Mấy năm qua, khi mà tiếng hát của suối nhỏ dần và tiếng ca của chim cũng thưa dần, thì đâu đó trong rừng nguyên sinh Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) lại rộ lên tiếng gầm rú chát chúa của cưa máy các loại, bên cạnh tiếng rìu tiếng búa cậm cạch như băm vào lòng người.
“Phá rừng theo quy trình khép kín”
Theo những nguồn tin mà chúng tôi thu thập được qua nhiều kênh khác nhau, được biết việc phá rừng đã và đang diễn ra nghiêm trọng tại địa bàn 4 xã trong huyện: Phình Sáng, Mường Mùn, Mường Thín và Nà Sáy. Tuy nhiên, vì những khó khăn về nhiều mặt mà trước hết là do địa bàn quá rộng, nên lần này chúng tôi chỉ có thể leo lên những cánh rừng nguyên sinh xã Nà Sáy, để tận mắt chứng kiến công cuộc “phá sạch” ngang nhiên diễn ra ngay trước máy ảnh của chúng tôi.
Cũng tại địa bàn xã này, cách đây hơn một năm (quý II/2008) từng xảy ra cảnh 36 hộ dân ở bản Huổi Chan 3, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ẳng), tràn sang phá nát 130ha rừng đầu nguồn thuộc tiểu khu 27, 29 và 30, để lấy đất làm nương. Căn cứ vào báo cáo của đoàn kiểm tra xã Nà Sáy, đấy là rừng tái sinh từ 7-12 năm tuổi, nhưng người dân chỉ phá trong mấy ngày là... xoá sổ như chơi.
Còn bây giờ, trong vai những người đi mua gỗ lậu chúng tôi tới bản Cáy, xã Ngối Cáy, thuê Lò Văn T. và Lò Văn Y. dẫn đường lên bản Hua Sát, xã Nà Sáy (huyện Tuần Giáo). Lên tới bản Hua Sát, chúng tôi thuê tiếp người thứ 3 là Lý A K., để K. dẫn vào khu rừng giáp ranh giữa xã Ngối Cáy với xã Nà Sáy. Sau khi thỏa thuận giá cả cho một chuyến “hoa tiêu”, Lý A K. nói một cách từng trải: “Trong đó họ phá rừng ghê lắm, mấy anh đi tìm mua gỗ thì em dẫn đường, còn những chuyện khác em không chịu trách nhiệm đâu đấy!”.
Vượt qua mấy ngọn đồi nham nhở tro than, hiện ra trước mắt chúng tôi là những con đường mòn chuyển gỗ ngoằn ngoèo và lõng bõng nước chạy sâu vào rừng. Dọc hai bên đường, lác đác những gốc đại thụ bị hạ lâu ngày chằng chịt dây leo. Có những cây không biết mấy trăm năm tuổi mà gốc to đến mức hai người đàn ông ngồi lên mặt cắt, cũng chẳng nghĩa lý gì. Bắt đầu từ đây là địa bàn xã Nà Sáy, nơi mà hàng ngày diễn ra những hoạt động đốn hạ, cưa xẻ và vận chuyển gỗ rầm rập của lâm tặc.
Ngược theo con dốc dựng đứng, chúng tôi có mặt tại một “khai trường” mà lâm tặc rút đi chưa lâu, với những gốc cây có đường kính lên tới gần một sải tay, những thân cây lớn vết cắt còn mới nguyên nằm ngổn ngang. Được vài trăm mét lại gặp một lán tạm, lại một “khai trường” la liệt vết tích tàn phá của con người. Những cây gỗ bị đốn ngã chồng lên nhau, gốc cây nhựa bầm như máu tím, ván gỗ tươi rói vứt tứ tung, mạt cưa còn thơm mùi dầu của thứ gỗ pơmu thuộc hàng quý hiếm. Cả những phiến gỗ không hiểu sao bị bỏ lại giữa rừng, mặt đã nứt nẻ và dấu vết của việc cưa xẻ đã cũ. Điều đó cho thấy việc khai thác gỗ ở khu vực này từng diễn ra trong thời gian khá dài, song dài là bao lâu thì không ai biết vì rừng xanh “kín tiếng” như bưng...
Lại tiếp tục leo dốc, xuyên qua những khu rừng ẩm ướt giữa mùa mưa Tây Bắc với mùi ngai ngái của gỗ mục. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ vừa mệt vừa đói, chúng tôi cũng đến được nơi mà hoạt động khai thác đang diễn ra như một lâm xưởng giữa rừng. Trên lối mòn trơn truội, một tốp gồm 5 thanh niên đang hì hục kéo những hộp gỗ pơmu rộng chừng nửa mét xuống khu vực tập kết tạm thời - đó là một khe suối có dòng chảy không lớn lắm, để từ đây những hộp gỗ được đưa ra dòng suối rộng hơn rồi bỏ trôi ra ngoài.
