 ly 7 thì bị thương nặng. Tôi sơ cứu vết thương cho anh rồi cõng xuống chân đồi, máu của anh Dũng thấm ướt vai và lưng áo tôi. Các anh ấy khi đó cũng chỉ hai mươi tuổi thôi anh ạ...

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lương Phương Tâm cùng đơn vị trở về Phú Thọ tiến về đồng bằng đánh các trận Cầu Lồ, Đồi Ngô, Mỏ Thổ thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm 1960, ông phục viên đến năm 1965 thì lại tái ngũ được biên chế vào tiểu đoàn 118 Quân khu Việt Bắc bảo vệ Z1, sau khi miền Nam giải phóng, năm 1977 thì ông xuất ngũ, trở về với ruộng đồng làm người nông dân như trước ngày ông ra đi đánh giặc.

Tổng cộng hai lần mặc áo lính, ông có 20 năm phục vụ trong quân đội, được thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến, nay trở về già ốm đau bệnh tật mà cái thẻ BHYT cũng không có. Hỏi ra mới biết, trước kia Hội Cựu chiến binh lập danh sách cấp thẻ BHYT cho ông, từ 2014 thì người ta chuyển ông sang danh sách người có công. Tôi sang Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái, rồi xuống tận xã Đại Đồng, lên gặp một số người có trách nhiệm của huyện Yên Bình để hỏi vì sao cái thẻ bảo hiểm của ông Tâm lại chậm trễ như vậy? Bà Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, sau 5-6 cuộc điện thoại tới những người dưới quyền mới quay lại bảo tôi: Chiều nay (21/3) họ sẽ chuyển thẻ BHYT cho ông Tâm anh ạ... Tôi xin hỏi những người có trách nhiệm của huyện Yên Bình: Con đường đi của cái thẻ BHYT có bằng con đường 20 năm chiến tranh mà ông Tâm đã đi qua?

Người lính pháo binh thứ hai mà tôi gặp là ông Vũ Ngọc Cáp, hiện cư trú tại tổ 27 phường Yên Thịnh, TP. Yên Bái. Ông Cáp sinh năm 1932, tháng 10/1949 ông xung phong vào Vệ Quốc Đoàn, khi mới 17 tuổi. Trước khi sang Trung Quốc học làm pháo thủ, ông tham gia nhiều trận chống càn.

21-03-59_2
Ông Vũ Ngọc Cáp kể lại việc quay nòng pháo bắn máy bay địch

21-03-59_4
Người cựu binh đánh trận Điện Biên Phủ với cuộc sống đời thường

Ông Vũ Ngọc Cáp trở nên hoạt bát và kể say mê chuyện đánh giặc ở Chiến trường Điện Biên Phủ như trở lại cái thời trai trẻ khiến tôi không thể hình tin rằng năm nay ông đã 82 tuổi. Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ông được chọn trong số những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa.

Ông kể: Tôi quê xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, ngày ấy vũ khí thiếu thốn nên phải dùng chiến thuật độn thổ, phục kích địch mà đánh. Chúng tôi đào đất trên con đường giặc đi càn, người nọ lấp đất cho người kia nằm đợi khi giặc lọt hết vào trận địa rồi mới vùng dậy đánh tập hậu từ sau lưng lại và từ giữa ra khiến chúng trở tay không kịp.

Cuối tháng 4/1952 tôi bị thương trong trận chống càn, rút kinh nghiệm các lần bị ta phục kích, trước khi đi càn chúng bắn pháo từ trong đồn ra dọc con đường theo kiểu trần lươn. Trận đó chúng tôi bị thương vong khá nhiều phải rút lui, tôi bị thương ở đỉnh đầu phải nằm viện mấy tháng. Tháng 7/1952 sau khi ra viện tôi được cử sang Trung Quốc đào tạo làm lính pháo binh, cuối năm 1953 về nước, được biên chế vào Trung đoàn 367 pháo cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hành quân lên mặt trận, tới ngã ba Cò Nòi thì chúng tôi được nhận vũ khí, tôi được cử làm tiểu đội phó phụ trách tiểu đội pháo 12 người. Đơn vị pháo đóng trên sườn núi phía Bắc sân bay Mường Thanh. Từ chỗ chúng tôi đóng quân xuống sông Nậm Rốm lấy nước chỉ mất khoảng 20 phút.

Cánh đồng Mường Thanh nằm vây bọc giữa những dãy núi, trận địa của chúng tôi đặt trên sườn núi nên khống chế được đường bay của máy bay từ sân bay Mường Thanh lên và xuống. Con đường tiếp vận cho chiến trường Điện Biên của Pháp khi đó chủ yếu bằng máy bay, đợi khi máy bay chúc xuống thì chúng tôi mới nổ súng. Cả một lưới lửa vây bọc từng chiếc máy bay nên chúng khó mà thoát được.

Tôi còn nhớ đơn vị pháo binh của chúng tôi bắn trúng chiếc máy bay vận tải B25, chúng tôi gọi là máy bay hai mình chuyên tiếp tế lương thực và đạn dược cho các trận địa. Thật khó mà tả nổi tâm trạng của chúng tôi khi đó, chiếc máy bay bị trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt trên bầu trời giống như bó đuốc khổng lồ lao thẳng xuống mặt đất khiến mọi người sung sướng hò reo tưởng vỡ trời.

21-03-59_5
Máy bay khu trục bị bắn rơi trên cánh đồng Mường Thanh

Từ đó máy bay tiếp tế của chúng không dám xuống thấp, chúng nâng độ cao lên ba ngàn mét thả dù xuống trận địa. Phần lớn đạn dược, lương thực, thuốc men của chúng đều rơi vào trận địa của ta.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.