| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm từ hạt Sachi: Khi lời hứa quý hơn vàng

Thứ Sáu 13/11/2015 , 09:15 (GMT+7)

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài về cây trồng mới có xuất xứ từ Nam Mỹ mang tên Sachi đã thu hút một lượng độc giả đông đảo trong và ngoài ngành quan tâm.

Sóng sánh ánh vàng

Bởi thế mà có cuộc hội thảo bàn tròn phối hợp giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng hội NN-PTNT Việt Nam, Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam ngày 21/8/2015 mang tên “Đánh giá tiềm năng phát triển cây Sachi (Sacha Inchi) tại Việt Nam”.

Phần đông khách tham dự đều rất phấn khởi, hồ hởi trước những thông tin như: Tổng đầu tư khoảng 50 - 150 triệu đ/ha (tùy mật độ và hình thức cọc bê tông hay cọc tre) theo tính toán trong hai năm người trồng Sachi sẽ hoàn vốn còn từ năm thứ ba sẽ cho lãi hàng trăm triệu một cách ổn định.

Về thu hoạch, bảo quản, do cuống quả Sachi rất dai nên không sợ mưa lớn gây rụng, phơi dưới nắng có nhiệt độ vừa phải sẽ giữ được tốt nhất phẩm chất, hạt khô lưu trữ trong kho được 6 tháng còn khi ép thành dầu lưu trữ được 3 năm…

Tất cả đều khá hấp dẫn nhưng vẫn còn một điều áy náy về đầu ra. Về vấn đề này, anh Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Tập đoàn Tâm Hoàng Việt (đơn vị mẹ của Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam) khẳng định: “Chúng tôi cam kết bằng hợp đồng sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con đến hết đời sống của cây nhưng phải xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đủ rộng. Cty sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm, trong đó tiền giống sẽ được nợ một phần rồi trừ vào sản phẩm (tùy theo quy mô của sự hợp tác)”.

Cuối cùng, với một cam kết dài lâu chứ không phải là dạng “đánh quả” để bán giống, ông Nguyễn Mạnh Hùng hứa: “Để phục vụ cho nhu cầu chế biến hạt Sachi, trong vòng 2 tháng nữa chúng tôi sẽ cho một nhà máy đi vào hoạt động”.

Lời hứa ấy đối với người nông dân quả thực còn quý hơn cả vàng bởi với họ đầu ra cho nông sản là vấn đề đáng quan tâm hơn tất thảy. Biết được sự trông mong của bà con, thỉnh thoảng tôi lại gọi điện cho anh Hùng để cập nhật xem tiến độ xây dựng của nhà máy chế biến đến đâu. Lúc thì anh báo đang nhập máy, lúc thì đang lắp ráp, lúc thì đang căn chỉnh, vận hành thử.

Vừa rồi, anh gọi cho tôi giọng đầy tự tin mời đến văn phòng, đưa cho một vỉ những viên nho nhỏ, sóng sánh ánh vàng như hổ phách rồi bảo: “Nếu như dầu cá người ta phải bọc vào để uống, nhắm mắt, nhắm mũi mà uống nên dù bổ mắt, bổ thế nào đi chăng nữa cũng chẳng ai dám nhai thì dầu Sachi này hoàn toàn có thể đóng viên, uống thậm chí nhai bình thường được vì hoàn toàn không tanh”.

Các bà nội trợ trên toàn thế giới luôn đau đáu một câu hỏi rằng, giữa “rừng” dầu ăn, loại nào là tốt nhất? Những nhà khoa học sau nhiều nghiên cứu đã đúc rút ra kết luận rằng dầu nào nhiều Omega 3 là tốt nhất bởi: Giúp cho não hoạt động một cách tối đa; Giúp thị lực vận hành một cách hoàn hảo; Giúp phòng chống các bệnh tim mạch; Giúp ngăn chặn vết nhăn, giảm quá trình lão hóa…

dsc-0901093616236
Ép dầu Sachi trong nhà máy

Con người nhận nguồn bổ sung Omega 3 từ các loại thực phẩm nhưng phổ biến nhất là từ dầu cá. Bởi thế, hễ nói đến Omega 3 là nghĩ ngay đến dầu cá. Tuy nhiên nguồn cung cấp này ngày một hạn chế bởi lượng cá hồi hoang dã đang ít dần. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm khiến cho một số dầu cá bị nhiễm kim loại nặng. Điều quan trọng nhất là mùi vị của dầu cá lại rất tanh.

