| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp sản xuất bền vững và tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam

Thứ Tư 08/06/2022 , 07:30 (GMT+7)

*Những kinh nghiệm quý báu từ đất nước Thái Lan *Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam *Chanh leo cho lợi nhuận đến 350 – 400 triệu đ/ha *Dựng ngôi nhà chung cho trái cây Việt Nam khi tham gia Hội chợ quốc tế *Đẩy mạnh liên kết, quản chặt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

 

Ngày 8/6, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Tổ Điều hành Diễn đàn kết nông sản 970, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, lãnh đạo Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và các thành viên Tổ công tác 970…

Diễn đàn 970 lần này cũng nhận được sự quan tâm của Sở NN-PTNT các địa phương và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối nông sản và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trong nước cũng như xuất khẩu, qua đó làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn 970 đã được Bộ NN-PTNT tổ chức nhằm xây dựng, triển khai những giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, chế biến nông sản.

Trong năm 2021, 20 phiên Diễn đàn 970 đã được tổ chức nhằm kết nối sản xuất, tiêu thụ với từng nhóm đối tượng nông sản. Diễn đàn cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp, người dân ghi nhận và đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản...

Tất cảTổng thuật

11h40

Diễn đàn làm sâu sắc hơn tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ: Diễn đàn kết nối nông sản 970 lần này là dịp làm sâu sắc hơn tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, các đồng chí Thứ trưởng trong việc định hướng phát triển ngành hàng trái cây bền vững, giá trị cao.

Theo ông Toản, để Diễn đàn tiếp tục mang lại hiệu quả, trong những phiên kế tiếp, các đơn vị sẽ cùng nhau thảo luận, tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo trực tiếp vào những sản phẩm cụ thể, chủ lực của các địa phương theo hướng gắn sản xuất, chế biến với tín hiệu thị trường.

Bên cạnh đó, hiện nay thị trường đang xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, trong đó có ngành hàng trái cây, gần đây là những tín hiệu hữu ích cập nhật từ Hội chợ Thaifex.

Nhiều xu hướng tiêu dùng mới mà các doanh nghiệp cần phải hết sức lưu tâm, thay đổi cho phù hợp như: Thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật; xu hướng trở về với cội nguồn; đề cao trách nhiệm chung của ngành hàng trái cây; thay đổi mức tiêu dùng sau đại dịch; tiếng nói của người tiêu dùng…

Về phía các địa phương, ông Toản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh rà soát kỹ thời vụ, sản lượng của từng nhóm sản phẩm trái cây cụ thể, điểm rơi thu hoạch để xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp. “Nếu xác định chính xác điểm rơi mùa vụ, sẽ thuận lợi cho việc phát triển thị trường tiêu thụ”, ông Toản nhấn mạnh.

Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Toản đề nghị: Cần tăng cường thông tin, trao đổi giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội và đối tác nước ngoài để kịp thời nắm bắt những khó khăn, cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, đối với thị trường Trung Quốc, Hiệp hội cần lưu ý các doanh nghiệp cần có cách phối hợp phù hợp hơn. Hiệp hội Rau quả Việt Nam nên sớm trao đổi với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, bàn những giải pháp cụ thể về đường đi, giá cả, chia sẻ chi phí vận chuyển… để sẵn sàng trong mọi tình huống...

11h15

Mở rộng diễn đàn 970 trên cả nước

Theo đề xuất của Sở NN-PTNT Đắk Nông, tổ chức diễn đàn bơ tại Tây Nguyên, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thạch nhất trí cao về vấn đề này.

Nhắc lại xu hướng tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 theo hướng chuyên sâu, chuyên đề, ông Thạch gợi mở thêm một số đề tài trong thời gian tới như sầu riêng, chanh leo… Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của nông sản Việt, và cho giá trị xuất khẩu cao.“Diễn đàn kết nối nông sản 970 đặt ra mục tiêu kết nối thông tin cung cầu, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa các vùng sản xuất nông sản đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước cũng như xuất khẩu. Qua đó, chúng tôi tăng cường chia sẻ thông tin, đặc biệt thông tin về sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản”, ông Thạch nhấn mạnh.

11h

Ông Nguyễn Quốc Toản: Thị trường rau quả đan xen cơ hội và thách thức

Diễn đàn kết nối nông sản 970 ngày 8/6 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi trùng thời gian với phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15. Trước Quốc hội, tư lệnh ngành nông nghiệp chỉ rõ nhiệm vụ tiếp tục kích hoạt Diễn đàn 970, đồng thời kế thừa những thành quả đã đạt được từ năm 2021.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản phát biểu tại điểm cầu báo Nông nghiệp Việt Nam

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản phát biểu tại điểm cầu báo Nông nghiệp Việt Nam

Đây là yếu tố được Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, khi mở đầu những chia sẻ sáng 8/6.

Theo ông Toản, Diễn đàn 970 cần hoạt động “như một chất xúc tác và lan tỏa các giá trị” ra xã hội. Sản phẩm của diễn đàn là báo cáo trình Chính phủ, đồng thời giúp ngành nông nghiệp và các Bộ, ban, ngành liên quan có cái nhìn toàn diện về cơ hội, thách thức của cây ăn quả. Từ đó, kiến tạo, hoạch định công tác chế biến, phân tích thị trường.“Tăng trưởng ngành rau quả đan xen cơ hội, thách thức.

Đặc biệt, trái cây là loại hàng nhạy cảm vì tính chất mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, còn thị trường thì luôn biến động”, ông Toản phân tích.

Nhắc lại lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói trong phiên chất vấn trước Quốc hội, rằng không thể chủ quan vì giá bán nông sản cao tại Mỹ, Nhật bản, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản đề nghị các bên giải quyết một số điểm. Một là, tăng cường các liên kết sản xuất, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đây là những đối tượng thường khó đi một mình, và gặp nhiều rào cản khi đưa nông sản vào các kênh tiêu thụ. Hai là, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX, người dân xác định rõ, sát thực tế về cơ cấu giá thành sản xuất nông sản.

Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics, bảo quản ở khu vực cửa khẩu, vùng nguyên liệu lớn. Ông Toản nói thêm, rằng ngay trong ngày mai, một đoàn công tác do Chính phủ cử sẽ thị sát Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại lối mở Km3+4 Hải Yên, Móng Cái, Quảng Ninh. Đây là trung tâm lớn, có ý nghĩa chiến lược với xuất khẩu nông sản, và có lượng hàng hóa thông qua dự kiến khoảng 3 triệu tấn/năm.

Bốn là, hợp quần các lực lượng trong HTX để giảm chi phí vật tư đầu vào như thuốc BVTV, phân bón, xăng dầu. Năm là, đề nghị Hiệp hội Rau quả Việt Nam giữ liên hệ, và thường xuyên trao đổi với Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề liên quan đến dự trữ nông sản, phục vụ trực tiếp cho thị trường, HTX, doanh nghiệp.Đánh giá cao sự chủ động của Gia Lai trong việc mở rộng diện tích chanh leo, bám sát tín hiệu thị trường, tạo ra thế mạnh phát triển vùng, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản kết luận: “Song song với việc chuẩn hóa nông sản, chúng ta cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh. Tất cả phải đi vào thực chất và giúp bà con nông dân yên tâm canh tác trên chính thửa ruộng của mình”.

10h50

Doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu nông sản Quốc gia

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu chia sẻ: Qua các hội chợ quốc tế, một điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản Quốc gia. Khi các doanh nghiệp tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần thay đổi tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là những sản phẩm chủ lực.

Bà Ngô Tường Vy

Bà Ngô Tường Vy

Đối với sầu riêng, theo bà Tường Vy, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự tự tin cũng nên học hỏi những cách làm hay ở các nước làm tốt như Thái Lan… trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm này.

Cụ thể: Xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng, tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, giúp HTX, người sản xuất phải thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng.

Theo bà Tường Vy, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân, thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ khó khăn cho công tác tiêu thụ. Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công.

10h40

Nhờ Diễn đàn 970 dây chuyền sấy đã đến một số vùng nguyên liệu

Chế biến sâu là một trăn trở của nông nghiệp Việt Nam hiện nay trước thách thức, chính sách về xuất-nhập khẩu của thế giới.

Ngành nông nghiệp đang nâng cao mạnh mẽ về quy trình sản xuất, chế biến công nghệ cao, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển như một xu hướng tất yếu. Trong bối cảnh này, bà Lê Hà, Phó Chủ tịch Công ty Cánh Đồng Vàng, cho biết Cánh Đồng Vàng đã nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền sấy và bảo quản độc quyền tích hợp nhiều tính năng: dải nhiệt độ sấy từ 0 - 85 độ, tách nước diệt khuẩn, tiết kiệm nhiên liệu, đây là giải pháp đột phá phù hợp với các thách thức trên.

Hiện nay, thông qua kết nối với Tổ Công tác 970, Cánh Đồng Vàng đã đưa dây chuyền sấy đến một số vùng nguyên liệu như Bình Thuận, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Giang. Đặc biệt, dây chuyền đã gặt hái thành công khi sấy vải tại Bắc Giang khi sấy vải U Hồng (vải chín sớm) vốn vô cùng khó tính trong khâu chế biến.

Cánh Đồng Vàng gặt hái thành công khi sử dụng dây chuyền sấy vải Bắc Giang

Cánh Đồng Vàng gặt hái thành công khi sử dụng dây chuyền sấy vải Bắc Giang

10h30

Tiềm năng lớn từ thị trường châu Âu

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus, hiện nay công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam đã được triển khai tốt.

Thế nhưng nông sản của Việt Nam lại đang thiếu thông tin để định hướng thị trường và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo đó, ông Lương Phước Vinh gợi mở nhiều thị trường ở châu Âu rất tiềm năng, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. “Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường, các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ chúng ta”, đại diện Tập đoàn Tentamus chia sẻ.

Những hộp vải “Made in Vietnam” được bày bán tại kệ siêu thị Tang Frères ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Những hộp vải “Made in Vietnam” được bày bán tại kệ siêu thị Tang Frères ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

10h15

Những kinh nghiệm quý báu từ đất nước Thái Lan

Chia sẻ về câu chuyện phát triển thương hiệu trái cây của Thái Lan từ chuyến đi Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2022 vừa qua, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, người nông dân Thái Lan không thiết tha làm theo các tiêu chuẩn mà luôn yêu cầu những hỗ trợ về tài chính, chính sách.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh.

“Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết cả 2 giải pháp hỗ trợ đó đều sẽ không thành công. Giải pháp hiệu quả nhất là phải thay đổi tư duy của người nông dân. Chính họ phải là người tự quyết định sự thành công hay thất bại, họ cần tự trăn trở với chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức một hệ sinh thái đồng hành xuyên suốt, hỗ trợ, giúp đỡ khó khăn với người dân”, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ tại Diễn đàn.

Bên cạnh đó, bà Hạnh cho rằng người nông dân Thái Lan đã có những bước phát triển hơn so với Việt Nam.

Họ đã đi vào chế biến sâu với trình độ cao hơn: “Trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng”.

Song song, Thái Lan đã đầu tư mạnh tay cho công tác nghiên cứu và phát triển thị trường. Các trường đại học hay viện nghiên cứu của Thái Lan đều đặt ra những chiến lược trong tương lai xa. Khâu marketing cũng được đầu tư tài chính để trở nên chuyên nghiệp hơn và những chương trình marketing của Thái Lan đã mang lại hiệu quả cao.

10h10

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1 tỷ 4 USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu năm 2021 do thị phần tại Trung Quốc giảm sâu. Đặc biệt, xuất khẩu 4 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam

Trong thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam

Về bối cảnh 6 tháng cuối năm, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách Zero Covid trong thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau, tuy nhiên vẫn sẽ gây khó khăn cho Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ở thời điểm hiện tại.

Trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng mặt hàng chuối đã biểu hiện bước phát triển vượt bậc. Trong 5 tháng 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Phillipines với 28%.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định trong thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam. Lý do thứ nhất đưa ra là Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác. Diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng, đẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu. Ảnh hưởng của dịch bệnh Panama đã khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định Trung Quốc là một thị trường quan trọng. Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng. Trong bối cảnh không còn Zero Covid Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực.

