Hiện nay toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 3.712km kênh mương nội đồng, trong đó đã có hơn 3.006km kênh mương được kiên cố hóa và còn 705km kênh đất chưa kiên cố. Những năm qua hệ thống kênh mương nội đồng đã góp phần quan trọng trong việc tưới tiêu đảm bảo năng suất mùa vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân ở Tuyên Quang.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, cùng với việc kiên cố hóa đảm bảo an toàn các công trình hồ đập thì tỉnh Tuyên Quang cũng coi trọng việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Kênh mương được kiên cố, nguồn nước đến các đồng ruộng phục vụ tưới tiêu sản xuất được thực hiện nhanh hơn; hạn chế việc thất thoát nước trong quá trình tưới tiêu, đảm bảo năng suất, chất lượng của mùa vụ.
Một trong những thành tựu nổi bật của ngành thủy lợi Tuyên Quang là triển khai thành công Nghị quyết số 15 ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, trong giai đoạn này toàn tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành đưa vào sử dụng 944,87km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh tính đến hết năm 2020 lên 2.871 km, đạt 77%, vượt 7,36% kế hoạch đề ra. Trong năm 2021, tỉnh đã thực hiện kiên cố thêm hơn 135km kênh mương.
Chương trình kiên cố hóa kênh mương trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo Nghị quyết số 15 của tỉnh Tuyên Quang đề ra phù hợp với điều kiện của địa phương nên đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Do đó đã huy động được nhiều nguồn lực để kiên cố kênh mương, tạo ra hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ông Đặng Ngọc Giang, người dân thôn An Lịch, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương cho biết, người dân trong thôn hiểu được khi kênh mương kiên cố việc tưới tiêu phục vụ sản xuất sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhờ đó khi Nhà nước triển khai chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng, người dân trong thôn đã đóng hơn 260 triệu đồng để xây dựng kênh mương nội đồng và các công trình công cộng của thôn. Đến nay thôn đã có hơn 1.000m kênh mương được kiên cố.
Từ ngày có kênh mương kiên cố thay mương đất, bà con trong thôn Anh Lịch không phải lo chuyện thức khuya dạy sớm đắp bắt nước vào đồng hay sợ nước lớn quá tràn bờ làm đổ mương đất khiến ruộng không có nước. Giờ đây bà con chỉ cần có lịch bơm nước từ sông hay từ các hồ thủy lợi là chủ động bắt nước vào ruộng đồng phục vụ chăm sóc lúa và hoa màu. Nhờ đó năng suất lúa ngô của bà con cũng cao và ổn định hơn rất nhiều.
Gia đình bà Phạm Thị Tân, tổ 5, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang có 9 sào lúa 2 vụ. Bà Tân cho biết, kể từ khi công trình hồ thủy lợi Ngòi Là được đưa vào sử dụng cùng với hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố nên đồng ruộng ở Ỷ La được mở rộng và hầu hết diện tích cấy cả 2 vụ lúa. Có nước tưới ổn định nên năng suất lúa của gia đình bà thường xuyên đạt 250 kg/sào.
Hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 2.888 công trình thủy lợi, trong đó có 26 công trình đập lớn, 52 công trình vừa, còn lại là các công trình nhỏ. Quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước ở các hồ chứa, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, ngành NN-PTNT yêu cầu các đơn vị, địa phương phải theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động tích trữ nước vào hồ chứa nhỏ khi có nguồn sinh thủy; ưu tiên dành nước cho vụ thu đông và vụ xuân sắp tới bằng biện pháp tranh thủ nguồn nước ở sông suối, kênh tiêu; tăng cường trữ nước vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, vùng trũng thấp để tưới cho cây trồng, cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi khi cần thiết, đề phòng hạn hán xảy ra.