| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực chi phí đầu vào

Thứ Tư 11/05/2022 , 11:44 (GMT+7)

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 11, cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước.

Giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng rất chậm

Trong khuôn khổ phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa -  Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5.

Nhấn mạnh đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng đa dạng nguồn vốn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cho ý kiến về sự cần thiết và cấp bách của việc phân kỳ đầu tư, sự phù hợp vơi quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, hình thức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, nhất là tính khả thi nguồn vốn để tránh việc Quốc hội phê chuẩn xong lại không triển khai được.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đã gần nửa năm 2022 nhưng tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng rất chậm. Trong khi đó, chương trình này chỉ được giải ngân trong hai năm 2022 - 2023.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban liên quan của Quốc hội căn cứ vào báo cáo và tình hình thực tiễn để cho ý kiến “chứ một Ủy ban không làm hết được”. Qua đó nâng cao chất lượng các báo cáo, tránh tình trạng chung chung rồi đẩy cái khó cho Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần đánh giá trách nhiệm từng cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành trong nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng thời xử lý theo lĩnh vực phụ trách.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nông sản phục vụ chế biến, xuất khẩu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cạnh tranh quốc tế, cũng như sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định dẫn tới hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Đề nghị báo cáo, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, tình trạng ùn ứ phương tiện trong việc xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc thời gian qua, trong đó cần làm rõ thông tin cho rằng tại một số cửa khẩu có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao; khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Có ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo về thực trạng phát triển hạ tầng nghề cá và nguồn lực (kinh phí, nhân lực) phục vụ cho nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp và nỗ lực gỡ thẻ vàng trong khai thác hải sản.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, thời gian tới cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt là chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.

Đồng thời cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế,…

Nguồn thu ngân sách chưa thật sự bền vững

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: Một số khoản thu ngân sách nhà nước năm 2021 mặc dù tăng khá lớn nhưng chưa thật sự bền vững, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Ông dẫn chứng cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, thu từ dầu thô vượt 21,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 9,4 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Bên cạnh đó, thu tiền sử dụng đất có mức tăng lớn so với dự toán (tăng 74.081 tỷ đồng) và số báo cáo Quốc hội (tăng 44.881 tỷ đồng). Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, đây là khoản thu không ổn định, không bền vững cho cân đối ngân sách địa phương.

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác hiệu quả, lâu dài tài nguyên đất.

Đặc biệt có biện pháp kiểm soát để tránh tình trạng tăng nóng trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, cần xây dựng dự toán sát hơn để điều hành ngân sách nhà nước chủ động, hiệu quả.

Xem thêm
Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...