| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh lưu dấu kiểm lâm: [Bài 3] Chuyện ghi ở... 'cổng trời' Mang Yang

Thứ Hai 03/06/2024 , 10:35 (GMT+7)

Ở Gia Lai có địa danh mà dân địa phương gọi là Mang Yang, nghĩa là 'cổng trời', hoặc 'đường lên trời'. Nơi đây, có những chàng 'ngự lâm' đang ngày đêm canh giữ rừng.

Giữ rừng nơi “cổng trời” 

Đợi chúng tôi ở Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (thuộc xã Hà Ra, huyện mang Yang, tỉnh Gia Lai), Vũ Bảo Linh nói: “Mấy hôm nay trời mưa to, đường khó đi lắm. Để ô tô ở đây, bọn em chạy xe máy chở các anh vào trạm”.

Quả thật là đường khó đi bởi đường trơn như vừa đổ mỡ, chỉ sơ sẩy là cả xe lẫn người sẽ lăn xuống con vực hút hút dưới kia. Hơn bảy cây số từ trụ sở Ban, phải mất trên ba mươi phút mới đến được Trạm bảo vệ rừng Huy Hoàng đóng ở thôn Kon Hoa, xã Hà Ra.

Trạm Huy Hoàng gồm 6 tiểu khu là 468, 469, 470, 471, 472 và 474, với tổng diện tích rừng trên 4.000 ha, trong đó có hơn 1.500 ha rừng trồng là thông 3 lá, còn lại là rừng tự nhiên thuộc loại rừng thường xanh.

Ông Chín, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đi tuần tra rừng cùng anh em. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Chín, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đi tuần tra rừng cùng anh em. Ảnh: Tuấn Anh.

Khác với những cánh rừng khộp ở đỉnh Cheng Leng thuộc huyện Chư Sê hay ở vùng biên giới Đức Cơ, rừng ở Mang Yang chủ yếu là rừng thường xanh với những cánh rừng gỗ lớn như sơn, dổi, thông nàng... Đứng ở đỉnh cao nhất với độ cao trên 1.100 mét so với mặt nước biển, chúng tôi có thể bao quát cả một vùng rộng lớn với trập trùng những ngọn núi cao thấp, lớn bé.

Cả Bảo Linh và Ngọc Anh đều có mặt ở những cánh rừng thuộc khu vực “cổng trời” này từ đầu năm 2014. Bảo Linh nhà ở mãi tận xã Sơn Lang thuộc huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), trước đó có 3 năm công tác ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. 10 năm làm công tác giữ rừng ở đây, anh cũng đã kịp có quá nhiều những câu chuyện vui có, mà buồn cũng có.

Có một kỷ niệm mà anh em ở Trạm Huy Hoàng, và kể cả toàn bộ cán bộ, nhân viên của Ban có lẽ không bao giờ quên. Đó là khoảng đầu tháng 8/2021, nghe người dân báo có tiếng máy cưa trong rừng ở tiểu khu 471 và 472, Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đã huy động khoảng 10 người, phối hợp với anh em ở Trạm Huy Hoàng, ngay buổi chiều xuất phát vào rừng. 8 giờ tối, khi cả đoàn vừa lội qua được con sông cạn thì trời bỗng đổ mưa to, dòng nước trên nguồn hung tợn đổ về.

Trời mưa to, anh em không thể tiếp tục mạo hiểm vượt rừng nên đành dựng lán nghỉ tạm. Đêm đó, Nay Lúp người J’rai, là nhân viên quản lý- bảo vệ rừng thuộc Ban lên cơn sốt cao, đoàn phân công một tốp mạo hiểm vượt sông để đưa Nay Lúp về, may ra còn kịp cấp cứu. Buộc dụng cụ làm phao bơi, một đầu dây buộc chặt vào gốc cây trong bờ, một đầu anh em cầm để dìu Lúp sang sông. Đến giữa dòng, do nước xiết nên Lúp tuột khỏi tay anh em, bị dòng nước dữ cuốn phăng đi.

“Mọi người đều nghĩ là sẽ không bao giờ được gặp lại đồng đội nữa”, Bảo Linh nói. Cũng may mà Lúp vớ được một cành cây bật gốc, ngọn cây nghiêng ngả trong con lũ dữ. Nghe tiếng kêu cứu của Lúp, anh em trên bờ rọi đèn pin, một tốp bơi khỏe thì đu dây, lao ra dòng nước hung hãn tìm đồng đội. Cả nhóm cứu được Lúp và đưa sang bờ bên kia an toàn. Lúp được đưa về trạm y tế và được kịp thời cấp cứu.

Những bữa cơm trong rừng của nhân viên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra. Ảnh: Tuấn Anh.

Những bữa cơm trong rừng của nhân viên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra. Ảnh: Tuấn Anh.

Còn đối với Nguyễn Xuân Phong, cán bộ phụ trách mảng kỹ thuật của Ban, kiêm phụ trách Trạm Bảo vệ rừng Jơ Long thì: “Khó khăn, gian khổ đến mấy, anh em ở đây cũng cố gắng vượt qua. Nhưng lo nhất vẫn là sự an toàn của gia đình, vợ con”.

Phong kể, các đối tượng phá rừng khi bị bắt và bị lập biên bản, luôn có thái độ manh động chống đối, bất hợp tác. Có không ít trường hợp, các đối tượng này đêm đêm đã tìm đến tận nhà của anh em kiểm lâm ném đá, chửi bới và hù dọa, gây tâm lý bất an cho vợ con khi không có đàn ông ở nhà. Còn có trường hợp vừa bị lập biên bản hôm trước, hôm sau đến phá sạch vườn hồ tiêu, cà phê của gia đình cán bộ giữ rừng...

Và còn không ít những câu chuyện "dở khóc dở cười" mà anh em làm nhiệm vụ giữ rừng nơi đây từng phải đối mặt, mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên được.

Dựa vào dân để giữ rừng

Đến với nghề giữ rừng, tính đến nay lần lượt đều đã được 10-13 năm, Vũ Bảo Linh, Lê Ngọc Anh ở Trạm Huy Hoàng, hay Nguyễn Xuân Phong, Mang Chí Hậu, Nguyễn Thành Tâm ở trạm Jơ Long đều có thu nhập hàng tháng không quá 6 triệu đồng mỗi người.

Thu nhập khiêm tốn là vậy, nhưng áp lực công việc của các anh lại hết sức nặng nề. Mùa mưa thì đường sá lầy lội, đi tuần rừng vừa vất vả, vừa nguy hiểm bởi những trận mưa rừng, lũ quét cứ đến bất chợt mà không hề... báo trước.

Tuy nhiên, về mùa khô lại là thời điểm đáng lo ngại hơn cả, mà lo nhất là luôn phải đối diện với “giặc lửa”. Nguyễn Xuân Phong nói: “Mùa mưa thì anh em còn chia nhau, mỗi tháng được khoảng ba đến bốn ngày về với vợ con, gia đình. Còn về mùa khô thì bắt buộc anh em phải trực đủ quân số, không có ngày nghỉ. Bởi chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá của người dân đi rừng lấy mật ong rơi xuống thảm thực bì, cả khu rừng phút chốc sẽ biến thành biển lửa. Theo đó, bên cạnh công tác tuần rừng thì hàng đêm, anh em còn phải xuống các thôn làng, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Căn lán tạm của Trạm bảo vệ rừng Huy Hoàng. Ảnh: Tuấn Anh.

Căn lán tạm của Trạm bảo vệ rừng Huy Hoàng. Ảnh: Tuấn Anh.

“Cũng may mà nhờ có chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng đến từng nhóm hộ nên ý thức của bà con ngày một nâng cao”, Bảo Linh cho biết.

Trạm Huy Hoàng có tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng gồm 51 hộ, được giao 1.231 ha rừng, bình quân mỗi hộ nhận khoảng 30 ha rừng. Chế độ bà con được nhận từ khoản tiền dịch vụ môi trường rừng, bình quân mỗi năm, mỗi ha được 400 ngàn đồng.

Còn ở Trạm Jơ Long có 2 tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Tổ Jơ Long có 21 hộ nhận 417 ha, tổ Cựu chiến binh thôn Phú Danh (xã Hà Ra) cũng 21 hộ, nhận khoán 250 ha. “Tất cả các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ tốt diện tích rừng được đơn vị giao khoán, họ còn là tai mắt, là cánh tay nối dài của đơn vị. Không có lực lượng này, anh em khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bởi quân số ít, diện tích rừng được giao quản lý rộng, địa hình lại vô cùng phức tạp và hiểm trở. Có những chuyến đi tuần rừng, cả đi lẫn về hết một trăm sáu mươi cây số, cả đi xe máy lẫn đi bộ vượt đèo dốc, sông suối. Quả thật là quá sức đối với anh em”, Nguyễn Thành Phong nói.

Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra có lâm phần quản lý nằm trên địa bàn 3 xã, thuộc 2 huyện Mang Yang và Đăk Pơ. Diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý trên 13.800 ha, trong đó có rừng tự nhiên 10.416 ha và rừng trồng 3.155 ha, đạt tỷ lệ che phủ 98%. Ban có 10 chốt, trạm bảo vệ rừng, với tổng số 19 viên chức, người lao động, kể cả các bộ phận làm công tác gián tiếp.

“Với quân số này, so với diện tích và thực địa rừng mà đơn vị quản lý là quá ít. Theo đó khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ, nếu không có người dân trên địa bàn làm tai mắt”, Trưởng ban Nguyễn Văn Chín chia sẻ, như một lời tri ân đến với bà con sinh sống trên địa bàn.

Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, ông Nguyễn Văn Chín tâm tư: “Rất cần có chính sách ưu đãi nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác quản lý bảo vệ rừng như chính sách phụ cấp, ưu đãi đối với cán bộ, công chức kiểm lâm. Tức là bổ sung nghề quản lý bảo vệ rừng vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất