Những cây kơ nia cổ thụ rợp bóng mát đứng trong sân Nhà Văn hóa thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định). |
Độc đáo hơn là người dân ở địa phương này có quy ước “bất thành văn” trong việc bảo vệ, gìn giữ những cây kơ nia trăm tuổi kia, họ luôn sẵn sàng “tuyên chiến” với những lâm tặc lăm le cưa hạ những cây kơ nia cổ thụ được xem là “báu vật” của làng.
Những cây kơ nia trăm tuổi
Theo những bậc cao niên ở thôn Hòa Mỹ (xã Nhơn Phúc), hiện những cư dân ở địa phương không ai biết tuổi của hơn 20 cây kơ nia đang đứng sừng sững tại xóm Phú Mỹ, xung quanh khuôn viên Nhà Văn hóa thôn.
Tuy nhiên, theo cách nói của cụ Lê Xuân Hương, một trong những người cao niên nhất ở thôn Hòa Mỹ, thì chúng ta có thể hiểu là những cây kơ nia kia có ít nhất phải đến hơn trăm tuổi.
“Ngày xa xưa, ở thôn Hòa Mỹ này có 3 khu vực mang 3 tục danh là rừng Đình, rừng Trong và rừng Ngoài, cả 3 nơi này mọc rất nhiều cây kơ nia. Khi vừa đến tuổi biết ghi nhận sự vật xung quanh, tôi đã thấy những cây kơ nia kia đứng sừng sững ở góc làng rồi. Có nhiều cây cao hàng chục mét, thân to 2 - 3 người ôm không xuể.
Bây giờ nhìn lại thì thấy chúng chẳng lớn hơn khi tôi nhìn thấy chúng lần đầu vào thuở niên thiếu là mấy”, cụ Lê Xuân Hương nhớ lại. Theo cách nói của cụ Hương, riêng đời của cụ đã gần 100 năm, trong khi mới 5 - 6 tuổi cụ đã thấy những cây kơ nia kia đứng sừng sững, như vậy, tính đến nay chúng phải có niên đại cao đến hàng trăm năm.
“Cây kơ nia có tên khoa học là Irvingia malayana, nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á; ở Việt Nam, cây tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên. Kơ nia là cây gỗ lớn, cao từ 15 - 30m, đường kính thân từ 40 - 60cm; gốc thường có khía, bạnh vè; tán cây hình trứng, rậm rạp, màu xanh thẫm. Cây chịu hạn tốt, có nhiều rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa bão”. |
Cũng theo lời kể của cụ Lê Xuân Hương, qua bom đạn chiến tranh, những rừng cây kơ nia bị tàn phá không ít, nhiều cây cổ thụ bị cháy, rồi chết. Trước năm 1945, chính quyền không cho người dân vào khai thác, nhờ đó đã giữ được những cây kơ nia còn sống sót sau chiến tranh.
Sau đó, chính quyền cho chặt những cây kơ nia cổ thụ để làm cầu cho người dân qua lại, nên rừng kơ nia thưa dần.Trong thập niên 80 của thế kỷ XX, những khu rừng ở đây được người dân địa phương khai hoang vỡ hóa lấy đất sản xuất, kơ nia càng thêm vắng.
Càng về sau dân cư ngày càng đông đúc, làng mạc mọc lên ngày càng dày, nên những cây kơ nia còn lại tiếp tục phải “nhường đất” cho con người xây dựng chốn an cư. Đó là chưa kể đến sự tàn phá của những chiếc lưỡi cưa của lâm tặc. Do đó, những cánh rừng kơ nia ở Hòa Mỹ cứ mất dần.
“Đến bây giờ ở Hòa Mỹ chỉ còn lại hơn 20 cây kơ nia cổ thụ nằm trên địa bàn thôn Phú Mỹ, dân làng xem chúng như “báu vật”, nên suốt mấy chục năm qua toàn dân luôn ra sức gìn giữ. Người dân Hòa Mỹ có việc đi đâu xa, khi về đến đầu làng, nhìn thấy những đọt cây kơ nia hùng vĩ hướng thẳng lên nền trời là đã cảm nhận được sự ấm áp của quê nhà”, cụ Hương chia sẻ.
Gìn giữ báu vật của làng
Khi đất sản xuất và khu dân cư ở thôn Hòa Mỹ đã ổn định, tại xóm Phú Mỹ còn sót lại được hơn 20 cây cổ thụ. Hơn 20 năm nay, người dân địa phương đã dồn hết tâm lực bảo vệ những cây kơ nia này.
Những cây kơ nia cổ thụ có gốc to 1 vòng tay người ôm không hết. |
Qua những cuộc trò chuyện với người dân địa phương, chúng tôi được biết là để bảo vệ, giữ gìn những cây kơ nia còn lại, Ban nhân dân thôn Hòa Mỹ và các cụ cao niên trong làng thường xuyên nhắc nhở con cháu và người dân địa phương không được cưa cây kơ nia lấy gỗ hoặc đốt phá làm chết cây.
