| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP Đắk Lắk vươn ra thế giới

Chủ Nhật 26/05/2024 , 15:45 (GMT+7)

Các sản phẩm OCOP Đắk Lắk không chỉ khẳng định được vị thế trong nước mà ngày càng vươn ra thị trường thế giới.

Sau gần 6 năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Từ những sản phẩm ao làng những sản phẩm OCOP này đã bắt đầu vươn ra thế giới, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định vị thế

Đắk Lắk hiện có 237 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, uy tín không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn vườn tầm quốc tế.

Tiêu biểu như sản phẩm OCOP hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, huyện Krông Năng vừa được địa phương này đề nghị Trung ương công nhận OCOP 5 sao.

Đắk Lắk hiện có 237 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk hiện có 237 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Ảnh: Quang Yên.

Để có được kết quả này, doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn ban đầu, bằng nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Năm 2021, sản phẩm hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của công ty đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Sau 3 năm, vượt qua nhiều vòng đánh giá khắt khe, hiện sản phẩm được đánh giá lại với số điểm tuyệt đối 100/100 điểm, trở thành sản phẩm tiềm năng 5 sao của tỉnh.

Tương tự, sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường, TP Buôn Ma Thuột cũng nằm trong danh mục sản phẩm tiềm năng 5 sao của Đắk Lắk đề nghị Trung ương công nhận vừa qua. Năm 2021, lần đầu tiên tham gia đánh giá sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm đã vượt qua được các yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc, khả năng tiếp cận thị trường…

Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có với các sản phẩm chủ lực như: Cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca... Đồng thời, địa phương này cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc. 

Sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường được UBND thống nhất đề xuất Trung ương công nhận 5 sao. Ảnh: Quang Yên.

Sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường được UBND thống nhất đề xuất Trung ương công nhận 5 sao. Ảnh: Quang Yên.

Với mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo, các sản phẩm OCOP được người dân trong, ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng và đang từng ngày khẳng định thương hiệu nông sản Đắk Lắk trên thị trường.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, địa phương sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ nông sản theo hướng bền vững; coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất.

Sản phẩm OCOP vươn ra thế giới

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, từ khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Sản phẩm đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Cuối năm 2023, sản phẩm hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản… Hiện nay, cùng với nâng cao chất lượng, doanh nghiệp tiếp tục chú trọng quảng bá giới thiệu sản phẩm ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

“Sản phẩm của daonh nghiệp đã có mặt trên 47 tỉnh, thành của Nhật Bản. Đối với thị trường Hàn Quốc doanh nghiệp cũng đưa được những lô hàng mẫu đầu tiên sang đánh giá. Hiện tại, doanh nghiệp đang làm việc với thị trường Trung Quốc, một số thị trường ở các nước Ả Rập, hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được một số tín hiệu tốt từ thị trường này”, bà Phương nói.

Sản phẩm hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Quang Yên.

Sản phẩm hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Quang Yên.

Còn ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường cho rằng, sản phẩm của doanh nghiệp có chất lượng ổn định nhờ được kiểm soát, quản lý từ con giống, thức ăn, điều kiện vệ sinh cho đến việc chúng ăn quả cả phê và thu lượm đều theo một quy trình rõ ràng, chính xác qua các công đoạn về thời gian, sơ chế, bảo quản...

Tuy nhiên, con chồn hương là loài ăn tạp, cà phê chỉ là loại thức ăn bổ sung chiếm một phần rất ít trong nhóm thức ăn của chúng và số lượng trái được ăn còn tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá thể.

Bởi vậy, bình quân mỗi năm, doanh nghiệp chỉ thu về được khoảng 400 kg cà phê chồn thành phẩm (trong quy mô gần 4 ha cà phê, với trên dưới 100 con chồn hương).

Hiện nay, sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường đã xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia với giá 10 triệu đồng/kg.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong một chuyến thăm nhà máy sản xuất mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương. Ảnh: Quang Yên.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong một chuyến thăm nhà máy sản xuất mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, các sản phẩm OCOP hiện nay còn khá khiêm tốn đối với một địa phương có nhiều lợi thế về nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Theo ông Dương, để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế này, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm đã có, cũng như phát triển sản phẩm mới theo chuỗi từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, định hướng đạt thương hiệu sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025