9h55

Dựng ngôi nhà chung cho trái cây Việt Nam khi tham gia Hội chợ quốc tế

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group chia sẻ: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để thu mua gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group

Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi phải liên tục xin cấp lại chứng nhận, điều này vô hình chung sẽ làm cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ.

Ngoài ra, một doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Về tham gia hội chợ quốc tế, theo ông Tùng, nên xây dựng một ngôi nhà chung cho trái cây Việt Nam khi tham gia các hội chợ quốc tế thay vì chia nhỏ thành các gian hàng cho các doanh nghiệp như hiện nay.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp được chọn phải thể hiện sự chuyên nghiệp, trau chuốt hình ảnh để tôn vinh, nâng tầm, khẳng định thương hiệu của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế.

9h45

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai: Chanh leo cho lợi nhuận đến 350 – 400 triệu đ/ha

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, tỉnh hiện có khoảng 21.500 ha diện tích cây ăn quả. Điều đáng mừng nhất, là tỉnh Tây Nguyên này không gặp ách tắc nào trong vấn đề tiêu thụ nông sản.

Gia Lai dự kiến mở rộng diện tích chanh leo lên 20.000 ha vào năm 2025, lớn nhất cả nước

Gia Lai dự kiến mở rộng diện tích chanh leo lên 20.000 ha vào năm 2025, lớn nhất cả nước

Gia Lai vừa ban hành đề án phát triển cây ăn quả định hướng năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh dự kiến đưa diện tích cây ăn quả lên 55.000 ha vào năm 2025, và 100.000 ha vào năm 2030.

Để làm được điều này, Gia Lai chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang tập trung cây ăn quả. 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm: chanh leo, chuối, bơ và sầu riêng. “Gia Lai định hướng phát triển cây chanh leo từ 4.000 ha lên 20.000 ha, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận đến 350 – 400 triệu đ/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân”, ông Có chia sẻ.

Bên cạnh chanh leo, chuối cũng được Gia Lai xác định là cây thế mạnh trong định hướng đến năm 2025. Trong đề án phát triển cây ăn quả, tỉnh dự kiến đưa diện tích trồng chuối từ 4.000 lên 10.000 ha. Hai loại cây còn lại, bơ sẽ tăng diện tích từ 2.600 lên 4.000 ha, sầu riêng tăng diện tích từ 2.800 lên 6.000 ha.

Vừa qua, nhờ sự kết nối, hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Gia Lai tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Qua hội nghị, nhiều “đại bàng” trong ngành nông nghiệp cam kết đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản của tỉnh thời gian tới.

Cụ thể, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cam kết hỗ trợ chế biến khoảng 52.000 tấn trái cây, Công ty Nafoods khoảng 28.000 tấn, và HAGL khoảng 100.000 tấn.

Riêng Doveco có thêm liên kết với vùng cây ăn quả khoảng 3.000 ha trên địa bàn Gia Lai. “Với định hướng xuất khẩu, Gia Lai chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong công tác tổ chức sản xuất, với diện tích hiện tại khoảng 9.000 ha, tập trung vào hai loại cây chính là chanh leo và chuối. Hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói”, ông Có nhấn mạnh.

Vừa qua, một số lô hàng chuối xuất khẩu của Gia Lai bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát hiện có virus SARS-CoV-2. Hiện tỉnh tiến hành triển khai kiểm tra. Đồng thời, Gia Lai cũng định hướng xây dựng các quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm để phát triển cây ăn quả một cách bền vững.

9h35

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng: Sóc Trăng xây dựng 4 kho dự trữ giúp người dân bảo quản nông sản

Sóc Trăng sẽ xuất khẩu 40 tấn vú sữa sang Hoa Kỳ. Ảnh: Chí Nhân

Sóc Trăng sẽ xuất khẩu 40 tấn vú sữa sang Hoa Kỳ. Ảnh: Chí Nhân

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, do ý thức sản xuất của người dân được nâng cao nên nông sản trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ tốt, không xảy ra tình trạng ùn ứ. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng đã cấp được 77 mã số vùng trồng. Hiện nay, sản phẩm trái cây của Sóc Trăng đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm.

Điển hình như quả vú sữa sẽ được thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 40 tấn trong thời gian tới. “Đó là điểm sáng của Sóc Trăng và người dân cũng đang chủ động nâng cao chất lượng, đăng kí mã số vùng trồng, tham gia các HTX để hướng đến sản xuất một số loại trái cây khác”, ông Trần Trọng Khiêm cho hay.

Nhắn đến phần trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Lê Minh Hoan ngày 7/6 về vấn đề thay đổi tư duy sản xuất cần có thời gian dài, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết ngành nông nghiệp địa phương đang đề xuất xây dựng đề án nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025 và đề án xây dựng 4 kho nông sản. “Khi người dân thu hoạch nông sản đồng loạt, thương lái không thu mua hết, chúng ta cần xây dựng những kho dự trữ nông sản để giúp người dân bảo quản nông sản trong điều kiện tốt, tránh để ùn ứ.

Sóc Trăng đã lên kế hoạch xây dựng 4 kho ở 4 vùng: trái cây, hành, lúa, thủy sản”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng chia sẻ. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Sóc Trăng cũng đề xuất với tỉnh có những chính sách hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế sâu rau củ quả, đặc biệt là sản phẩm hành tím của địa phương.

9h25

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV: Cục BVTV tích cực đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong thời gian qua Việt Nam đã xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Tuy nhiên, trong năm 2019, khi Trung Quốc yêu cầu cấp mã số vùng trồng cho 8 loại quả tươi, tiếp nhận chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV đã cấp mã số vùng trồng cho các địa phương.

Trai cay mien Nam (9)

Trong quá trình chuẩn bị cấp mã số vùng trồng, Cục BVTV đã ban hành hai tiêu chuẩn cơ sở: Tiêu chuẩn 774 quy định về mã số vùng trồng, và Tiêu chuẩn 775 quy định về mã số nhà đóng gói.

Cục BVTV đã tổ chức tập huấn cho cán bộ khung các đơn vị của Cục, hiện nay đang trong giai đoạn tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của địa phương trên 20 tỉnh thành, các trạm, huyện, và HTX.

Về công tác mở rộng thị trường, Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hai bên dang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi thông qua ghi nhận ý kiến về nhu cầu người tiêu dùng tại Mỹ.

Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo. Quả sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối. Hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.

Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Phía Nhật cũng đã cho phép xuất khẩu vải vào năm ngoái. Hiện nay Cục BVTV đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác sang Nhật Bản.

9h01

Đẩy mạnh liên kết, quản chặt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn.

Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn. Một số tỉnh có sản lượng lớn như: Thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang); bưởi (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang); xoài (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai); mít (Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai); chanh Leo (Gia Lai, Đắk Lắk)…

Theo ông Tùng, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD (tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD (tăng 10,4%); lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD (tăng 7,6%); thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD (tăng 46,3%); chăn nuôi ước đạt 138,9 triệu USD (giảm 16,2%); vật tư đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 59,3%).

Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 41,6% thị phần); châu Mỹ (30,4%); châu Âu (12,0%); châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,5%).

Đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất). Trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm ước đạt 1,47 tỷ USD (giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Về tình hình phát triển thị trường nội địa, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước khoảng 68-70kg/người; dân số hơn 96 triệu người và 15-16 triệu khách du lịch tạo ra sức tiêu thụ rất lớn.

Hạ tầng hỗ trợ phân phối tiêu thụ sản phẩm trái cây: 8.600 chợ, 1.223 siêu thị, trung tâm thương mại; 1.300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics; 6 trung tâm logistics do các doanh nghiệp đầu tư và quản lý; 1.096 chuỗi nông sản an toàn.

Về tình hình xuất khẩu rau quả tại cửa khẩu: Tại tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 23/5, tổng lượng xe chờ xuất khẩu là 815 xe, trong đó lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 284 xe (chiếm khoảng 35% tổng lượng xe chờ xuất khẩu).

Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 19/5, tổng lượng xe đang chờ thông quan qua các cửa khẩu, lối mở là 287 xe.

Luỹ kế xe thông quan từ ngày 26/4 đến nay là 2.324 xe, trong đó xuất cảnh 1.401 xe (79 xe có hàng, 1.322 xe không hàng); nhập cảnh 923 xe (801 xe có hàng và 122 xe không hàng).

Tại Lào Cai, tính đến ngày 22/5, tổng số phương tiên thông quan qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành là 149 xe. Trong đó, xuất khẩu 40 xe (chủ yếu gỗ ván bóc, than củi, đỗ lạc); nhập khẩu 109 xe (hàng công nghiệp và tiêu dùng). Cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Lào Cai xuất cành 2 chuyến tàu, nhập cảnh 2 chuyến tàu.

Về quản lý mã số vùng trồng, hiện nay, đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha), tại 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho 12 loại quả tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo,… Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được cấp 1.561 mã (chiếm tỷ lệ 39,02%), Đông Nam Bộ có 224 mã (chiếm 5,6%), Tây nguyên 168 mã (tỷ lệ 4,2%).

Về mã số cơ sở đóng gói, cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hiện nay vẫn đang gặp những khó khăn như: Mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê,... Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thời gian đàm phán đối với các sản phẩm kéo dài và chịu sự tác động của dịch Covid-19 (chuyên gia không thể sang Viêt Nam để kiểm tra vùng trồng)…

Về khó khăn trong công tác tiêu thụ, theo ông Tùng, tình hình kiểm soát chặt dịch Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến xuất khẩu. Yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.

Chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây.

Năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, khi đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.

Trên cơ sở đó, theo ông Tùng đề xuất Bộ NN-PTNT cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi ba nhóm sản phẩm; xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên các nền tảng Logistic hiện đại; tìm thêm các dư địa mới để nâng cao giá trị gia tăng; hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hòa với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trườngĐối với các địa phương, đẩy mạnh liên kết, tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản gắn sản xuất và thị trường đồng bộ, hiện đại; xây dựng các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh…

8h30

Diễn đàn 970 là kênh đối thoại quan trọng giữa các bên

Diễn đàn 970 có sự thay đổi về cách thức tổ chức trong năm 2022.

Diễn đàn 970 có sự thay đổi về cách thức tổ chức trong năm 2022.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, Diễn đàn 970 có sự thay đổi về cách thức tổ chức trong năm 2022.

Cụ thể, thay vì tổ chức vào thứ Bảy cuối tuần như năm 2021, diễn đàn sẽ được tổ chức theo chủ đề và nhu cầu thực tế về tình hình nông sản.Theo ông Thạch, ngành hàng rau quả những năm gần đây ngày càng phát triển với công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, với giá trị xuất khẩu ngày càng tăng. 

Thị trường trong nước với quy mô dân số hơn 90 triệu người và trên 15 triệu khách du lịch mỗi năm tạo ra sức tiêu thụ rau quả rất lớn. Nhiều chuỗi kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đặc biệt qua các hệ thống bán lẻ, phân phối lớn đã được hình thành trên cả nước.

Có những thuận lợi, nhưng ngành hàng rau quả gặp khó khăn trong thời gian đầu năm 2022. Cụ thể, xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 5/2022, xuất khẩu rau quả ước đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với tháng 5/2021.

Trước tình hình ấy, ông Thạch hy vọng, diễn đàn ngày 8/6 sẽ trở thành kênh đối thoại quan trọng và hiệu quả giữa các nhà quản lý; nhà sản xuất, chế biến; doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng.“Thông tin hoạt động diễn đàn được tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, và hệ thống mạng xã hội của báo. Toàn bộ tham luận, ý kiến đóng góp của quý vị sẽ được ghi nhận và đăng tải, cung cấp thông tin tới bạn đọc”, ông Thạch nhấn mạnh.

Có những thuận lợi, nhưng ngành hàng rau quả gặp khó khăn trong thời gian đầu năm 2022.

Có những thuận lợi, nhưng ngành hàng rau quả gặp khó khăn trong thời gian đầu năm 2022.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.