Thích ứng với BĐKH
Ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết: Nhằm nâng cao giá trị hạt lúa, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã nghiên cứu, lai tạo và chọn các giống lúa có đặc tính nổi trội về năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất, quan trọng nhất là thích ứng với khí hậu của địa phương.
Đến nay, Trung tâm Giống nông nghiệp đã cho lai tạo thành công nhiều giống lúa như BLR103, BLR105, BLR203, BLR312, BLR413, BLR404… Qua sản xuất trình diễn các giống lúa tại các điểm khác nhau, mỗi giống lúa có điều kiện thích ứng từng vùng sinh thái khác nhau như vùng chuyên lúa, vùng tôm lúa mà cho năng suất và khả năng thích ứng khác nhau...
Ngoài ra, những giống lúa này điều có những đặc tính giống nhau như: ít nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, bệnh đạo ôn. Trong đó, có những giống lúa chịu mặn ở giai đoạn trổ chín rất tốt như giống BLR103 là 4‰, BLR105 là 5‰, rất phù hợp cho vùng tôm - lúa của TX Giá Rai, huyện Phước Long hay huyện Hòng Dân của tỉnh Bạc Liêu.
Ông Nguyễn Phương Hùng - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, đánh giá: Trung tâm đã triển khai sản xuất thử 3 giống lúa BLR103, BLR105 và BLR413 trên các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để đánh giá thêm tính thích nghi, làm cơ sở cho việc công nhận giống quốc gia.
Trong đó, đặc tính sinh học của các giống lúa khá nổi trội về mặt thời gian sinh trưởng so với giống bố mẹ. Cây lúa cứng, thấp cây, khắc phục nhược điểm của cây lúa bố mẹ quá dài, dễ đổ ngã. Năng suất khá cao từ 6 - 7,5 tấn/ha, khi canh tác ở các vùng sinh thái... Đồng thời, Trung tâm đề nghị Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Bạc Liêu tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị đưa giống lúa BLR413 vào sản xuất và hướng đến xây dựng giống lúa này thành giống lúa mang thương hiệu Bạc Liêu.
Hiện nay, các giống lúa được lai tạo chịu mặn và giống lúa thơm BLR413 thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang được đưa đi trồng khảo nghiệm ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân các địa phương sản xuất các giống lúa chịu mặn trên vùng lúa - tôm, vùng thường xuyên ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn thay cho các giống lúa khác…
Giảm chi phí sản xuất
Hiện nay, giá phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp…đều tăng cao, do đó nông dân cần bón phân hợp lý, để làm giảm chi phí sản xuất.
Chia sẻ vấn đề này với PV Báo NNVN, ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua giá lúa liên tục lên xuống bất thường, trong khi đó giá các giống lúa như: ST24, ST25, Đài Thơm 8, OM18…hiện nay giá trên lệch không nhiều thì người dân nên tính toán cho kỹ. Trong khi giá lúa vẫn tăng giảm rất khó đoán, để giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân, thứ nhất là thực hiện theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, gieo sạ lượng giống thích hợp từ 8 -12kg/công, tối đa là 12 kg/công.
Thứ hai, nông dân cần phải bón phân cân đối, đồng thời đưa phân hữu cơ vào sản xuất, tiết kiệm phân bón một cách hợp lý có hiệu quả nhất để giảm lượng phân bón. Thứ ba, trong quá trình sử dụng thuốc BVTV xác định đối tượng nào cần phòng trừ, hạn chế phun xịt thuốc không cần thiết, vì hiện nay bà con nông dân còn sản xuất theo tập quán tới định kỳ là phun, xịt thì rất tốn kém, bà con lưu ý nên hạn chế tối đa.
Theo ông Hùng, trong quá trình chăm sóc tất cả các khâu nông dân nên tiết kiệm tối đa, quản lý tốt trà lúa thì mới có thể giảm được chi phí sản xuất. “Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn tập quán gieo sạ dầy, phân bón sử dụng nhiều kể cả thuốc BVTV, nếu giảm được 3 cái là giống, phân bón và thuốc BVTV thì sâu bệnh sẽ ít hơn, chi phí thấp hơn nông dân sản xuất lúa mới có lãi”, ông Hùng cho biết.