Doanh nghiệp phải có thị trường trong tay
Ngành hàng cá tra ở ĐBSCL nhiều năm qua gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Điều này cho thấy, để ngành hàng phát triển mang tính ổn định, bền vững trong thời gian tới, một trong những điều kiện tiên quyết trong hoạch định chiến lược phát triển là phải bắt đầu từ thị trường.
An Giang là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu với diện tích nuôi hằng năm gần 2.000ha, cho sản lượng đạt trên 400.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 20 doanh nghiệp với 23 nhà máy chế biến, công suất chế biến đạt hơn 320.000 tấn/năm.
Riêng năm 2022, mặc dù vừa bước ra khỏi dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu 162.000 tấn cá tra, thu 380 triệu USD, tăng 1,59% về lượng và tăng 2,03% về kim ngạch so với năm 2021.
Thông qua những số liệu này cho thấy, ngành hàng cá tra vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trước hết diện tích nuôi gần cán mức 2.000ha, trong khi công suất chế biến của 23 nhà máy mới chỉ đạt phân nửa công suất thiết kế.
Lợi thế về nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng lẫn kinh nghiệm sản xuất là rất lớn. Vì vậy, để ngành cá tra tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Nhà nước cần đẩy mạnh việc hoạch định lại ngành hàng theo hướng kiểm soát thật chặt diện tích thả nuôi khi giá cá tăng cao.
Thà nuôi ít, bán có giá còn hơn nuôi nhiều nhưng bán chậm và giá thấp. Cần có cơ chế kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản để giá thành nuôi không biến động lớn như hiện nay. An Giang và Đồng Tháp là 2 địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp để doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra có đầy đủ con giống khỏe, sạch bệnh, giúp tỷ lệ sống của cá tra giống thả vào hầm nuôi thương phẩm ngày một cao hơn.
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, cho biết: Thị trường được đề cập ở đây trước hết phải nói đến là thị trường tiêu thụ sản phẩm (bao gồm trong và ngoài nước), thị trường thức ăn, thuốc thú ý thủy sản và thị trường con giống cá tra.
Đây là 3 thị trường quan trọng để thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng mà chúng ta đã làm trong 35 năm qua (kể từ khi Việt Nam xuất khẩu lô hàng cá tra đầu tiên sang Úc vào năm 1988).
Trên cơ sở những dự báo về thị trường, doanh nghiệp và ngư dân đi vào tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Đây là cách làm khoa học, một mặt phản ánh trình độ sản xuất của doanh nghiệp lẫn ngư dân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mặt khác giúp khách hàng ổn định kế hoạch phân phối và phát triển thị trường mới. Nếu theo phương thức này, đầu vào ổn thì đầu ra sẽ ổn, ngành hàng cá tra không phải chứng kiến điệp khúc “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa”.
“Năm nào sản lượng nuôi cá tra thấp hơn nhu cầu của thị trường thì năm đó ngư dân, doanh nghiệp, khách hàng mua sản phẩm đều lời. Ngược lại, năm nào sản lượng nuôi vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ thì năm đó tất cả cùng thua lỗ. Như vậy, thà nuôi ít, bán có giá còn hơn nuôi nhiều bán mà không được”, ông Doãn Tới - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, khẳng định.
Sản xuất phải bắt đầu từ thị trường
Theo nhận định từ doanh nghiệp khác trong ngành cá tra ở ĐBSCL, thực tế của ngành hàng này là vậy, song trong 35 năm qua, khi cá tra thương phẩm đạt mức từ 36.000 đồng/kg trở lên (vào tháng 10/2018), ngay lập tức diện tích thả nuôi tăng lên nhanh chóng, gây mất cân đối cung - cầu.
Năm ấy, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi đến 5.600ha, trong đó An Giang nuôi 1.700ha, Đồng Tháp diện tích nuôi cá tra tăng lên 2.500ha. Hệ quả là sản phẩm không tiêu thụ được, giá cá rớt xuống thê thảm.
Đặc biệt, trong hơn 1 năm qua, khi xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra, thế giới đi vào suy thoái kinh tế toàn cầu, việc tiêu thụ cá tra trở nên hết sức khó khăn bởi người tiêu dùng luôn tiết kiệm chi tiêu, ngư dân lẫn doanh nghiệp hiện đang trong tình trạng khó khăn và đợi giá cá tra tăng trở lại.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Sản xuất phải bắt đầu từ thị trường, đây là điều kiện tiên quyết để ngành hàng này giành được nhiều thắng lợi. Muốn như vậy, cần tiếp tục phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng, có cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt quy hoạch nuôi, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát giá thức ăn lẫn thuốc thú y thủy sản trên thị trường hiện nay.
Để vượt qua khó khăn cho ngành hàng cá tra và hướng đến phát triển trong thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống.