| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh lưu dấu kiểm lâm

[Bài 1] Một lần lên đỉnh Cheng Leng

Thứ Năm 30/05/2024 , 09:23 (GMT+7)

Hỏi về điểm nào khó khăn nhất trong việc giữ rừng ở Gia Lai, ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm trả lời không cần suy nghĩ: đỉnh Cheng Leng!

LTS: Đầu tháng 5/2024, Ban Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam lên kế hoạch triển khai chuyên đề bảo vệ và phòng chống cháy rừng trên quy mô toàn quốc giữa cao điểm mùa khô hạn. Đề tài cũng hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống hàng năm của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5). Tuy nhiên khi anh em PV đi tác nghiệp đến các cơ sở thì hầu hết các đơn vị kiểm lâm đều đang trực chiến 100% với giặc lửa, và họ từ chối được viết bài tôn vinh vì đây là "nhiệm vụ thường trực".

Có chứng kiến và dõi theo những trận cháy rừng khốc liệt từ đầu năm đến nay, mới thấy công việc của lực lượng kiểm lâm gian khổ nhường nào và họ buộc phải hy sinh vì đã trót gắn bó với nghiệp giữ rừng. Loạt bài này hy vọng sẽ phác thảo được phần nào khó khăn, gian khổ và hiểm nguy mà những người làm công tác bảo vệ rừng hàng ngày đang phải đối mặt. 

Chốt “4 không 1 có”

Từ trụ sở chính Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê, đi ô tô bán tải hết hơn một giờ đồng hồ để vượt qua chặng đường trên tám mươi cây số. Một chốt kiểm soát rừng mà xa trung tâm đến vậy thì ở Tây Nguyên, chắc là... không có nhiều. Từ trung tâm huyện Chư Sê, theo quốc lộ 25 xuôi đèo Tô Na để sang huyện Phú Thiện, sau đó lại vòng vào huyện Ia Pa, vượt tiếp con đèo Cheng Leng mới đến được chốt.

Chốt bảo vệ rừng trên đỉnh núi Cheng Leng. Ảnh: Tuấn Anh.

Chốt bảo vệ rừng trên đỉnh núi Cheng Leng. Ảnh: Tuấn Anh.

Giải thích về việc đường xa và “dích dắc” như trên, ông Thái Thượng Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê cho biết, Cheng Leng là vùng rừng thuộc xã Hbông của huyện Chư Sê. Trước khi ngăn sông Ayun để làm công trình đại thủy nông Ayun Hạ thì muốn đến Cheng Leng, chỉ cần đi đò ngang vượt sông Ayun. Còn nay, hồ nước mênh mông nên mới phải đi vòng như vậy.

Vừa đến chân đèo Cheng Leng, điện thoại mất sóng. Anh Nguyễn Thành Huy, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Sê đi cùng buông một câu ngắn gọn: “Cái ‘không’ đầu tiên!”.

Anh Sơn ngồi ôm tay lái bên ghế tài từng là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn ở Cheng Leng gần 3 năm, góp chuyện: “Ở Cheng Leng thì chỉ có mạng Vietel mới có sóng, nhưng muốn gọi điện, phải cầm máy... chạy khắp nơi, có khi chạy đến vài cây số mới liên lạc được một cách đứt quãng”.

Tuần tra của nhân viên chốt bảo vệ rừng Cheng Leng. Ảnh: Tuấn Anh.

Tuần tra của nhân viên chốt bảo vệ rừng Cheng Leng. Ảnh: Tuấn Anh.

Và rồi, chúng tôi cũng leo lên được đỉnh Cheng Leng.

Nguyễn Hùng và Trịnh Văn Lập là hai cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn Cheng Leng, thêm một công an viên và một dân quân xã Hbông cùng phối hợp. Hùng nói với anh Huy: “Lãnh đạo và các anh nhà báo lên mà không báo trước để anh em chuẩn bị cơm trưa”. Anh Huy trả lời: “Có gọi được đâu mà báo trước”. Hùng ngẩn người vài giây, rồi chợt nhớ...

Hùng mời chúng tôi vào một căn nhà ọp ẹp. Nói đúng hơn thì đây là căn lán tạm của một trại chăn nuôi bò phía đối diện, anh em mượn làm nơi ăn nghỉ sau những chuyến tuần rừng. Cũng vẫn là anh Huy: “Anh em nơi đây vẫn chưa có một căn nhà cố định để sinh hoạt, đó là cái ‘không’ thứ hai của Cheng Leng”.

Bên ngoài, mây đen bỗng ùn ùn kéo tới. Đang giữa trưa mà trời tối sầm lại. Trịnh Văn Lập mở đèn pin điện thoại, lọ mọ cắm cọc cho cái bình ắc quy trong góc nhà, bóng điện bé tý trên trần sáng le lói như... con đom đóm: Cái “không” thứ ba– không có điện.

Bữa cơm nấu vội của anh Trịnh Văn Lập sau 1 ngày tuần tra vất vả. Ảnh: Tuấn Anh.

Bữa cơm nấu vội của anh Trịnh Văn Lập sau 1 ngày tuần tra vất vả. Ảnh: Tuấn Anh.

Lập rót nước mời mọi người. Anh cho biết, mỗi lần anh em về thăm nhà hoặc đi họp ngoài huyện, khi vào thì tranh thủ mua mấy bình nước lọc chở vào, dùng để ăn và uống. Nước sinh hoạt như tắm giặt thì phải đi xa hơn ba cây số, xin nước giếng của đồng bào, nhưng nhiều phèn lắm, để mấy phút, phèn lắng xuống đáy thau một lớp trắng nhờ. Đây chính là cái “không” thứ tư - không có nước.

“Những thứ thiết yếu đều không có, vậy ở đây anh em ‘có’ gì?”, tôi hỏi vui. Hùng trả lời: “Có rừng và nhiệm vụ giữ rừng, thưa anh!”.

May thay, cũng còn được một điều để gọi là... có!

Rừng và nhiệm vụ giữ rừng

Để làm tốt công tác giữ rừng trong dịp Tết và những tháng mùa khô sau Tết, từ cuối tháng 12 năm 2023, huyện Chư Sê đã thành lập Đội công tác liên ngành với 12 thành viên, gồm 6 thành viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện, còn lại là của các đơn vị liên quan như công an, dân quân xã. Đến cuối tháng 3 năm 2024, đội này được giải thể.

Cũng nhờ có đội liên ngành này mà anh em được trang bị một cái bạt quân đội, làm nơi nghỉ tạm trong rừng. Tuy nhiên trong trận mưa lớn đầu mùa mới đây, nước mưa quăng quật, cành cây gãy đổ đã xé toạc cái nhà bạt nói trên. Do vậy, anh em phải chuyển đến ở tạm trong cái lán chăn bò này.

Hùng cho biết, địa bàn anh em được giao quản lý gồm 6 tiểu khu quanh đỉnh Cheng Leng, với các tiểu khu 1060, 1061, 1063, 1064, 1067 và 1068. Tổng diện tích đất lâm nghiệp có trên 3.800 ha, trong đó đất có rừng là 2.087 ha với hiện trạng là rừng khộp nghèo rụng lá, còn lại là đất không có rừng.

“Có rừng thì phải giữ rừng. Đó là công việc, cũng là cái ‘nghiệp’ của anh em bọn em”, Hùng nói vui.

Sau trận mưa rừng, căn nhà bạt của chốt giữ rừng Cheng Leng bị gãy, đổ. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau trận mưa rừng, căn nhà bạt của chốt giữ rừng Cheng Leng bị gãy, đổ. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo Hùng thì công việc của anh em ở đây là tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương chính sách về lâm nghiệp, ngoài ra xây dựng kế hoạch tuần, kế hoạch tháng về công tác thông tin tuyên truyền đến với người dân sống gần rừng.

“Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của anh em ở đây là tuần rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đây chính là công việc nặng nề và nguy hiểm nhất của anh em”, Hùng nói.

Lập vừa châm thêm nước, vừa kể: “Ở đây nắng bụi, mưa lầy. Mùa mưa, có những đoạn đường đặc quánh bùn, phải một người dắt xe máy cài số khỏe, người đi sau thì đẩy. Thỉnh thoảng lại phải lấy cây gạt bùn đất ra khỏi bánh xe mới đi tiếp được. Mà đường có gần đâu anh, có những cánh rừng mà từ trạm phải đi thêm sáu mươi cây số nữa, phải đi vòng qua địa bàn các xã, các huyện lân cận”.

Còn theo Hùng thì khó khăn lớn nhất ở đây là lực lượng mỏng, trong khi diện tích rừng manh mún, xen kẽ với nương rẫy của người dân nên rất khó trong việc quản lý cũng như công tác vận động, tuyên truyền. Có không ít trường hợp lợi dụng đêm tối, người dân đưa máy móc vào san phẳng một vạt rừng. Sáng hôm sau, một khoảnh rừng bỗng chốc đã biến thành nương rẫy mới. “Anh em đến lập biên bản vi phạm, tối xuống làng tuyên truyền vận động thì bà con... vẫn chưa hết ‘giận’, ngoảnh mặt không nghe”, Hùng nói.

Khó khăn là có thật, gian khổ và hiểm nguy là có thật, nhưng anh em vẫn phải bám rừng, bám dân để giữ rừng, bởi như Hùng nói, đã là cái “nghiệp”!

Tâm tư người giữ rừng

Nguyễn Hùng vào ngành kiểm lâm từ năm 2007, đi hết trạm này đến trạm khác theo quy định luân chuyển của ngành, để rồi đến với đỉnh Cheng Leng mây ngàn gió núi này, tính ra đã được hơn một năm. Nhà Hùng ở mãi tận thành phố Pleiku, cách trạm hơn một trăm cây số, cả tháng may ra mới về thăm vợ con được vài hôm, rồi lại vào rừng. Vợ chồng Hùng có hai con, một học lớp ba và một 3 tuổi.

“Cũng may là vợ ở nhà buôn bán lặt vặt nên có thời gian đưa đón và chăm sóc con cái. Lương em tháng hơn 11 triệu, trừ tiền đổ xăng đi tuần rừng khoảng năm trăm ngàn đồng mỗi tháng, rồi tiền sửa xe là việc... thường xuyên, tiền ăn, mỗi tháng chỉ góp thêm cho vợ khoảng năm triệu đồng để nuôi con”.

Dừng chân nghỉ ngơi rồi tiếp tục công việc tuần tra của nhân viên chốt bảo vệ rừng Cheng Leng. Ảnh: Tuấn Anh.

Dừng chân nghỉ ngơi rồi tiếp tục công việc tuần tra của nhân viên chốt bảo vệ rừng Cheng Leng. Ảnh: Tuấn Anh.

Dẫu sao thì hoàn cảnh của Hùng vẫn còn phần nào đỡ hơn so với Trịnh Văn Lập. Nhà Lập ở huyện Chư Sê, vợ chồng có hai con, đứa 11 tuổi, đứa 3 tuổi, vợ ở nhà buôn bán nhỏ và chăm con. Oái oăm thay, một cháu lại bị bệnh bẩm sinh, chạy chữa khắp nơi mà vẫn không đỡ.

“Vậy lấy đâu ra tiền để lo cho các cháu ăn học, lại còn chữa bệnh?”, tôi ái ngại hỏi. Lập không nói gì, Hùng đỡ lời: “Anh Lập vừa làm thủ tục vay ngân hàng 200 triệu đồng, theo diện trả dần qua lương. Phần thì trang trải nợ nần trước đó, phần thì lo chạy chữa cho cháu”.

Có trường hợp mà không tiện nêu tên ra đây, bởi hoàn cảnh hết sức bi đát. Anh nhà ở huyện Chư Sê, đã từng có thời gian 3 năm làm việc ở đỉnh Cheng Leng này. Vợ đầu sinh được 2 con trai thì chẳng may lâm trọng bệnh, qua đời. Cảnh “gà trống nuôi con” chật vật, anh đi thêm bước nữa. Vợ sau song sinh được thêm hai cậu con trai. Nhưng do không chịu nổi cảnh túng thiếu triền miên, chồng thì quanh năm biền biệt nên chị đã chia tay anh trong ngậm ngùi nước mắt của cả hai. Giờ, thu nhập khiêm tốn của anh lo cho hai con của vợ trước, lại còn nghĩa vụ chu cấp thêm cho hai con của vợ sau.

Ngước lên đỉnh Cheng Leng cao ngất, anh nói: “Con lớn của em có thời gian bỏ học, theo bạn bè lêu lổng, may mà đơn vị cảm thông cho hoàn cảnh của em, cho em về công tác gần nhà để lo cho các con. Lúc còn công tác ở Cheng Leng này, có hôm về nhà, thằng cu nhỏ nhận không ra cha do vừa đen, vừa hốc hác”.

Tôi biết, anh đang cố nuốt nước mắt vào trong. Còn trên đỉnh Cheng Leng, mưa đã tạnh, mây đã quang, rừng vẫn ngằn ngặt xanh như tự ngàn năm vẫn vậy.

Trưa nay, chúng tôi ăn cơm cùng anh em kiểm lâm trên đỉnh Cheng Leng. Vừa bê bát cơm lên thì trời đổ ập trận mưa. Lập ra khép cửa cho nước mưa không hắt vào căn chòi tạm trên 20 mét vuông. Tuấn Anh đứng lên lục máy ảnh, chụp tấm ảnh kỷ niệm với anh em, xong quay lại bàn thì bát cơm đã chan đầy nước mưa trên mái dột xuống.

Có sao đâu! Mâm cơm giữa rừng chỉ với đĩa cá kho, đĩa rau muống luộc và bát nước luộc rau... Vẫn ấm áp hơn so với những lon mỳ tôm húp vội trong những chuyến tuần rừng của anh em nơi đây...

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.