| Hotline: 0983.970.780

“Rừng nhiệt đới của biển” sắp biến mất

Thứ Năm 21/04/2022 , 11:56 (GMT+7)

Phần lớn các rạn san hô trên Trái đất có thể bị chết trong vòng ba thập kỷ tới, trừ khi nhân loại có hành động nhanh chóng để cắt giảm lượng khí thải.

Các tình nguyện viên phục hồi một rạn san hô ở biển Boneo. Ảnh: ERN

Các tình nguyện viên phục hồi một rạn san hô ở biển Boneo. Ảnh: ERN

Báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Leicester (Anh) đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng rằng, có thể đã quá muộn để cứu lấy hệ sinh thái quan trọng này, nơi sinh sống của hàng nghìn loài sinh vật biển. Điều này cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn cho khoảng nửa tỷ người đang sống phụ thuộc vào các rạn san hô để kiếm việc làm và thu nhập.

Giáo sư Jens Zinke cho biết: “Các rạn san hô là 'con chim hoàng yến trong mỏ than' (thành ngữ nói về sự báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới) khi đề cập đến hệ san hô đang phải hứng chịu áp lực từ sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu.

Cách đây ít ngày, một nhóm các nhà khoa học môi trường quốc tế cũng đã công bố một loạt các khuyến nghị nhằm bảo tồn các rạn san hô trên thế giới, đồng thời cảnh báo 90% các loài san hô có thể biến mất trong vòng 30 năm tới.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số rạn san hô có khả năng phục hồi hoặc chống lại căng thẳng nhiệt nhanh hơn những rạn san hô khác, chủ yếu ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Caribe và khu vực phía đông châu Phi. Ông Zinke giải thích: “Đây sẽ là một hướng nghiên cứu mới để tìm ra những địa điểm này và bảo vệ trước khi chúng biến mất”.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp quốc (IPCC), loài san hô có tiềm năng cao nhất để thoát khỏi sự hủy diệt do nhiệt độ tăng đột biến của đại dương nằm dọc theo bờ biển phía bắc của Cuba. Ngoài ra một số địa điểm khác nằm xung quanh quần đảo Bahamas, Cộng hòa Dominica, Guadeloupe, Haiti, miền đông Jamaica và bang Florida của Mỹ.

Các nhà khoa học cho rằng, thậm chí ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giữ trong khoảng 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp, khoảng 90% các rạn san hô trên Trái đất có thể biến mất trong vòng ba thập kỷ tới.

Tại sao các rạn san hô lại là một hệ sinh thái quan trọng?

Các rạn san hô chính là quần thể động vật khổng lồ tiết ra canxi cacbonat (đá vôi). Ước tính thế giới có hơn 800 loài rạn san hô khác nhau, chúng tạo thành các quần thể. San hô đơn hoặc đa polyp, có cơ thể hình ống, đơn giản với một vòng các xúc tu vươn ra. Chúng có cái miệng ở giữa để lọc thức ăn và 90% dinh dưỡng của san hô đến từ loại tảo siêu nhỏ có tên "Zooxanthellae". Loại tảo này chính là thứ mang lại cho các rạn san hô có màu sắc đặc biệt sống động, từ các sắc thái xanh lục, nâu, hồng, vàng, đỏ, tím hoặc xanh lam.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các rạn san hô trên thế giới chết?

Hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ cao hơn và hiệu ứng nhà kính gây ra. Ảnh: ERN

Hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ cao hơn và hiệu ứng nhà kính gây ra. Ảnh: ERN

Những cấu trúc tuyệt vời của san hô hoạt động như những rào cản quan trọng đối với các đường bờ biển và bảo vệ những con sóng mạnh có thể làm xói mòn các bãi biển. Một khi biển nóng hơn sẽ gây ra thiệt hại về cấu trúc cho các “tòa nhà” chắn sóng phía trước đại dương, đồng thời trở thành mối nguy hiểm khi tần suất và cường độ của các cơn bão mạnh lên.

Rạn san hô còn được mệnh danh là “rừng nhiệt đới của biển”. Mặc dù chúng chỉ bao phủ chưa đầy 1% đại dương, nhưng các hệ sinh thái này là nơi sinh sống của 25% các sinh vật biển, tương đương hơn một triệu loài.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong vài năm qua các rạn san hô trên toàn cầu đã trải qua hiện tượng tẩy trắng do nhiệt độ cao và khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ra.

Khi nhiệt độ biển tăng từ 1–2 ° C trong vài tháng có thể dẫn đến hiện tượng tẩy trắng, khiến san hô có màu trắng. Việc tẩy trắng có thể dẫn đến cái chết của các khu vực rộng lớn của san hô. Bằng chứng là rạn san hô Great Barrier Reef đã bị tẩy trắng thảm khốc vào năm 2016, dẫn đến sự biến mất của gần 50% quần thể san hô tại đây.

(EuroNews)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.