Lân la làm quen hỏi mua gỗ, chúng tôi tiếp cận một người trẻ nhất trong đoàn vận chuyển và được biết: Việc khai thác gỗ được tổ chức theo một quy trình khép kín gồm nhiều công đoạn. Khâu đốn hạ, xẻ gỗ tại rừng có bộ phận chuyên trách; khâu vận chuyển gỗ từ điểm khai thác về điểm tập kết được giao cho một đội riêng; việc tàng trữ, tiêu thụ đã có những ông chủ giao du rộng và đầy quyền uy chịu trách nhiệm. Người đốn hạ và xẻ gỗ thành hộp được trả trên dưới 1 triệu đồng/m3; người vận chuyển gỗ về điểm tập kết được trả từ 4 - 5 triệu đồng/m3 (do đây là việc vất vả và nguy hiểm nhất).
Tùy theo từng đợt, các ông chủ tập trung quân vừa khai thác vừa vận chuyển chớp nhoáng trong khoảng một tháng thì rút ra, chờ những bản hợp đồng mới. Lúc này, trong rừng chỉ còn lại vài người mà họ gọi là “ma xó” của núi. Nhóm người ấy có nhiệm vụ quần thảo dọc ngang khắp các khe núi lòng thung với mục đích tìm gỗ, rồi đánh dấu lên gốc cây như một quy ước xác lập quyền sở hữu theo tập quán dân gian của người vùng cao.
Thấy chúng tôi tần ngần nhìn những hộp gỗ pơmu rộng tới cả mét vứt ngổn ngang trong rừng, Lý A K. chừng như đoán ra điều gì, bảo: “Việc của họ kệ họ, mình đi tiếp đến những khu vực có nhiều gỗ đã xẻ rồi về”. Sau khi đưa thuốc lá mời nhóm vận chuyển mỗi người một điếu, chúng tôi chia tay họ rồi lại tiếp tục cuộc “đăng sơn” với cơ man nào nỗi niềm cùng muỗi vắt kinh hoàng. Quả đúng như lời Lý A K., nhiều cây gỗ lớn sau khi bị đốn hạ nhưng chất lượng kém hoặc do rỗng ruột, bị vứt bỏ không thương tiếc giữa rừng. Trước mắt chúng tôi là một bãi gỗ pơmu đã xẻ thành từng hộp vuông vức, đo thử bằng gang tay đa số các hộp gỗ có chiều dài khoảng hơn 2 mét, rộng chừng nửa mét và dày từ 5cm - 7cm. Hiện số gỗ này được bảo quản trên những dàn kê để chống mối mọt, chờ ngày vận chuyển ra khỏi rừng.
“Không thể khống chế được”
Ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo, cho biết: Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng không thể khống chế được tình hình. Việc lâm tặc tổ chức “theo dõi ngược” hoạt động của cơ quan chức năng để có các phương án đề phòng, gây nhiều khó khăn trong việc triển khai tập kích vào các khu vực khai thác gỗ trái phép. Nhiều lần đơn vị bất ngờ bao vây các điểm khai thác gỗ lúc 3 - 4 giờ sáng, nhưng cũng không thu được gì ngoài số gỗ mới xẻ mà chúng chưa kịp tẩu tán.
Cuộc tận diệt đại ngàn không biết chính xác bắt đầu từ bao giờ, nhưng điều chắc chắn là nó được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bưng bít, cố tình đưa ra những thông tin nguỵ tạo. So với những gì người ta viết trong “Báo cáo kết quả công tác xác minh, ngày 30/7/2009”, thì đúng là một trời một vực.
Mới đây, đầu năm 2009, phát hiện một xe tải chở gỗ lậu trên đường Mùn Chung - Tuần Giáo, lực lượng kiểm lâm yêu cầu dừng xe nhưng lái xe vẫn cố tình bỏ chạy. Tổ công tác kiên quyết đuổi theo, lái xe bèn nâng ben, đổ gỗ xuống để cản đường rồi... biến mất. Cuối năm 2008, tại địa bàn xã Nà Sáy, khi lực lượng kiểm lâm tiến hành xử lý đối tượng vi phạm về khai thác gỗ trái phép, chúng rủ nhiều người quay lại đe dọa rồi cướp đi tang vật.
Vẫn theo ông Đinh Văn Cường, có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến nạn phá rừng ở Tuần Giáo: Lực lượng kiểm lâm quá mỏng nhưng phải quản lý diện tích rừng quá lớn, trong khi phương tiện thiếu thốn dẫn đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, cứ như chúng tôi biết thì còn những nguyên nhân “nằm ngoài” những nguyên nhân mà dĩ nhiên, ngay dù có tỏ tường mười mươi ông Cường cũng tránh không nhắc tới. Trong khi nhiều năm qua và ngay cả năm nay, tỉnh Điện Biên trồng rừng không đạt chỉ tiêu kế hoạch; trong khi ai cũng nói và nói hay như gì về chuyện “rừng là lá phổi xanh” cho cuộc sống con người, vân vân và vân vân... thì rừng nguyên sinh huyện Tuần Giáo nói chung và rừng nguyên sinh xã Nà Sáy nói riêng, đã và đang được khai thác bất hợp pháp và đương nhiên phục vụ cho lợi ích bất hợp pháp của một số người chắc là cùng cánh hẩu với nhau.