Trước đây các nhà sản xuất thường trộn dầu cá với dầu nành. Điều này vừa gây nên mùi tanh đặc trưng vừa lại có quá nhiều Omega 6 gây ra tình trạng béo bụng cho người dùng. Trong khi đó, hàm lượng Omega 3 - chất bổ não, chống oxi hóa, đẹp cho da tóc, săn chắc cơ thể, giảm mỡ, giảm coleteron, giảm tiểu đường, gia tăng vòng 3 trong loại dầu trộn này lại thường thiếu hụt.

Vậy tỷ lệ vàng giữa Omega 3 và Omega 6 trong dầu thế nào là tốt nhất, cân đối nhất?

Anh Hùng cam kết: “Chúng tôi sẽ làm tốt ngay từ đầu, đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ theo tiêu chuẩn Việt Nam mà còn cả nước ngoài để đảm bảo sản phẩm là Organic (hữu cơ) đủ chuẩn của WHO (Tổ chức y tế thế giới), Fair Trade (Công bằng thương mại) cũng như chuẩn từng từng nước, từng khu vực. Slogan cho dòng siêu thực phẩm này của Cty sẽ là: “Đẹp da, chuẩn dáng, thông minh, tỏa sáng”.

Các nhà khoa học khuyên tỷ lệ vàng đó là 4 omega 6/ 1 omega 3 (tỷ lệ 1/4). Với các loại dầu thông thường trên thị trường hiện nay thì tỷ lệ này là 10/1. Trong khi đó, dầu Sachi có hàm lượng omega 3 cao gấp 17 lần dầu cá. Dầu cá khi chiết xuất có sử dụng dung môi hóa học còn dầu Sachi có hương vị dễ chịu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên bằng phương pháp ép lạnh, không cần qua tinh chế, là sản phẩm hữu cơ nên không chứa bất kì một hóa chất độc hại nào, do đó tuyệt đối an toàn cho người sử dụng.

Tận mắt thấy dầu Sachi

Trở lại câu chuyện nhà máy ép dầu, anh Nguyễn Mạnh Hùng dẫn tôi sang huyện Đông Anh (Hà Nội) để chứng kiến một sự kiện vui mừng: dòng dầu Sachi ép lạnh đầu tiên chào đời. Để thực hiện kế hoạch phát triển Sachi bền vững Cty đã kết hợp với các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học - công nghệ) hoàn thiện quy trình chế biến Sachi.

Ở giai đoạn đầu tiên dây chuyền 1 của nhà máy đã được đưa vào vận hành. Nhà máy tuy khá nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Bước đầu, khi nguồn nguyên liệu ở trong nước mới đang ở thời kỳ xây dựng đơn vị sẽ chủ yếu nhập hạt Sachi từ Lào theo dạng liên kết sản xuất. Trong nhà kho ngồn ngộn hàng tấn hạt Sachi khô sẵn sàng cho chế biến.

dsc-0902093616425
Sản phẩm dầu sachi

Tôi lặng ngắm từ chiếc máy nho nhỏ đang rào rào bóc vỏ hạt đến những người công nhân trong bộ đồ đồng phục trắng toát đang tỉ mẩn nhặt, loại bỏ ra cho bằng hết những hạt không đủ chuẩn.

Cạnh đó là một dây chuyền nghiền bột, ép lạnh. Những dòng dầu đặc quánh từ từ tuôn chảy dưới bàn tay điều khiển điệu nghệ của con người khiến cho khách tham quan là tôi ồ lên, sung sướng. Công suất của nhà máy sẽ được nâng dần lên theo sản lượng hạt Sachi nhập về.

Từ dòng dầu ép lạnh đó, Cty đã kết hợp với Cty TNHH Thương mại Dược phẩm Trang Ly, đơn vị có nhà máy dược đóng ở khu công nghiệp Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội) để cho ra đời hàng loạt chế phẩm dầu Sachi dạng viên, dạng lọ, dạng chai…

Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam đang định hướng sản xuất và chế biến Sachi theo chuỗi giá trị khép kín, hữu cơ, bao tiêu đầu ra và có quy hoạch.

Trước tiên, Cty sẽ hướng tới thị trường quốc tế với mong muốn xây dựng được một doanh nghiệp mang biểu trưng thương hiệu quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng nhà máy và liên kết chế biến với Cty Trang Ly chính là hoàn thiện quy trình sản xuất từ hạt đến dầu đóng lọ, đóng vỉ, đóng chai, đóng ống dầu Sachi nguyên chất 100%.

Ngoài dòng sản phẩm dầu ra đơn vị sẽ còn có loại siro, bột protein, hạt nguyên không bóc sẵn mà chế biến cả vỏ cho thêm phong phú thị trường siêu thực phẩm từ đối tượng cây trồng mới này.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.