Các cụ to nhỏ với con cháu về lợi ích của môi trường sinh thái, lợi ích bóng mát của những cây kơ nia mang lại. Dần dần, người dân địa phương từ già đến trẻ đều ý thức rằng những cây kơ nia cổ thụ kia là biểu trưng của làng quê mình đang sinh sống nên ra sức gìn giữ.
Bên cạnh đó, một quy ước “bất thành văn” được lập ra là nếu ai làm tổn hại đến những cây kơ nia sẽ bị chính quyền thôn, xóm “bêu tên” trong các cuộc họp để kiểm điểm. Hầu hết người dân trong thôn đều tự giác chấp hành, bởi họ không muốn vi phạm quy ước của làng, cũng như e ngại làm tổn hại đến những cây kơ nia hàng trăm tuổi vô hình trung đã trở thành biểu tượng của làng.
Nhiều người dân thôn Hòa Mỹ kể lại: Trước đây, có đêm người dân cả làng kéo nhau đi phục kích, rượt đuổi những kẻ có ý định lén lút cưa trộm những cây kơ nia. “Những cây kơ nia cổ thụ luôn nằm trong tầm ngắm của nhiều người xấu.
Có người rắp tâm cưa trộm cây kơ nia để mang về chế tác thành đồ mỹ nghệ, cũng có người cưa cây mang về làm củi chụm. Thấy người làng chúng tôi làm dữ quá nên sau đó không lâm tặc nào dám bén mảng, mấy chục cây kơ nia còn sót lại ở rừng Đình mới yên thân tới giờ”, ông Văn Đình Bính, trưởng thôn Hòa Mỹ, kể.
Việc bảo vệ, gìn giữ những cây kơ nia được thể hiện rất rõ khi chính quyền địa phương quyết định xây dựng Nhà Văn hóa thôn Hòa Mỹ vào 2 năm trước. Khi xây dựng nhà văn hóa thôn, cả làng Hòa Mỹ cùng đồng thuận ra “nghị quyết” là kiên quyết không đụng vào bất kỳ cây kơ nia nào. Chỉ là nhà văn hóa của một thôn nhưng có khuôn viên rộng đến 10.000m2 và tường rào vây quanh, chủ yếu là để bảo vệ những cây kơ nia.
Chỉ là nhà văn hóa của 1 thôn nhưng có khuôn viên rộng đến 10.000m2 và tường rào vây quanh, chủ yếu là để bảo vệ những cây kơ nia. |
“Hồi làm cái sân thể thao trong khuôn viên nhà văn hóa thôn, nếu muốn có mặt sân vuông vức, đẹp mắt thì buộc phải “hi sinh” 3 cây kơ nia. Bàn qua tính lại, cuối cùng cả làng biểu quyết phải giữ bằng được những cây kơ nia mà hàng trăm năm qua bao đời người Hòa Mỹ giữ gìn, chấp nhận cái sân thể thao méo mó một chút”, ông Văn Đình Bính không khỏi tự hào khi kể lại chuyện cũ.
Ông Dương Thanh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết: “UBND xã khuyến khích việc Ban nhân dân thôn và người dân thôn Hòa Mỹ lập quy tắc giữ gìn, bảo vệ vườn kơ nia trăm năm tuổi tại địa phương. Đây là việc làm cần thiết, đáng nhân rộng để bảo vệ rừng kơ nia nói riêng; bảo vệ hệ thống cây xanh, lá phổi của thiên nhiên nói chung, góp phần giữ môi trường sống xanh mát, trong lành”.
Ông Đào Xuân Huy, Phó chủ tịch UBND TX An Nhơn (Bình Định), tâm tư: “Không riêng gì người dân thôn Hòa Mỹ, mà cả người dân thị xã cũng thấy tự hào lây vì trên quê hương có một vườn cây kơ nia cổ thụ độc đáo, vô giá được người dân toàn tâm toàn lực gìn giữ bao đời như vậy”. |
Có một điều không thể không ghi nhận là ngay cả trên đất Tây Nguyên, “quê hương” của kơ nia, thì hiện loài cây này còn lại rất ít, thi thoảng mới thấy một cây còn sót lại đứng giữa buôn làng trông rất đơn độc. Trong khi đó, giữa vùng quê thuần nông mà còn có cả hơn 20 cây kơ nia cổ thụ mọc đông đặc như ở Hòa Mỹ quả là “của hiếm”.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cây kơ nia mang ý nghĩa tâm linh; họ coi cây là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất. Ngoài ra, cây kơ nia có tác dụng làm thuốc chữa no hơi, đầy bụng, trừ sốt rét rừng, chói nước; vỏ cây dùng làm thuốc cho phụ nữ mới sinh giúp bổ huyết.
“Ông cha chúng tôi đã gìn giữ, bảo vệ vườn kơ nia này thì đến đời chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi và con cháu của mình, cả làng này ai ai cũng thấy mình có trách nhiệm, đều chung ý thức phải bảo vệ và chăm sóc cho những cây kơ nia được xem là báu vật của làng”, ông Trần Đình Trực, người dân ở gần nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ, bộc bạch.