Sản xuất sạch
Chúng tôi đến HTX xoài Mỹ Xương, ở huyện Cao Lãnh – Đồng Tháp, đúng thời điểm nhà vườn bắt đầu thu hoạch xoài cuối vụ. Hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã tập mô hình SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Để thuận lợi xoài XK trang thị trường Trung Quốc, Đồng Tháp có hơn 100 ha được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Vũ Hoàng. |
Ông Võ Việt Hưng, GĐ HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: Nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc BVTV, phân hóa học và các chất kích thích thì ngày nay, việc trồng xoài phải dựa vào quy trình SX an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, vậy mới có đầu ra ổn định.
Sở hữu vườn xoài rộng 1,5ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương cho biết, từ khi SX theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học.
Thông thường mỗi vụ phải tốn từ 8 - 10 lần phun thuốc BVTV mà sản lượng chỉ đạt từ 15 - 16 tấn/ha thì hiện tại, chỉ cần 1 - 2 lần thuốc nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Xoài SX theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được. Nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ.
Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài thu hoạch khoảng 100 – 200kg, sau khi trừ hết các chi phí lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ.
Cấp mã số vùng trồng
Cấp mã số vùng trồng là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, gắn chặt với quy trình SX đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản hiện nay.
Xoài là cây chủ lực của tỉnh, mỗi năm Đồng Tháp SX khoảng 100.000 tấn phục vụ trong và ngoài nước. Ảnh: Vũ Hoàng. |
Theo ông Nguyễn Phước Thiện – Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu yêu cầu nông sản phải được truy xuất nguồn gốc, mà để truy xuất được nguồn gốc thì phải được cấp mã số vùng trồng.
Thị trường Trung Quốc lâu nay được cho là dễ tính nhưng nay cũng đã có nhiều rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu từ nước ta. Vì vậy, muốn tăng xuất khẩu nông sản thì quá trình sản xuất cần phải thay đổi để thích ứng và vượt qua các rào cản đó. Tại vùng trồng xoài Đồng Tháp đến nay đã có hơn 100ha được cấp mã số vùng trồng, đa phần những vùng này phục vụ cho xuất khẩu, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc khá thuận lợi.
Về điều kiện đảm bảo cấp mã số vùng trồng, bà Phan Thị Hiền – GĐ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục BVTV) cho biết, việc cấp mã số vùng trồng nhằm đáp ứng các điều kiện bắt buộc tuân thủ trong thỏa thuận hợp tác ký kết giữa hai cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia về chương trình làm việc xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang nước nhập khẩu tương ứng có yêu cầu.
Đồng thời, cấp mã số vùng trồng còn nhằm truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Kiểm soát được việc sử dụng các thuốc BVTV cấm sử dụng và dư lượng thuốc BVTV trên nông sản xuất khẩu.
Ngoài việc cấp mã số vùng trồng cho xoài, việc bảo quản đóng gói sau thu hoạch để phục vụ xuất khẩu cũng rất quan trọng. Mới đây tại Đồng Tháp cũng đã thành lập Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đầu tiên ở khu vực ĐBSCL.
Bà Đinh Kim Nhung, GĐ Cty TNHH Kim Nhung, cho biết: Trước đây, Cty chỉ là cơ sở nhỏ chuyên thu mua xoài nguyên liệu từ 15 - 20 tấn/ngày, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xuất bán, đơn vị đã từng có những lô xoài khi được giao đến khách hàng chỉ 3, 4 ngày sau đã bị hư hỏng.
Ý thức được tầm quan trọng của quy trình xử lý sau thu hoạch, Cty đã chế tác lại hệ thống rửa quả thanh long để xử lý xoài trước khi đóng thùng. Cty đã đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng để trang thiết bị (hệ thống điện mặt trời, máy rửa xoài, thổi kho, hệ thống băng chuyền, kho lạnh...) dưới sự hỗ trợ từ UNIDO. Cty Kim Nhung đã mạnh dạng thành lập Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đầu tiên ở khu vực ĐBSCL chính thức đi vào hoạt động.
Bà Nhung nói, theo quy trình mới, xoài sau khi được phân loại sẽ được rửa trong bồn xử lý mủ. Sau đó cho vào dây chuyền hiện đại bao gồm các khâu rửa xoài bằng nước nóng, xử lý hóa lý, tiếp theo là sấy khô và cuối cùng là dán nhãn, đóng gói. Do đó, xoài có thể bảo quản được trong 25 - 30 ngày đến người tiêu dùng vẫn đảm bảo chất lượng.
Rộng đường xuất khẩu
Có thể nói đến thời điểm này trái xoài Việt Nam đã được xuất khẩu vào hơn 40 thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand...
Đây cũng là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chỉ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa. Riêng tại Đồng Tháp, xoài là một trong những loại nông sản thế mạnh được ưu tiên lựa chọn trong xây dựng và phát triển Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL, tập trung chủ yếu ở hai khu vực là TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.
Ông Võ Việt Hưng, GĐ HTX xoài Mỹ Xương, cho biết thêm: HTX xoài Mỹ Xương là đơn vị được các đối tác chọn SX và cung ứng xoài xuất khẩu sang thị trường khó tính nhất là vào thị trường Hoa Kỳ vào cuối tháng 4 năm nay. Để đảm bảo lô xoài đạt chất lượng xuất sang Hoa Kỳ, các DN xuất khẩu, đối tác, chuyên gia, ngành nông nghiệp… đến khảo sát mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của HTX xoài Mỹ Xương. Đồng thời hướng dẫn các phương pháp SX nhằm đạt các tiêu chuẩn mà phía Hoa Kỳ đưa ra.
Việc bảo quản đóng gói sau thu hoạch để phục vụ xuất khẩu rất quan trọng. Ảnh: Vũ Hoàng. |
Hiện tại, HTX xoài Mỹ Xương có khoảng 100 thành viên, SX hơn 90ha xoài, sản lượng khoảng 1.000 tấn mỗi năm. HTX còn liên kết SX khoảng 400ha xoài các loại, theo tiêu chuẩn GAP. Thời gian qua, HTX đã xuất khẩu xoài sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Úc… và lần này sẽ xuất lô hàng đầu tiên với hơn 8 tấn xoài sang Hoa Kỳ, giá cao hơn khoảng 10 - 15% so các thị trường khác.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trung bình mỗi năm Đồng Tháp SX ra gần 100.000 tấn rau quả các loại để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Xoài là mặt hàng đang khẳng định vị thế.
Nhiều năm Đồng Tháp tập trung nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào SX như cải tạo giống, xử lý xoài rải vụ quanh năm, áp dụng kỹ thuật bao trái, tập huấn quy trình SX đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và xây dựng nhiều vùng xoài nguyên liệu được SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Chất lượng xoài không ngừng được nâng lên.