Mô hình được triển khai tại hộ tham gia thực hiện ông Lương Văn Đức, thôn Xuân Đông với quy mô 17 ha, người dân được hỗ trợ 50% giá trị bao gồm mạ khay, phân bón, thuốc BVTV.
Điểm mới trong triển khai mô hình này là có sự bàn bạc, phối hợp của 4 “nhà”: nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học ngay từ đầu nên những vấn đề vướng mắc hầu như không xảy ra trong suốt quá trình sản xuất.
Đầu tiên, Trung tâm Khuyến nông kết nối Công ty CP Nông Nghiệp và Thương Mại Quốc Tế (đơn vị cung ứng giống lúa) về khảo sát địa điểm, thống nhất cách thức triển khai, giá thu mua, cách thức thu mua rồi ký kết hợp đồng tiêu thụ với người dân, để họ yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm được lựa chọn để vừa cung ứng phân bón, vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trước khi vào vụ sản xuất.
Sau khi lựa chọn được điểm có đủ các điều kiện và có nguyện vọng tham gia mô hình, trung tâm đã phân công 2 cán phụ trách, thường xuyên bám sát, kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn hộ từ khâu điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa đến lúc thu hoạch.
Do được hỗ trợ từ đầu và đảm bảo cam kết đầu ra nên qúa trình triển khai, người dân đã tâm huyết và tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa công ty cung ứng giống và phân bón.
Nhờ được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như giống, phân bón cân đối chăm bón cân đối, kiểm soát sâu bệnh hại chặt chẽ đã giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt 57,4 tạ/ ha cao hơn so với diện tích lúa xung quanh mô hình 40-50%.
Ông Lương Văn Đức, hộ tham gia sản xuất của mô hình cho biết, đây là vùng đất chua mặn, bệnh bạc lá nhiều nhưng khi sử dụng giống và phân bón theo mô hình đã hạn chế được nhiều, năng suất so với trước đây cũng tăng cao, nguồn thu có thể lên đến 600.000đ/1 sào.
“Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, giống và phân bón, đặc biệt là được bao tiêu đầu ra nên chúng tôi đã yên tâm sản xuất, bám sát theo hướng dẫn và thực tế là hiệu quả hơn hẳn so với sản xuất thông thường. Tôi rất hài lòng và mong phía doanh nghiệp có cơ chế phối hợp với các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ chúng tôi trả chậm phân bón nữa”, ông Đức bộc bạch.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, việc xây dựng mô hình phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng, ngành nông nghiệp và địa phương.
Việc xây dựng vùng sản xuất lúa giống hàng hóa tập trung, sử dụng giống lúa mới chống chịu sâu bệnh và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón NPK cân đối góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.
Mô hình mang lại lợi nhuận cho người sản xuất hướng tới hình thành các vùng chuyên sản xuất lúa giống tại Hải Phòng để cung ứng giống cho nông dân trên địa bàn thành phố giảm chi phí cho cả doanh nghiệp sản xuất giống và chi phí mua giống của nông dân.
Thông qua mô hình đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng cân đối phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón NPK khuyến cáo cho nông dân lựa chọn được loại phân bón chất lượng, giá thành phù hợp, tăng năng suất, chất lượng, giảm sâu bệnh hại.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm khẳng định hài lòng với sự phối hợp và kết quả triển khai mô hình, đồng thời cam kết sẽ cử chuyên gia tiếp tục hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
“Làm nghề sản xuất phân bón chúng tôi đi khắp mọi nơi, thi thoảng mới tham gia cuộc chơi chung giữa các nhà, nhưng ở đây tôi thấy được tổ chức rất bài, bản, khoa học và thành công. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, còn về việc cho bà con trả chậm phân bón, chúng tôi sẽ bàn và hoàn toàn làm được”, ông Bốn khẳng định.