| Hotline: 0983.970.780

Rừng ngập mặn Đồng Rui đủ điều kiện trở thành khu Ramsar

Thứ Tư 24/03/2021 , 16:36 (GMT+7)

Rừng ngập mặn Đồng Rui tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh đang phấn đấu để được công nhận thành khu Ramsar cho vùng đất ngập nước.

Rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao. Ảnh: Hoàng Nga.

Rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao. Ảnh: Hoàng Nga.

Hệ sinh thái ngập nước đặc hữu

Rừng ngập mặn ở Quảng Ninh được đánh giá là một trong những khu vực còn giữ nguyên tính đa dạng sinh học, có hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tính độc đáo về địa hình, địa mạo tại một số cánh rừng ngập mặn ở địa phương này khác biệt hẳn với các vùng rừng ngập mặn khác tại Việt Nam.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, bờ biển khu vực rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thuộc kiểu bờ Đanmat. Được hình thành do quá trình chia cắt, kiến tạo của vùng núi có uốn nếp, sau đó bị biển làm ngập trong thời gian biển tiến kỷ băng hà lần cuối cùng.

Đường bờ phía Bắc, từ Mũi Chùa đến hết xã Hải Lạng (giáp QL18) có hướng song song với đường vĩ tuyến, gần vuông góc với QL18; đường bờ phía Tây, đúng hướng Bắc - Nam của kinh tuyến tạo nên góc vuông.

Ngoài rừng ngập mặn là hệ sinh thái chính, khu đất ngập nước Đồng Rui cũng được xác định có đến 7 hệ sinh thái, bao gồm: Hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái đầm nuôi, hệ sinh thái hồ ao, hệ sinh thái nông nghiệp (ruộng lúa, hoa mầu), hệ sinh thái khu dân cư. Đây cũng là khu vực được xác định có mức độ đa dạng loài cao và nhiều loài có giá trị kinh tế cũng như giá trị trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh) cho hay: Việc sớm được công nhận là khu Ramsar trong thời gian tới sẽ giúp nâng cao vị thế của vùng đất ngập nước Đồng Rui nói chung và rừng ngập mặn Đồng Rui nói riêng đối với các quốc gia trên thế giới. Từ đó, có những biện pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển tài nguyên sinh vật của vùng

Với các tính chất đặc thù, khu vực Đồng Rui được đánh giá là có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar. Từ đó, tỉnh Quảng Ninh chủ động có những biện pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển tài nguyên sinh vật của vùng đất ngập nước Đồng Rui.

Công ước Ramsar là công ước liên chính phủ được ký vào ngày 2/2/1971 ở TP Ramsar (Iran), có hiệu lực từ năm 1975 với mục đích khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn khéo hay bền vững các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Ramsar có tất cả 9 tiêu chí để công nhận, được chia thành hai nhóm tiêu chí chính, bao gồm: Sự độc đáo và hiếm có của vùng đất ngập nước; tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nhấn mạnh đến cá và chim nước sống trong khu rừng ngập mặn.

Khôi phục, quản lý, bảo vệ chặt chẽ

Để giữ gìn và bảo vệ được rừng ngập mặn Đồng Rui, xác định chúng có vai trò lớn trong tạo kế sinh nhai cho người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm của huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã đã phối hợp với các tổ chức Quốc tế trồng thêm được 300ha rừng ngập mặn tại các bãi triều. Hiện, toàn xã Đồng Rui đã có trên 1.800ha rừng ngập mặn. Từ khi được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, rừng cây xanh tốt, kéo theo đó nguồn lợi hải sản ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nhiều hộ dân ở đây có thu nhập ổn định bằng nghề đánh bắt hải sản dưới cánh rừng ngập mặn.

Rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đang được bảo vệ tốt. Ảnh: Anh Thắng.

Rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đang được bảo vệ tốt. Ảnh: Anh Thắng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Bằng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên: Để quản lý bền vững diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã Đồng Rui nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung, đơn vị đã tham mưu, thu hồi diện tích bãi triều nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả sang trồng rừng. Đồng thời tiến tới sẽ thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên (khu Ramsar) nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng ngập mặn, hệ sinh thái, cảnh quan.

Tiến hành trồng rừng ngập mặn trên diện tích đất trống. Trong thu hút đầu tư, ưu tiên các ngành nghề, dự án thân thiện với môi trường. Sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, các tổ chức phi chính phủ cùng với sự chung tay bảo vệ của người dân đang giúp hồi sinh mạnh mẽ những cánh rừng ngập mặn, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Ông Phạm Văn Chiêu, thôn 4, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên chia sẻ: Cách đây hơn 20 năm, các hoạt động đào đất, đắp đầm nuôi tôm ở khu vực rừng ngập mặn tại xã diễn ra rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động này cũng không mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều chủ đầu tư bỏ dở việc nuôi trồng thủy sản. Việc tàn phá, xâm hại rừng ngập mặn đã ảnh hướng rất lớn đến hệ sinh thái, các vùng bãi biển trở nên nghèo kiệt, không có nơi trú ngụ cho thủy hải sản.

Bài học thực tế về những tác động tiêu cực khi rừng ngập mặn bị tán phá đã khiến người dân và chính quyền địa phương trong tỉnh Quảng Ninh bắt tay vào việc trồng rừng ngập mặn. Đến nay, những cách rừng xanh tốt trở lại, các loài thủy sản cũng dồi dào. Nhiều hộ gia đình nhờ vào việc khai thác thủy hải sản dưới tán rừng ngập mặn đã thoát nghèo.

Huyện Tiên Yên hiện có khoảng 3.900ha rừng ngập mặn, trong đó Đồng Rui có trên 1.800ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên của xã. Phần lớn, người dân nơi đây làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống nhân dân.

Cùng với Tiên Yên, các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn... cũng có rừng ngập mặn đang được khoanh vùng và bảo vệ nghiêm ngặt theo Quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Các địa phương đều hạn chế việc chuyển đổi diện tích bãi triều, mặt nước để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản làm suy thoái rừng ngập mặn.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.