| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất giống lúa nông hộ

Thứ Ba 15/06/2010 , 10:48 (GMT+7)

Thực tế, sản xuất giống nông hộ đã và đang tồn tại rất phổ biến trong sản xuất. Đặc biệt có ý nghĩa khi sản xuất gặp khó khăn đầu vụ...

Hiện nay, diện tích sản xuất lúa hàng năm của tỉnh Nam Định khoảng 160 ngàn ha và cơ cấu giống lúa thuần chiếm từ 50 - 60% diện tích. Như vậy, nhu cầu lượng giống lúa thuần hàng năm của tỉnh khoảng 4.000 tấn. Nguồn giống sản xuất và cung ứng chủ yếu có hai hình thức là hệ thống sản xuất giống chính thống của nhà nước và doanh nghiệp, trạm trại… đáp ứng khoảng 40 - 50%, một lượng giống rất lớn còn lại chủ yếu do các hộ nông dân tự sản xuất và trao đổi với nhau.

Thực tế, sản xuất giống nông hộ đã và đang tồn tại rất phổ biến trong sản xuất. Đặc biệt có ý nghĩa khi sản xuất gặp khó khăn đầu vụ, như rét hại hoặc mưa úng thì nguồn giống của nông hộ được huy động đưa ra sản xuất. Kỷ lục là đợt rét kéo dài 38 ngày ở vụ xuân 2008 làm chết hầu hết diện tích mạ, thậm chí nhiều hộ dân phải gieo đi gieo lại đến lần thứ 3 mới đủ mạ cấy. Ưu điểm loại giống này có giá thành thấp, người dân chủ động về lượng giống và giúp nhân nhanh các giống lúa mới ra sản xuất tại địa phương. Góp phần duy trì phát triển sản xuất các giống lúa chất lượng cao như các giống Bắc Thơm 7, Tám, nếp… Tuy nhiên, kỹ thuật sản xuất giống nông hộ truyền thống chủ yếu dựa theo kinh nghiệm là chính. Các hộ nông dân tự lựa chọn những mảnh ruộng, ô ruộng lúa tốt, thu hoạch và để riêng làm giống…

Trong những năm qua tỉnh Nam Định đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều Chương trình, dự án sản xuất giống được triển khai thực hiện, trong đó có dự án DANIDA của Chính phủ Đan Mạch, hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất giống nông hộ, thời gian từ năm 2002 đến 2006. Hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân nắm chắc kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa thuần như: lựa chọn hạt giống tốt, cấy 1 dảnh, cấy theo băng, khử cây lẫn tạp, thu hoạch và bảo quản hạt giống… Giúp nông dân biết phương pháp so sánh, đánh giá và lựa chọn giống tốt để áp dụng vào sản xuất gia đình và địa phương mình. Hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh, như Minh Tân, Tân Hòa, Lương Kiệt, huyện Vụ Bản; Yên Phương, huyện Ý Yên; Thịnh Thắng, Giao Yến, huyện Giao Thủy; Hải An, huyện Hải Hậu… đã duy trì mô hình các nhóm, câu lạc bộ sản xuất giống với quy mô sản xuất từ 2 – 5 ha và sản lượng giống đạt 10 – 20 tấn.

Hình thức sản xuất là liên kết hợp tác với chính HTXNN, các đơn vị, trạm, trại giống cây trồng và có sự giám sát kỹ thuật các khâu sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng hạt giống của cán bộ chuyên môn. Lượng giống này không những trao đổi cho bà con nông dân trong thôn xóm mà còn cung cấp cho các đơn vị kinh doanh với giá phù hợp, bằng 1,3 – 1,5 lần so lúa thương phấm. Tuy nhiên nhiều cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất và cung ứng giống lại chưa có đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất. Hầu hết các hộ nông dân đều thiếu kiến thức về sản xuất giống và không nắm được quy phạm cũng như quy trình kỹ thuật sản xuất các cấp hạt giống. Mặt khác, việc quản lý chất lượng hạt giống của các hộ dân sản xuất và trao đổi tại địa phương là rất khó khăn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hạt giống lúa do nông hộ sản xuất, phục vụ mục tiêu sản xuất hướng hàng hóa, bền vững và bảo đảm an ninh lương thực, đề nghị Nhà nước có các chính sách khuyến khích, đầu tư hỗ trợ sản xuất. Trước tiên, cần phát huy vai trò hoạt động của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, đào tạo kỹ thuật tại chỗ bằng cách lựa chọn những người dân trực tiếp sản xuất, ham học hỏi, tự nguyện…; hỗ trợ lượng giống gốc ban đầu như hạt giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng và đó là yêu cầu cần thiết để bảo đảm chất lượng hạt giống cung cấp cho các hộ dân tiếp tục nhân rộng sản xuất trong toàn địa phương; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra chất lượng các giống lưu hành trong sản xuất. Ngoài ra cũng nên khuyến khích các nhóm, câu lạc bộ sản xuất giống lúa tại các địa phương nhằm tổ chức sản xuất hạt giống theo kế hoạch và nhu cầu của mỗi HTX, thôn, xóm… Thường xuyên trao đổi, phổ biến nội dung, kiến thức về các hoạt động có liên quan đến sản xuất giống.

Thực hiện tốt và đông bộ các biện pháp trên, sản xuất giống nông hộ sẽ tạo ra nguồn giống có chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất cho địa phương và nâng cao nhận thức của các hộ nông dân về vai trò của giống trong sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất